Thượng tướng Trần Nam Trung - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng, vị tướng tài ba của Quân đội

Thượng tướng Trần Nam Trung - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng, vị tướng tài ba của Quân đội
18 giờ trướcBài gốc
Thượng tướng Trần Nam Trung, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, IV; nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Tỉnh ủy Bình Định; nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Chính phủ (nay là Thanh tra Chính phủ).
Ông tên thật là Trần Khuy (bí danh là Trần Lương), sinh ngày 6-1-1912 trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng tại xã Đức Trung (nay là xã Đức Thạnh), huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Người đảng viên trung kiên, người lãnh đạo tài năng của Đảng, Quân đội
Phát biểu chúc mừng tại buổi lễ trao Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta tặng Thượng tướng Trần Nam Trung, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “… trải qua nhiều cương vị công tác từ cơ sở cho đến Trung ương, ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí Trần Nam Trung cũng sẵn sàng và đã hoàn thành trọn vẹn với trách nhiệm và cố gắng cao nhất. Đảng, Nhà nước đánh giá cao những cống hiến to lớn và xuất sắc của đồng chí - người đảng viên trung kiên, người lãnh đạo tài năng đã từng xông vào những nơi khó khăn thử thách và đã thể hiện một phẩm chất sáng ngời, một tinh thần chiến đấu quyết liệt… Có thể nói cả cuộc đời đồng chí là cả một quá trình cách mạng từ trước khi thành lập Đảng cho đến hôm nay, gắn liền với lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc”.
Thượng tướng Trần Nam Trung. Ảnh tư liệu
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, Thượng tướng Trần Nam Trung sớm kế thừa truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương và gia đình. Năm 1927, khi mới 15 tuổi ông tham gia Liên đoàn Cộng sản Đảng ở Nghệ An, về sau đổi thành tổ chức An Nam Cộng sản Đảng và hoạt động cách mạng từ đó. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 4-1931 bị thực dân Pháp bắt giam. Với ý chí của người chiến sĩ cách mạng, sau khi ra tù, ông nhanh chóng bắt liên lạc với tổ chức, bí mật xây dựng cơ sở. Ít lâu sau, ông tiếp tục bị địch bắt, kết án 7 năm tù và bị đưa lên giam giữ ở Buôn Ma Thuột.
Sau khi ra tù, với bí danh là Trần Lương, ông trở về Quảng Ngãi, tích cực hoạt động cách mạng trong chi bộ Ba Tơ, tham gia thành lập Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi và hoạt động ở khu căn cứ Ba Tơ. Trần Lương đã cùng các đồng chí của mình tích cực xây dựng các cơ sở cách mạng trong nhân dân, trong binh lính và trong các đoàn thể. Đồng thời, làm công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Ba Tơ khi thời cơ cách mạng đến.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm Đông Dương. Ngay trong đêm, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng, nhận định cuộc đảo chính sẽ tạo tình thế khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, thời cơ tổng khởi nghĩa đã chín muồi. Hội nghị đưa ra khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật” thay cho khẩu hiệu “Đánh đổ Nhật, Pháp”, đồng thời phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước.
Cũng trong thời gian này, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị và quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền tại Ba Tơ. Thực hiện kế hoạch, trưa ngày 11-3, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi giao nhiệm vụ cho các đồng chí: Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách… phụ trách Ban chỉ huy, tổ chức toàn bộ lực lượng tiến hành khởi nghĩa ở Ba Tơ. Cùng lúc, đồng chí Trần Lương, Võ Thứ huy động quần chúng ở huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ cùng tham gia khởi nghĩa và liên lạc với lực lượng ở tỉnh Bình Định để phối hợp. Chiều 11-3, hai cuộc mít tinh lớn do ta tổ chức tại sân vận động Ba Tơ đã biến thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy kéo đến đồn Ba Tơ khiến chỉ huy Pháp và một số lính bỏ đồn chạy. Bị quân khởi nghĩa bao vây, những tên lính khố xanh, khố đỏ còn lại trong đồn nhanh chóng đầu hàng, quân khởi nghĩa giành được 17 súng, 15 thùng đạn và nhiều quân trang, quân dụng. Ngày 12-3, Ban Chỉ huy cuộc khởi nghĩa tổ chức mít tinh và thành lập chính quyền mới.
Ngày 14-3, Đội du kích Ba Tơ chính thức được thành lập. Thắng lợi của Khởi nghĩa Ba Tơ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh chống Nhật ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, tạo tiền đề cho phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi tiến tới tổng khởi nghĩa và góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung.
Nhà chỉ huy quân sự có tài, kiên cường, gan góc trên chiến trường
Cách mạng Tháng Tám thành công, từ tháng 9-1945 đến tháng 8-1946, đồng chí Trần Nam Trung được giao giữ chức Ủy viên Xứ ủy Trung Bộ phụ trách quân sự. Từ tháng 9-1946, ông lần lượt được cử giữ chức Chính ủy Liên khu 5, Chính ủy Mặt trận Buôn Hồ, An Khê, Thường vụ Liên khu ủy Khu 5, Ủy viên Liên khu ủy Khu 5. Tháng 4-1952, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954), ông được phân công phụ trách công tác chính trị, hậu cần, chỉ đạo và trực tiếp về các địa phương vận động nhân dân đóng góp, vận chuyển lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng cung cấp cho chiến dịch.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tháng 3-1955, đồng chí Trần Nam Trung được Trung ương điều về giữ chức Bí thư Liên khu 5. Đồng thời, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II. Tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng họp Hội nghị (mở rộng) lần thứ 15, xác định con đường phát triển của cách mạng miền Nam. Trong điều kiện đó, đồng chí Trần Nam Trung được điều vào Đông Nam Bộ, tham gia tổ chức lại Xứ ủy Nam Bộ thành Trung ương Cục miền Nam, sau đó được điều ra Bắc công tác. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí Trần Nam Trung được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 5-1961, đồng chí tiếp tục được Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ trở vào Nam chiến đấu. Tháng 10-1961, trong phiên họp đầu tiên của Trung ương Cục miền Nam, đồng chí được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục, phụ trách quân sự, đồng thời giữ chức Ủy viên Quốc phòng trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tháng 9-1973, đồng chí Trần Nam Trung thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro từ Hà Nội vào thăm vùng đất mới giải phóng ở Quảng Trị. Ảnh tư liệu
Từ năm 1961 đến năm 1975, đồng chí Trần Nam Trung lần lượt trải qua các chức vụ: Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phụ trách công tác dân vận, binh vận và mặt trận của Trung ương Cục, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Tháng 9-1973, đồng chí Trần Nam Trung thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro từ Hà Nội vào thăm vùng đất mới giải phóng ở Quảng Trị. Đồng chí đã đưa Chủ tịch Fidel Castro đến thăm và gặp gỡ đồng bào vùng giải phóng Quảng Trị, tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến nhân dân Cuba đã hết lòng cổ vũ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Đồng chí Trần Nam Trung đã nói lên tình nghĩa sâu sắc giữa quân và dân hai nước. Trước tình cảm nồng hậu đó, Chủ tịch Fidel Castro vô cùng xúc động, đồng thời khẳng định: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Đồng chí Trần Nam Trung được phong quân hàm Trung tướng năm 1961, Thượng tướng năm 1974.
Trên mọi cương vị công tác, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Trung ương Cục miền Nam, sự chi viện tối đa của hậu phương miền Bắc, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới, đồng chí Trần Nam Trung đã cùng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lãnh đạo quân và dân miền Nam đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lần lượt làm thất bại các nỗ lực chiến tranh của đế quốc Mỹ, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng.
Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (năm 1976), đồng chí Trần Nam Trung tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được giao giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Chính phủ và đảm nhiệm chức vụ này đến năm 1982. Trên cương vị mới, với đức tính khiêm tốn, giản dị và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, đồng chí đã sát cánh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, tích cực đấu tranh với những sai sót, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Do tuổi cao sức yếu, đồng chí Trần Nam Trung từ trần ngày 10-5-2009, hưởng thọ 98 tuổi.
Là người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi, với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Nam Trung luôn nêu cao phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao cho. Đồng chí Trần Nam Trung là nhà lãnh đạo, nhà tổ chức, nhà chỉ huy quân sự có tài; một vị tướng Trí, Dũng, Nhân, Chính, Liêm, Trung, kiên cường, lăn lộn, gan góc trên chiến trường để thực hiện nhiệm vụ; góp phần cùng nhân dân miền Nam và nhân dân cả nước hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với những thành tích đã đạt được, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý, như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.
LÊ MẠNH TIẾN (Viện Lịch sử Quân sự)
1. Theo Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử quân sự, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
2. Tapchiqptd.vn
3. Thanhtra.gov.vn
4. Tuyengiao.vn
5. Sggp.orp.vn
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thuong-tuong-tran-nam-trung-nguoi-chien-si-cong-san-kien-trung-cua-dang-vi-tuong-tai-ba-cua-quan-doi-804685