Mặc dù triển khai sau, nhưng huyện Thường Tín đã cơ bản hoàn thành đủ điều kiện để được thành phố trình Trung ương xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Văn Bình (huyện Thường Tín). Ảnh: Hoàng Phúc
Huyện thứ 7 hoàn thành các tiêu chí
Về Thường Tín hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng với sự đổi thay, từ diện mạo làng quê đến chất lượng đời sống người dân ngày một cải thiện, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện.
Theo Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu Phạm Phú Tuấn, xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2017. Triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, đến hết năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã đạt gần 1.000 tỷ đồng. Tại xã Tô Hiệu, nhà ở đều đạt chuẩn theo quy định, bảo đảm nền cứng, khung cứng, mái cứng, có đầy đủ công trình phụ trợ, không có nhà tạm, nhà dột nát. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Xã có 4/4 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa. Đầu năm 2024, xã Tô Hiệu đã được thành phố đánh giá, công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Không chỉ ở xã Tô Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, những năm qua, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được đầu tư đồng bộ, điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa khang trang…, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 76,6 triệu đồng/người/năm… Huyện đã hình thành một số mô hình điểm, tiêu biểu như: Mô hình điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân; mô hình phát triển tủ sách cơ sở kết hợp điểm thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 ở các xã: Văn Bình, Minh Cường, Tân Minh, Hồng Vân...; mô hình liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cho nông dân và mô hình mượn ruộng để sản xuất ở nhiều xã trên địa bàn…
Qua rà soát, đối chiếu với quy định huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện đã đủ điều kiện. Cụ thể, huyện có 9/9 tiêu chí đạt là: Quy hoạch; giao thông; thủy lợi và phòng, chống thiên tai; điện; y tế, văn hóa, giáo dục; kinh tế; môi trường; chất lượng môi trường sống; an ninh, trật tự và hành chính công. Bên cạnh đó, huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 17/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 60,7%), thị trấn Thường Tín đạt chuẩn văn minh đô thị.
Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Ngọ Văn Ngôn, Thường Tín là huyện thứ 7 của Hà Nội hoàn thiện hồ sơ để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và 2024.
Phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Thường Tín xác định, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái… Trên cơ sở đó, HĐND, UBND huyện đã xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án cụ thể để triển khai thực hiện.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, hằng năm, UBND huyện đều lựa chọn các xã bảo đảm đủ điều kiện để đăng ký phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Việc phân kỳ, xác định lộ trình từng xã theo từng năm, từng giai đoạn được xây dựng khoa học, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đề ra và giúp cho huyện cân đối nguồn thu - chi ngân sách, có cơ chế hỗ trợ kịp thời cho các xã. Đó là một trong những kinh nghiệm huyện Thường Tín đã triển khai mang lại hiệu quả cao.
Để phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao đề ra, cả hệ thống chính trị của huyện đang tăng tốc hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tiêu chí đã đạt. Đặc biệt, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng bàn bạc, thực hiện". Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các khâu đột phá của huyện.
Bên cạnh nỗ lực của địa phương, huyện Thường Tín đề nghị, thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, triển khai đầu tư hạ tầng nước sạch nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường nguồn vốn cho địa phương để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được đồng bộ, hiện đại. Thành phố cũng có thêm kinh phí hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo chỉ tiêu của thành phố giao; quan tâm, đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải chung cho địa bàn các xã bảo đảm quy chuẩn, trước khi xả thải vào sông Nhuệ để giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn...
Nguyễn Mai