Lai Châu nổi tiếng với các sản phẩm nông sản đặc trưng như chè Shan Tuyết cổ thụ, mắc ca, tam thất, các loại rau củ quả địa phương, cùng với đó là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao, Hà Nhì... Những sản phẩm này có giá trị kinh tế cao, mang đậm dấu ấn của núi rừng Tây Bắc, và có tiềm năng lớn để phát triển trên thị trường TMĐT.
Những HTX "bước chân" thành công vào thế giới TMĐT
Nắm bắt được điều này, nhiều HTX vùng đồng bào DTTS đã tận dụng sức mạnh TMĐT để bứt phá. Tiêu biểu như HTX Chè Tam Đường đang sản xuất sản phẩm chủ lực là Chè Shan Tuyết cổ thụ. Để thuận lợi cho tiêu thụ, HTX đã xây dựng website bán hàng trực tuyến. Điều này giúp các thành viên tạo ra kênh giới thiệu sản phẩm chuyên nghiệp, cung cấp thông tin chi tiết về nguồn gốc, quy trình sản xuất, và các chứng nhận sản phẩm.
Ngoài ra, HTX còn thực hiện quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội (Facebook, Zalo) để tăng cường tương tác với khách hàng, giới thiệu sản phẩm mới, các chương trình khuyến mãi, và xây dựng cộng đồng người yêu chè. Đến nay, HTX cũng đã đưa sản phẩm lên một số sàn TMĐT để tiếp cận tệp khách hàng rộng hơn.
HTX sâm Lai Châu ứng dụng TMĐT vào bán hàng.
Tất cả những điều này giúp HTX mở rộng thị trường tiêu thụ, tiếp cận được khách hàng ở các tỉnh thành khác ngoài Lai Châu, giảm sự phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống. Doanh số bán hàng trực tuyến của HTX vì thế đã có sự tăng trưởng nhất định, đóng góp vào tổng doanh thu của HTX.
Nhờ đầu tư vào TMĐT, hình ảnh sản phẩm chè Tam Đường được biết đến rộng rãi hơn trên không gian mạng và giúp HTX hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của thị trường để cải thiện sản phẩm và dịch vụ.
Không chỉ HTX Tam Đường, đến nay, rất nhiều HTX ở Lai Châu đã ứng dụng TMĐT vào sản xuất kinh doanh như HTX Sâm Lai Châu (TP. Lai Châu) đã thực hiện bán hàng trực tuyến. HTX Phú Trường có nhiều sản phẩm nông sản và đặc sản địa phương được bán trên sàn TMĐT Shopee. Ngoài ra còn có HTX Nông nghiệp Mường Mít, HTX Hà Thiết và nhiều HTX có sản phẩm OCOP cũng đã đưa hàng hóa lên các sàn TMĐT.
Những câu chuyện thành công từ những HTX này cho thấy tiềm năng to lớn của TMĐT trong việc "chắp cánh" cho nông sản và hàng hóa của Lai Châu. Đây là những điểm sáng cần được nhân rộng và phát triển.
Tiên phong hỗ trợ HTX ứng dụng TMĐT
Nhận thức rõ tầm quan trọng của TMĐT trong việc nâng cao giá trị nông sản và cải thiện đời sống cho người dân vùng DTTS, Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực. Điển hình, trong thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với các sở, ban, ngành, trong đó có Liên minh HTX tỉnh Lai Châu tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về ứng dụng TMĐT cho cán bộ quản lý HTX và người dân.
Đặc biệt, Viện Kinh tế hợp tác, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) thông qua các lớp đào tạo đã trang bị cho các thành viên HTX và người dân vùng DTTS và miền núi những kiến thức và kỹ năng cơ bản, cần thiết để tham gia môi trường thương mại điện tử. Điều này bao gồm việc tạo gian hàng trực tuyến, quản lý đơn hàng, thanh toán điện tử, marketing online, và các kỹ năng mềm khác liên quan.
Ngay như HTX chè Tam Đường cũng đã được hỗ trợ xây dựng website bán hàng trực tuyến chuyên nghiệp, đào tạo kỹ năng quản lý gian hàng, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Nhờ đó, sản phẩm chè Shan Tuyết cổ thụ của HTX đã tiếp cận được nhiều khách hàng ở các tỉnh thành khác, thậm chí xuất khẩu sang một số thị trường.
Chè Tam Đường ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến nhờ HTX Tam Đường đẩy mạnh ứng dụng TMĐT.
Theo đại diện Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, hoạt động tư vấn, đào tạo hướng tới các mục tiêu cụ thể gồm từng bước hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong HTX và cộng đồng DTTS, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương vùng sâu, vùng xa về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại. Các lớp đào tạo, tập huấn nhằm hỗ trợ người dân vùng DTTS và các HTX tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các sàn TMĐT thông qua phương thức livestream bán hàng trên nền tảng tiktok và các ứng dụng khác.
Từ đây, người dân, HTX nhận thấy rằng TMĐT giúp họ tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, không chỉ giới hạn trong phạm vi tỉnh mà còn trên cả nước, thậm chí quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các sản phẩm đặc trưng, OCOP của địa phương.
Việc ứng dụng TMĐT còn giúp các chủ thể kinh tế địa phương tối ưu hóa quy trình bán hàng, giảm chi phí trung gian và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, các lớp đào tạo góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi số của tỉnh Lai Châu, giúp người dân và các tổ chức kinh tế tập thể thích ứng với xu thế phát triển của thời đại. Khi các HTX và người dân kinh doanh hiệu quả hơn thông qua TMĐT sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh Lai Châu, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Để TMĐT thực sự "bén rễ" vùng cao
Việc Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) đứng ra tổ chức các lớp đào tạo cho thấy sự gắn kết giữa nghiên cứu, ứng dụng TMĐT và phát triển cộng đồng. Những kiến thức bài bản, cập nhật về TMĐT từ cơ bản đến chuyên sâu có thể hỗ trợ các HTX và người dân vùng DTTS và miền núi trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Tuy nhiên, các HTX, người dân vùng DTTS và miền núi ở Lai Châu vẫn hy vọng sẽ có thêm nhiều chương trình đào tạo tương tự để lan tỏa lợi ích của TMĐT đến đông đảo người dân.
Đơn cử, tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu và thực tế về TMĐT, tập trung vào các kỹ năng như: tạo và quản lý gian hàng trực tuyến, marketing và bán hàng online, thanh toán điện tử an toàn, đóng gói và vận chuyển, chăm sóc khách hàng trực tuyến sẽ giúp các HTX và người dân nâng cao năng lực TMĐT và không bị tụt hậu trong thời đại 4.0.
Việc phát triển đội ngũ tư vấn viên có kiến thức về TMĐT và am hiểu văn hóa địa phương để hỗ trợ trực tiếp cho người dân và HTX là rất cần thiết. Đặc biệt, tỉnh và các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các HTX đã thành công trong ứng dụng TMĐT để nâng cao hiệu quả trong thực tiễn.
Theo các chuyên gia, TMĐT không chỉ là một xu hướng mà còn là một công cụ mạnh mẽ để khai thác tiềm năng và nâng cao giá trị nông sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của vùng đồng bào DTTS Lai Châu. Với sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ các tổ chức như Liên minh HTX Việt Nam, cùng với sự nỗ lực của chính người dân và các HTX, TMĐT hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo ra những cơ hội mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng đất giàu bản sắc văn hóa này.
Minh Nhương