Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt trên 25 tỷ USD. Hoạt động mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, không chỉ trên các sàn lớn như Shopee, Lazada, Tiki..., mà còn trên mạng xã hội như Facebook, TikTok Shop... Tuy nhiên, thương mại điện tử càng phát triển thì việc quản lý càng trở nên phức tạp.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện Tiktok Việt Nam chia sẻ, thương mại điện tử của Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2025 và doanh thu của ngành bán lẻ sẽ tăng trưởng 12% hoặc có thể cao hơn.
Còn theo ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, dư địa để phát triển thương mại điện tử còn khá rộng nên với mức tăng trưởng như hiện tại thì doanh thu bán lẻ trong năm 2025 hoàn toàn có thể đạt mốc 31 tỷ USD.
Thương mại điện tử sẽ bùng nổ trong năm 2025
Nhiều lỗ hổng trong quản lý
Tuy nhiên hiện nay, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể bán hàng qua mạng với một chiếc điện thoại thông minh. Hệ quả là thị trường trực tuyến ngày càng khó kiểm soát về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chuyên gia chính sách công nghệ số nhận định, thương mại điện tử phát triển quá nhanh, trong khi khung pháp lý chưa được cập nhật kịp thời. Nhiều nền tảng hoạt động trong vùng xám pháp luật, gây ra rủi ro lớn cho người tiêu dùng. Đã có nhiều hành vi gian lận rất tinh vi, như sử dụng tài khoản ảo để bán hàng không rõ nguồn gốc, hoặc cố tình trốn thuế bằng cách chia nhỏ giao dịch và thanh toán qua ví điện tử cá nhân.
Thương mại điện tử phát triển quá nhanh trong khi khung pháp lý chưa được cập nhật kịp thời
Trong khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến thì các cơ quan chức năng lại đối mặt với hàng loạt thách thức. Việc thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử còn nhiều bất cập do thiếu dữ liệu minh bạch từ các nền tảng và không thể truy vết đầy đủ dòng tiền.
Bà Lê Thu Hằng, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện việc phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các sàn thương mại điện tử vẫn chưa đồng bộ. Chúng tôi cần các sàn minh bạch hơn trong việc cung cấp thông tin người bán, giao dịch, đồng thời chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu để phục vụ công tác quản lý.
Một vấn đề khác là thương mại điện tử xuyên biên giới đang gia tăng, khiến việc kiểm tra, giám sát càng thêm phức tạp. Nhiều sản phẩm được bán trực tiếp từ nước ngoài về Việt Nam, nhưng không có cơ chế rõ ràng để kiểm định chất lượng, thu thuế hay xử lý tranh chấp.
Chuyển đổi số trong quản lý
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng cần tiếp cận công tác quản lý thương mại điện tử theo hướng hiện đại và chủ động. Trước hết, khung pháp lý cần được cập nhật để bao quát đầy đủ các hình thức kinh doanh mới, đồng thời có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các vi phạm.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước là yếu tố then chốt. Các cơ quan cần triển khai các hệ thống quản lý thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ Blockchain để phát hiện bất thường trong giao dịch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và theo dõi dòng tiền.
TS. Trần Minh Tú, Chuyên gia kinh tế số nhấn mạnh, quản lý thương mại điện tử không thể theo cách truyền thống mà cần có chuyển đổi số trong chính bộ máy quản lý, từ thuế, hải quan đến công tác bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, phải có cơ chế kết nối dữ liệu liên ngành để giám sát hiệu quả.
Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và ý thức tuân thủ pháp luật của người bán cũng đóng vai trò quan trọng. Chỉ khi các bên cùng có trách nhiệm, thị trường thương mại điện tử mới phát triển bền vững.
Thương mại điện tử không còn là xu hướng, mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội. Việc quản lý TMĐT không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Công Thương, mà đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp công nghệ.
Cần sớm xây dựng và ban hành Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh và quản lý
Trong bối cảnh kinh tế số đang tăng tốc, nếu không có các giải pháp quản lý hiệu quả, thương mại điện tử sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hành vi gian lận, gây thất thu ngân sách và ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng. Đã đến lúc, quản lý thương mại điện tử cần được xem là một nhiệm vụ chiến lược trong quá trình xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, cùng với sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, đa dạng về chủ thể, phức tạp về bản chất đã dẫn tới nhiều thách thức trong công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử, đòi hỏi cần sớm xây dựng và ban hành Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh, quản lý lĩnh vực này.
Đức Hiền