Là một trong những thành viên gắn bó với HTX thương binh 27/7 ngay từ ngày đầu thành lập, ông Lò Văn Sức, thương binh 1/4 hạng đặc biệt, năm nay 80 tuổi, ở tiểu khu 8, xã Mai Sơn, tỉnh Sơn La vẫn hàng ngày lên nương chăm sóc vườn nhãn, xoài của gia đình.
Nhập ngũ năm 18 tuổi, sau những trận chiến khốc liệt trên các mặt trận Lào, năm 1972, ông trở về với vết thương nặng ở đầu, mất một cánh tay, tổn thương mắt, tai và nhiều phần cơ thể khác, nhưng ông chưa từng đầu hàng số phận.
Ông Lò Văn Sức, thương binh 1/4 hạng đặc biệt ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa cùng các thành viên HTX
Vượt qua đau đớn và khó khăn, bằng ý chí kiên cường của người lính cụ Hồ, ông miệt mài cải tạo những sườn đồi khô cằn, trồng nhãn, xoài và phát triển chăn nuôi. Được HTX hỗ trợ đầu ra sản phẩm và cả sự động viên tinh thần, đến nay, gần 3 héc ta mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông cho thu lãi hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Bản thân ông cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cả đất nương cho bà con dân bản, cũng như các thành viên trong HTX làm theo.
Ông Lò Văn Sức cho hay: "Thực hiện lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế”, cho nên là khi về tôi vẫn bảo đảm tăng gia sản xuất, trồng cây lâu năm, chăn nuôi cá, đào ao...tuy là thương binh nặng như thế nhưng ngày nào tôi cũng đi làm nương, lao động để có thêm sức khỏe".
Cơ sở sản xuất bỏng ngô của gia đình ông Nguyễn Ánh Đăng cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm; bao tiêu sản phẩm cho 40 hộ trồng ngô tại địa phương
Ông Nguyễn Ánh Đăng, sinh năm 1960, từng là lính trinh sát thuộc Đại đội Trinh sát, Trung đoàn 754, chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cũ, nay là tỉnh Tuyên Quang cũng mang trong mình vết thương chiến tranh. Sau nhiều lần bị thương và trải qua 4 lần liệt, ông trở về địa phương năm 1987 trong tình trạng sức khỏe yếu.
Không khuất phục khó khăn, ông cùng vợ bắt đầu từ việc làm nhỏ bé - đó là mua một chiếc máy để nổ bỏng ngô. Sau nhiều năm, ông phát triển thành mô hình kinh tế bao tiêu sản phẩm ngô tươi cho 40 hộ dân, với sản lượng mỗi hộ từ 6 – 7 tấn ngô/năm.
Hiện cơ sở sản xuất bỏng ngô Đăng Xuân của gia đình cho doanh thu mỗi năm vượt 1 tỷ đồng; đồng thời tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương, với mức lương từ 7 – 10 triệu đồng/tháng, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế hộ gia đình và liên kết cộng đồng.
Ông Nguyễn Ánh Đăng chia sẻ: "Khi sức khỏe không đảm bảo, nhà nước cho ra quân trở về địa phương, tôi thấy ngô ở đây rất lãng phí, người nông dân lao động thu nhập rất thấp, mà sản phẩm làm ra bị bỏ phí rất nhiều...chính vì thế tôi mới nghĩ ra chế biến làm bỏng ngô này, để giúp người dân cải thiện kinh tế, để cho họ có cuộc sống ổn định".
Qua 36 năm phát triển, HTX thương binh 27/7 Mai Sơn hiện có 26 thành viên, là các thương binh, bệnh binh và con cháu các gia đình chính sách, người có công. Các hoạt động của HTX rất đa dạng, từ sản xuất bỏng ngô, trồng cây ăn quả, thu mua nông sản, đến kinh doanh dịch vụ.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc HTX thương binh 27/7, nhờ năng động, sáng tạo và lựa chọn đúng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, doanh thu của HTX được nâng lên qua từng năm. Riêng năm 2024 vừa qua, doanh thu HTX đạt trên 18 tỷ đồng; cùng với đó là tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.
"Song hành với sản xuất kinh doanh, chúng tôi có công việc đặc thù nhất là đền ơn đáp nghĩa, tạo điều kiện chăm lo đến đời sống anh em thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách; hàng năm vào những ngày 27/7, ngày Tết, ngày lễ ...chúng tôi có tổ chức gặp mặt thương binh, bệnh binh để tri ân, động viên, cổ vũ tinh thần để phần nào xóa đi những vết thương chiến tranh đã để lại trên mình các đồng chí", bà Hiền nói.
HTX thương binh 27/7, xã Mai Sơn, tỉnh Sơn La không chỉ là nơi gắn kết những người lính từng vào sinh ra tử, mà còn là biểu tượng của nghị lực, khát vọng và niềm tin. Bằng ý chí, nghị lực và tinh thần “thương binh tàn nhưng không phế”, những người lính mang trên mình vết tích chiến tranh, đang góp phần dựng xây quê hương Sơn La giàu đẹp bằng chính sức lực và tâm huyết của mình.
Trấn Long/VOV-Tây Bắc