Bác sĩ Trị (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp trong ca mổ u phổi cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark. Ảnh: Bích Nhàn
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao gấp 10 lần so với những người không hút.
Lần đầu khám bệnh đã phát hiện ung thư phổi do thuốc lá
Mới hơn 40 tuổi nhưng bề ngoài anh Đ.V. K (ngụ phường Xuân An, thành phố Long Khánh) gầy gò, xanh xao và yếu ớt như người đã ở tuổi lục tuần. Vài tháng trước, anh K. đột nhiên thấy đau tức ngực, ho, cảm giác đau tăng khi ho, thi thoảng khạc đờm trắng và sụt ký.
Cầm hồ sơ khám bệnh trên tay, anh K. tâm sự, anh làm nghề thợ xây và chưa từng đi khám bệnh. Đây là lần đầu anh K. đi khám bệnh. Các bác sĩ làm các xét nghiệm cần thiết và chụp CT lồng ngực, siêu âm tuyến giáp, siêu âm ổ bụng. Hình ảnh chụp CT phát hiện nốt ở thùy trên phổi trái với kích thước khá lớn. Nhận thấy có dấu hiệu tổn thương nghi ngờ ác tính, bác sĩ nhanh chóng chỉ định sinh thiết xuyên thành ngực khối ở phổi và khối thượng thận, kèm thêm các xét nghiệm dấu ấn ung thư.
Không nằm ngoài dự đoán của các bác sĩ, anh K. được chẩn đoán bị ung thư phổi giai đoạn IV, di căn tuyến thượng thận và hạch trung thất. Không tin vào kết quả lần đầu, anh K. tiếp tục đi khám ở nhiều bệnh viện có chuyên khoa Ung bướu khác nhau. Nhưng… cầm tờ giấy báo kết quả như nghe “sét đánh ngang tai”, và anh K. không muốn tin vào sự thật: “Phải làm sao bây giờ, phải làm sao bây giờ?” – anh K. thất thần nói trong vô thức.
Anh K. kể: “Ngay từ thời niên thiếu, mới 16-17 tuổi, tôi đã “làm bạn” với thuốc lào, rồi thuốc lá. Ngày ấy, tôi không nghĩ ngợi quá nhiều vì thấy bạn bè mình ai cũng hút. Suốt những năm qua, tôi vẫn thấy mình khỏe mạnh nên không đi khám bệnh và không nghĩ ngợi nhiều”.
Thạc sĩ – bác sĩ Quản Minh Trị, khoa Lồng ngực - mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark cho biết, những trường hợp như bệnh nhân K. không hề hiếm gặp. Bởi bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm qua và đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Căn bệnh này được coi là ‘sát thủ giết người thầm lặng' bởi thông thường, chỉ đến giai đoạn cuối bệnh mới xuất hiện biểu hiện lâm sàng.
Người hút thuốc lá có khả năng mắc ung thư cao gấp 20-30 lần
Khoảng 85-90% trường hợp ung thư phổi ở người lớn liên quan trực tiếp đến việc hút thuốc. Các chất độc hại trong thuốc lá như nicotine, tar và nhiều hợp chất khác đã được chứng minh là gây tổn thương DNA phế quản, dẫn đến sự phát triển của tế bào ung thư. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi do hút thuốc lá tăng theo số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và số năm hút thuốc. Người hút thuốc lá nặng, hút trên 20 điếu/ngày và hút lâu năm và trên 30 năm sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn gấp 20-30 lần so với người không hút thuốc.
“Sau gần 20 năm chuyên phẫu thuật và điều trị cho người bệnh ung thư phổi, tôi nhận thấy đa số bệnh nhân bị bệnh này đều là người hút thuốc lá hoặc có người thân hút thuốc lá. Trong quá trình phẫu thuật, lá phổi của người hút thuốc biểu hiện đen và ám màu khói thuốc rất kinh khủng. Hơn nữa, việc điều trị sau phẫu thuật cũng rất khó khăn, dễ bị viêm phổi và xảy ra các biến chứng hơn rất nhiều” – bác sĩ Trị chia sẻ.
Theo GS.TS.BS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế thuốc lá là nguyên nhân chính chiếm tới trên 90% gây ra ung thư phổi, trên 30% gây ra các loại ung thư khác. Mỗi năm nước ta ghi nhận hơn 182.000 ca mắc mới ung thư các loại, trên 122.000 trường hợp tử vong. Hiện có khoảng 354.000 người đang sống chung với ung thư.
Trong quá trình điều trị ung thư phổi, các phương pháp chính bao gồm: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và liệu pháp nhắm trúng đích. Trong đó, phẫu thuật thường được áp dụng khi khối u còn ở giai đoạn sớm và chưa lan rộng, cho phép loại bỏ hoàn toàn phần phổi bị ảnh hưởng.
Nhưng bác sĩ Trị cho rằng: “Cái khó nhất là đa phần bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá lâu năm thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Từ đó, việc phẫu thuật trở nên phức tạp hoặc không khả thi. Bệnh nhân phải thực hiện hóa trị và xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc kiểm soát sự phát triển của khối u nhưng khiến bệnh nhân mệt mỏi, buồn nôn, suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh”.
Theo bác sĩ Trị, thách thức lớn nhất mà các bác sĩ ngoại lồng ngực thường phải đối mặt là tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh đã bị suy yếu do thói quen hút thuốc kéo dài. Trong đó, chức năng phổi giảm, các bệnh lý tim mạch và hô hấp đi kèm làm tăng nguy cơ biến chứng trong quá trình điều trị. Việc người bệnh tiếp tục hút thuốc trong khi điều trị cũng làm giảm hiệu quả của các phương pháp và tăng khả năng tái phát.
“Nhiều người bệnh của tôi, khi biết đã mắc ung thư phổi, đều nói rằng họ ước mình bỏ thuốc sớm hơn. Không chỉ bản thân người hút mới bị ảnh hưởng, mà cả những người xung quanh chúng ta, đặc biệt là người thân trong gia đình cũng phải chịu tác động từ khói thuốc thụ động. Tôi đã gặp nhiều trường hợp người thân của người hút thuốc mắc bệnh hô hấp nặng” – bác sĩ Trị tâm sự.
Bích Nhàn