Thương mại Việt Nam - Brazil: Rào cản cũ và cơ hội mới

Thương mại Việt Nam - Brazil: Rào cản cũ và cơ hội mới
7 giờ trướcBài gốc
Với GDP đạt 2,1 nghìn tỷ USD vào năm 2023, Brazil hiện đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
GDP bình quân đầu người của Brazil đạt 10.043 USD, với dân số hơn 216 triệu người, cho thấy tiềm năng vượt bậc của quốc gia này.
Đặc điểm của nền kinh tế Brazil
Brazil là một trong những cường quốc toàn cầu về khai khoáng, nông nghiệp và sản xuất. Trong lĩnh vực khai khoáng, quốc gia này giữ vị trí nhà sản xuất niobi lớn nhất (khoáng sản được sử dụng rộng rãi trong ngành sản xuất thép hợp kim, bán dẫn, ô tô), nhà cung cấp quặng sắt lớn thứ hai thế giới, cùng các tài nguyên quan trọng khác như thiếc, bô xít, mangan và vàng.
Các hoạt động khai khoáng chủ yếu diễn ra tại các bang Minas Gerais, Pará, Bahia và Goías, đóng góp từ 2% đến 4% GDP quốc gia.
Trong nông nghiệp, Brazil đã chuyển mình từ một quốc gia chuyên xuất khẩu cà phê, đường, ca cao vào thập niên 1960-1970, thành nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm như đậu nành, ngô, bông, đường, cà phê, nước cam, thịt và ethanol lớn trên toàn cầu.
Đặc biệt, ngành này đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng của Brazil, với sinh khối mía, thủy điện và củi chiếm gần một nửa tổng nguồn cung năng lượng quốc gia.
Ngành sản xuất công nghiệp của Brazil chiếm khoảng 20% GDP, với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như ô tô, điện tử và hàng tiêu dùng.
Với đà phát triển như hiện nay, Brazil đang có nhu cầu nhập siêu ngày càng cao các sản phẩm gồm máy móc và thiết bị điện tử, bán dẫn, điện thoại; thiết bị cơ khí; phân bón, hóa chất, sản phẩm dược phẩm, thiết bị y tế, nhựa, sắt thép và cao su, theo TradeMap.
Brazil là thị trường không khó tính, tương đối mở và thị hiếu người dân rất đa dạng, nhu cầu lớn. Ảnh: Hoàng Anh
Do đó, với quy mô nền kinh tế hàng đầu thế giới, Brazil là thị trường đầy tiềm năng cho các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, biết cung cấp những mặt hàng mà thị trường này đang cần.
Bên cạnh đó, Brazil cũng là thành viên của Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Với gần 300 triệu người tiêu dùng, chiếm khoảng 70% dân số Nam Mỹ, MERCOSUR là cơ hội lớn cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như may mặc, da giày, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến.
Thương mại Việt Nam - Brazil tăng trưởng ấn tượng
Nhìn lại chặng đường 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1989, Việt Nam và Brazil đã ký nhiều hiệp định hợp tác ở nhiều lĩnh vực như văn hóa, y tế, khoa học và công nghệ, vận tải đường biển, hàng không dân dụng giáo dục, quốc phòng, nông nghiệp…
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam và Brazil vẫn chưa có hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương, dẫn đến nhiều rào cản trong phát triển thương mại hai nước.
Mặc dù vậy, năm 2023, kim ngạch thương mại Việt Nam - Brazil vẫn đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng trưởng vượt bậc hơn 12 lần trong vòng 15 năm qua.
Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,4 tỷ USD vào năm ngoái với các mặt hàng chủ lực gồm điện thoại, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy vi tính và sản phẩm điện tử. Ba nhóm hàng này chiếm tới hơn nửa tổng kim ngạch xuất khẩu sang Brazil, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng; sắt thép; giày dép; thủy sản; hàng dệt may và cao su. So với các nước khác, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil vẫn còn hạn chế.
Thương vụ Việt Nam tại Brazil nhìn nhận, Brazil là thị trường không khó tính, tương đối mở và thị hiếu người dân rất đa dạng, nhu cầu lớn, đây chính là cơ hội tốt cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Một ví dụ điển hình là cá tra, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cá tra Việt Nam hiện được người dân Brazil ưa chuộng nhất trong nhóm cá thịt trắng nhập khẩu, giúp Việt Nam giữ vị trí nguồn cung lớn nhất cho quốc gia này.
Brazil cũng trở thành điểm đến xuất khẩu cá tra lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Brazil các mặt hàng chủ yếu ngô, thức ăn gia súc, quặng và khoáng sản, đậu tương và bông các loại. Các sản phẩm này có chất lượng ổn định, giá cả cạnh tranh và nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất trong nước, cũng như phục vụ sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Có thể thấy, Việt Nam và Brazil gần như không có sự trùng lặp trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu chủ lực mà đa phần mang tính bổ trợ lẫn nhau, tiềm năng phát triển thương mại song phương trong tương lai là rất lớn.
Tuy nhiên, do chưa có hiệp định thương mại tự do song phương, nên hàng hóa Việt Nam phải chịu mức thuế nhập khẩu cao khi vào thị trường Brazil.
Đơn cử như các sản phẩm dệt may và da giày của Việt Nam đang chịu thuế nhập khẩu lên tới 35% tại Brazil.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong việc thâm nhập thị trường Brazil. Khoảng cách địa lý xa xôi làm tăng chi phí vận chuyển và giao dịch.
Theo thông tin của một công ty chuyên dịch vụ vận chuyển quốc tế, thời gian vận chuyển đường biển thường dao động từ 29 đến 70 ngày, tùy thuộc vào cảng xuất phát và cảng đích.
Do ít hãng tàu chạy thẳng giữa Việt Nam và Brazil, hàng hóa thường phải trung chuyển qua các cảng lớn ở châu Á hoặc châu Âu.
Bên cạnh đó, sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa cũng là một rào cản lớn. Ngôn ngữ chính thức của Brazil là tiếng Bồ Đào Nha, trong khi tiếng Anh không phổ biến rộng rãi.
Sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa gây khó khăn trong việc giao tiếp, đàm phán và hiểu biết thị trường, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Brazil.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai nước thiếu thông tin về thị trường của nhau, và số lượng doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ thương mại trực tiếp với Brazil còn rất ít. Hoạt động xúc tiến thương mại Việt Nam - Brazil chưa được đẩy mạnh, làm hạn chế cơ hội mở rộng hợp tác.
Đồng thời, sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu - vốn có quan hệ thương mại lâu đời với Brazil - khiến hàng hóa Việt Nam gặp nhiều trở ngại trong việc gia tăng thị phần tại thị trường này.
Cơ hội mới tại Brazil - thị trường lớn và dễ tính
Kim ngạch thương mại Việt Nam - Brazil sẽ được thúc đẩy lên 10 tỷ USD vào năm 2025 và lên 15 tỷ USD vào năm 2030. Nội dung này cũng đã được đưa vào Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Brazil về nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược mà lãnh đạo hai nước đã nhất trí trong tuần này, nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Brazil.
Đồng thời, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – MERCOSUR cũng sẽ được khởi động đàm phán trong thời gian tới.
Khi được ký kết, hiệp định này sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam và Brazil giảm các rào cản thuế quan. Đây sẽ là chìa khóa để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Brazil nói riêng và MERCOSUR nói chung, trong khi Brazil có thể tận dụng Việt Nam làm cửa ngõ vào khu vực ASEAN và CPTPP.
Với FTA, Việt Nam sẽ tiếp cận nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ Brazil với giá cạnh tranh, hỗ trợ tốt hơn cho các ngành sản xuất trong nước.
Ngược lại, Brazil có thể gia tăng xuất khẩu vào ASEAN – khu vực với hơn 650 triệu dân – thông qua Việt Nam. Sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao vị thế của cả hai quốc gia trên trường quốc tế.
Nhật Hạ
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/thuong-mai-viet-nam--brazil-rao-can-cu-va-co-hoi-moi-d37999.html