Thuốc nào dùng trong điều trị xẹp đốt sống?

Thuốc nào dùng trong điều trị xẹp đốt sống?
4 giờ trướcBài gốc
1. Dấu hiệu nhận biết bị xẹp đốt sống
Trên thực tế lâm sàng, khoảng 2/3 trường hợp gãy lún, xẹp đốt sống không được chẩn đoán sớm vì không có triệu chứng hay dấu hiệu rõ rệt. Đến khi các triệu chứng rõ rệt, bệnh nhân đi khám bệnh mới được xác định bệnh. Các triệu chứng lâm sàng chính của xẹp đốt sống, có thể đơn lẻ hoặc kết hợp, bao gồm:
Đột ngột xuất hiện tình trạng đau lưng
Độ đau tăng lên khi đứng hoặc đi bộ
Cường độ đau giảm khi nằm nghỉ
Khả năng di động cột sống bị hạn chế
Giảm chiều cao, gù lưng...
Nội dung
1. Dấu hiệu nhận biết bị xẹp đốt sống
2. Các biện pháp điều trị xẹp đốt sống
2.1 Điều trị bảo tồn xẹp đốt sống
2.2 Điều trị can thiệp
3. Lưu ý khi điều trị xẹp đốt sống
Nguyên nhân gây xẹp đốt sống có nhiều, điển hình nhất là do thoái hóa cột sống, chấn thương cột sống, loãng xương, ung thư xương, viêm tủy xương, viêm xương biến dạng Paget...
Xẹp đốt sống rất nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng, bệnh có thể gây:
Ảnh hưởng đến độ cân bằng của cột sống, thúc đẩy nguy cơ thoái hóa.
Đốt sống biến dạng làm mất chiều cao, gù lưng, vẹo cột sống, tàn tật. Về lâu dài, đốt sống bị xẹp làm chèn ép các cơ quan nội tạng.
Biến chứng tổn thương dây thần kinh, gây tê, đau nhức và tàn phế...
Xẹp đốt sống lưng có nhiều triệu chứng, khi thấy đau lưng cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm.
2. Các biện pháp điều trị xẹp đốt sống
Hiện nay, với sự phát triển của y học xẹp đốt sống có thể được chữa khỏi bằng rất nhiều phương pháp. Tuy nhiên, bệnh càng được phát hiện sớm thì việc điều trị hiệu quả càng cao, tiết kiệm được chi phí điều trị và tránh những biến chứng nguy hiểm.
Điều trị xẹp đốt sống bao gồm các phương pháp bảo tồn nhằm giảm đau và ổn định cột sống (như nghỉ ngơi, thuốc giảm đau, nẹp lưng, vật lý trị liệu) và các thủ thuật can thiệp tối thiểu (như bơm xi măng sinh học) hoặc phẫu thuật cho các trường hợp phức tạp hơn.
Mục tiêu chính của điều trị xẹp đốt sống là:
Giảm đau.
Ổn định đốt sống bị xẹp, lún/gãy (nếu có).
Phục hồi chức năng vận động.
Ngăn ngừa các biến chứng và các đợt gãy xương mới...
Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Nguyên nhân gây xẹp (loãng xương, chấn thương, ung thư…), mức độ đau, mức độ lún sụp và biến dạng, tình trạng ổn định của cột sống, sự hiện diện của triệu chứng thần kinh, tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Sau khi khám lâm sàng cùng các kết quả cận lâm sàng, tùy tình trạng bệnh và hoàn cảnh cá nhân, bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến nghị điều trị.
Nhìn chung, phác đồ điều trị xẹp đốt sống bao gồm:
2.1 Điều trị bảo tồn xẹp đốt sống
Chỉ định điều trị bảo tồn dành cho bệnh nhân bằng cách:
- Cho nghỉ bất động tại giường: Trong giai đoạn cấp tính (từ vài ngày đến 1-2 tuần), bệnh nhân cần hạn chế các hoạt động gây đau, tránh nâng vật nặng, cúi gập hoặc xoay vặn cột sống.
Tuy nhiên, nghỉ ngơi tại giường kéo dài không được khuyến khích. Việc nằm nghỉ lâu trên giường có thể dẫn đến yếu cơ, cứng khớp và tăng nguy cơ loãng xương. Do đó, nên vận động nhẹ nhàng trở lại ngay khi cơn đau cho phép.
- Dùng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ, thuốc chống loãng xương, thuốc ức chế hủy cốt bào…
+ Paracetamol (Acetaminophen): Thường là lựa chọn đầu tay cho đau nhẹ đến trung bình.
+ Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Như ibuprofen, naproxen, diclofenac… giúp giảm đau và viêm hiệu quả hơn paracetamol. Tuy nhiên cần thận trọng về tác dụng phụ trên dạ dày, thận, tim mạch, đặc biệt ở người lớn tuổi.
+ Thuốc giãn cơ: Có thể được sử dụng nếu có co thắt cơ kèm theo.
+ Thuốc giảm đau opioid như tramadol, codeine, morphine… chỉ nên sử dụng ngắn hạn cho các trường hợp đau dữ dội và không đáp ứng với các thuốc khác. Thuốc được chỉ định và dùng dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ do nguy cơ gây nghiện và tác dụng phụ cao.
+ Calcitonin dạng xịt mũi hoặc tiêm dưới da, đôi khi được chỉ định để giảm đau do xẹp đốt sống cấp tính, đặc biệt khi liên quan đến loãng xương, thông qua cơ chế tác động lên thụ thể opioid nội sinh.
- Dùng nẹp cố định: Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng áo nẹp cột sống trong một thời gian khoảng 6-12 tuần. Nẹp này giúp hỗ trợ cột sống, giảm đau khi vận động và hạn chế các cử động có thể làm nặng thêm tình trạng xẹp lún.
Tuy nhiên, việc sử dụng nẹp cần có chỉ định đúng và không nên kéo dài quá lâu vì có thể làm cho xẹp đốt sống trở nên nặng hơn do làm mất xương tiến triển, gây yếu cơ… Đặc biệt là phát sinh các biến chứng do nằm lâu, nhất là ở người già như loét tì đè, viêm phổi ứ đọng, thuyên tắc mạch…
Điều trị xẹp đốt sống bằng phương pháp phẫu thuật.
- Vật lý trị liệu:Sau khi giai đoạn đau cấp đã giảm bớt, vật lý trị liệu đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Vật lý trị liệu là yếu tố then chốt cho sự phục hồi lâu dài và phòng ngừa tái phát hay các đợt gãy xương mới. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn các bài tập phù hợp nhằm:
Tăng cường sức mạnh cơ lưng và cơ bụng, giúp ổn định cột sống tốt hơn.
Cải thiện sự linh hoạt và tầm vận động.
Cải thiện tư thế và dáng đi.
Tăng cường khả năng giữ thăng bằng, giảm nguy cơ té ngã.
- Điều trị loãng xương: Nếu xẹp đốt sống là do loãng xương, việc điều trị tích cực tình trạng loãng xương là bắt buộc và cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa các gãy xương tiếp theo, bao gồm:
+ Bổ sung canxi và vitamin D: Đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu hàng ngày qua chế độ ăn hoặc viên uống bổ sung.
+ Thuốc chống hủy xương là nền tảng điều trị: Trong đó bisphosphonates là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất, giúp làm chậm quá trình mất xương.
+ Thuốc tăng tạo xương như teriparatide, abaloparatide tiêm hàng ngày, giúp kích thích tạo xương mới (thường dùng cho loãng xương nặng).
+ Romosozumab là một kháng thể đơn dòng mới, vừa tăng tạo xương vừa giảm hủy xương.
Chú ý: Việc lựa chọn thuốc điều trị loãng xương cụ thể sẽ dựa trên mức độ nặng, nguy cơ gãy xương, các bệnh lý đi kèm và sở thích của bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân (khoảng 65-75%) bị xẹp đốt sống do loãng xương sẽ cải thiện triệu chứng đáng kể với điều trị bảo tồn trong vòng vài tuần đến 3 tháng.
2.2 Điều trị can thiệp
Khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả như mong muốn, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp điều trị ngoại khoa như sau:
- Thủ thuật bơm xi măng sinh họcvào thân đốt sống bị xẹp hoặc tạo khoang trước khi bơm xi măng giúp giảm đau nhanh chóng, ổn định đốt sống và đôi khi phục hồi chiều cao đốt sống. Đối với những bệnh nhân bị đau dữ dội, kéo dài và không đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn sau vài tuần, hoặc bệnh nhân có nguy cơ biến chứng do bất động kéo dài, thì các thủ thuật can thiệp tối thiểu bơm xi măng sinh học có thể là một lựa chọn hiệu quả. Cả hai thủ thuật đều được thực hiện dưới hướng dẫn của X-quang hoặc CT.
+ Tạo hình đốt sống qua da: Bác sĩ sẽ dùng một kim đặc biệt chọc qua da vào thân đốt sống bị xẹp và bơm trực tiếp xi măng xương, thường là vào bên trong. Xi măng sẽ nhanh chóng đông cứng lại, giúp ổn định cấu trúc đốt sống và giảm đau hiệu quả.
Chú ý: Phương pháp này có ưu điểm là thủ thuật nhanh, ít xâm lấn, giảm đau nhanh chóng. Nguy cơ mặc dù hiếm gặp nhưng xi măng có thể rò rỉ ra ngoài đốt sống, chèn ép vào mạch máu hoặc thần kinh.
+ Tạo hình gù đốt sống qua da: Tương tự như phương pháp trên, nhưng trước khi bơm xi măng, bác sĩ sẽ đưa một quả bóng nhỏ vào trong thân đốt sống bị xẹp và bơm căng lên để tạo ra một khoang trống, đồng thời cố gắng nâng nhẹ phần đốt sống bị lún lên nhằm phục hồi một phần chiều cao. Sau đó, bóng được rút ra và xi măng được bơm vào khoang vừa tạo. Phương pháp này được cho là có thể giúp phục hồi chiều cao đốt sống tốt hơn và có khả năng giảm nguy cơ rò rỉ xi măng so với phương pháp trên.
Chú ý: Phương pháp này mang lại lợi ích, giảm đau nhanh và đáng kể, cải thiện chức năng vận động sớm, giảm nhu cầu sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên cũng có thể mang lại rủi ro như rò rỉ xi măng, nhiễm trùng, chảy máu, phản ứng dị ứng, gãy xương sườn, tổn thương thần kinh, mặc dù hiếm thấy.
- Phẫu thuật cột sống
Phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp xẹp đốt sống không vững, gây chèn ép thần kinh nghiêm trọng, biến dạng cột sống nặng hoặc đau dai dẳng không đáp ứng với các phương pháp khác. Phẫu thuật mở thường chỉ dành riêng cho những trường hợp phức tạp và nghiêm trọng nhất, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các ca xẹp đốt sống.
Các loại phẫu thuật có thể bao gồm:
+ Phẫu thuật giải ép thần kinh: Lấy bỏ các mảnh xương hoặc mô mềm (như đĩa đệm thoát vị) đang chèn ép vào tủy sống hoặc rễ thần kinh, thường được thực hiện qua đường mổ phía sau.
+ Phẫu thuật cố định cột sống: Sử dụng các dụng cụ kim loại (vít, thanh) và vật liệu ghép xương tự thân hoặc đồng loại để hàn cứng vĩnh viễn hai hoặc nhiều đốt sống lại với nhau. Mục đích là tạo ra sự ổn định vững chắc cho đoạn cột sống bị tổn thương. Phẫu thuật này có thể kết hợp với giải ép thần kinh.
Phẫu thuật cột sống là những can thiệp lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu, tổn thương thần kinh, thất bại hàn xương, biến chứng do dụng cụ… và đòi hỏi thời gian phục hồi lâu hơn. Do đó, quyết định phẫu thuật cần được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và rủi ro.
Dự phòng loãng xương hằng ngày qua chế độ ăn giàu canxi và vitamin D.
3. Lưu ý khi điều trị xẹp đốt sống
Điều trị phẫu thuật chỉ giải quyết phần ngọn, những biểu hiện của bệnh, nếu không điều trị nguyên nhân chính gây bệnh sẽ lâm vào vòng xoáy luẩn quẩn, làm tốn kém chi phí và hao tổn sức khỏe. Do đó, bên cạnh việc xử lý các triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, sau phẫu thuật, bệnh nhân còn cần thực hiện các biện pháp:
- Người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn sử dụng thuốc cũng như thực hiện vật lý trị liệu để tránh các tác dụng phụ.
- Cần dự phòng loãng xương thông qua chế độ ăn giàu canxi và vitamin D, tập thể dục chịu trọng lực thường xuyên:
+ Đảm bảo cung cấp đủ lượng canxi khuyến nghị hàng ngày (thường 1000-1200mg) từ các nguồn thực phẩm như sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo, rau lá xanh đậm (cải xoăn, bông cải xanh), cá nhỏ ăn cả xương (cá mòi), đậu phụ, các loại hạt và thực phẩm tăng cường canxi. Nếu chế độ ăn không đủ, có thể cần bổ sung viên uống canxi theo chỉ dẫn của bác sĩ.
+ Vitamin D rất cần thiết cho việc hấp thu canxi. Nguồn chính là ánh nắng mặt trời (tiếp xúc da với ánh nắng khoảng 15-20 phút mỗi ngày, tránh giờ nắng gắt). Bổ sung thực phẩm (cá béo như cá hồi, cá thu, lòng đỏ trứng, nấm, thực phẩm tăng cường vitamin D) và viên uống bổ sung, thường 800-1000 IU/ngày hoặc theo chỉ định).
+ Tập thể dục: Bài tập chịu trọng lực như đi bộ, chạy bộ nhẹ, khiêu vũ, leo cầu thang… giúp kích thích xương trở nên chắc khỏe hơn. Hoặc bài tập kháng lực như nâng tạ nhẹ, sử dụng dây kháng lực, các bài tập sử dụng trọng lượng cơ thể… giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, hỗ trợ xương khớp. Nên tập luyện đều đặn, ít nhất 3-4 lần/tuần.
+ Tầm soát loãng xương: Phụ nữ sau mãn kinh (thường từ 65 tuổi, hoặc sớm hơn nếu có yếu tố nguy cơ) và nam giới (từ 70 tuổi, hoặc sớm hơn nếu có yếu tố nguy cơ) nên được đo mật độ xương (DXA scan) để phát hiện sớm loãng xương hoặc thiếu xương. Điều trị loãng xương kịp thời nếu được chẩn đoán loãng xương là biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa xẹp đốt sống do loãng xương.
- Tránh hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia vì cả hai yếu tố này đều có tác động tiêu cực đến mật độ xương và làm tăng nguy cơ gãy xương.
- Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện loãng xương hoặc các bệnh lý cột sống khác và điều trị kịp thời.
- Chú ý trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, điều khiển phương tiện giao thông hay làm việc để tránh bị chấn thương, té ngã.
BS.Phạm Ngọc Dương
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/thuoc-nao-dung-trong-dieu-tri-xep-dot-song-169250424115738141.htm