Ban thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 8, khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026 tại Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy
GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị. Các ủy viên Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam là cán bộ lãnh đạo các Hội Khuyến học địa phương dự Hội nghị.
Khai mạc Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm nhìn lại, Hội Khuyến học Việt Nam cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, hệ thống Hội Khuyến học trên toàn quốc thích ứng tương đối tốt với tình hình mới và bối cảnh sắp xếp lại tổ chức hành chính 2 cấp ở địa phương.
GS.TS Nguyễn Thị Doan đồng thời đề ra các nhóm vấn đề cần giải quyết bao gồm việc hình thành tổ chức các Hội Khuyến học địa phương mới, từ 63 tỉnh thành xuống 34 tỉnh thành, cán bộ khuyến học cấp huyện tiến hành bàn giao, chuyển đổi phương thức hoạt động. Việc này, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam sẽ có hướng dẫn cụ thể, kiện toàn lại hệ thống Hội trên toàn quốc.
Thời điểm hiện tại, các tỉnh thành sau khi sáp nhập vẫn đang chờ kiện toàn lại bộ máy các hội, đoàn thể. Mô hình hệ thống Hội Khuyến học từ trung ương xuống địa phương đang nỗ lực duy trì hoạt động, tạm thời giữ bộ máy cũ cho đến khi có quyết định về bộ máy mới.
Với các nhiệm vụ quan trọng khác, GS.TS Nguyễn Thị Doan nêu rõ và gợi mở, Ban Thường vụ Hội sẽ bàn về việc duy trì thực hiện các Quyết định 387/QĐ-TTg, Quyết định 677/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chuẩn bị tổng kết việc thực hiện các mô hình học tập cả nhiệm kỳ, chuẩn bị biểu dương vào năm 2026 và chuẩn bị đại hội Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 7.
GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong tình hình mới, sửa một số tiêu chí của bộ tiêu chí của mô hình, bám sát 4 trụ cột để đất nước cất cánh như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo.
GS.TS Nguyễn Thị Doan chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Quốc Huy
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị, tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025. Ảnh: Quốc Huy
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng báo cáo tóm tắt dự thảo các đề án chuẩn bị Đại hội Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2026-2031.
Phát biểu tại Hội nghị, Nhà giáo Vương Văn Việt, Chủ tịch Hội Khuyến học Thanh Hóa nêu vấn đề về yêu cầu tổ chức bộ máy mới phải được điều chỉnh hàng loạt phương thức thay đổi nhằm thích ứng với tình hình mới. Từ vấn đề bố trí ngân sách, chế độ thù lao, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đến nhân lực, con người.
Quỹ khuyến học của các huyện (cũ) phải được xử lý minh bạch, khoa học, hợp lý với tình hình mới mà không mất đi nguồn lực và giữ chất lượng cán bộ, con người.
Việc lựa chọn nhân sự mới cho tình hình mới rất quan trọng trong việc tiếp tục duy trì và phát triển công tác khuyến học trong thời gian tiếp theo phụ thuộc vào năng lực, sự tâm huyết với công tác khuyến học. Trước mắt, cán bộ khuyến học các địa phương cần giữ kết nối, giữ sự phối hợp công tác với các cơ quan của địa phương để duy trì hoạt động, giữ vững phong trào thi đua, bám sát chức năng nhiệm vụ của mình.
Nhà giáo Vương Văn Việt - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị.
Đại biểu ủy viên Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất nhiều nội dung quan trọng nhằm duy trì, phát triển công tác Hội trong tình hình mới. Ảnh: Quốc Huy
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình Vũ Mạnh Hiền đề xuất tổ chức sắp xếp lại và tên gọi các hội khuyến học xã phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức Hội hoạt động.
Về đề án nhân sự mới, ông Vũ Mạnh Hiền báo cáo về việc sáp nhập 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, hội khuyến học 2 tỉnh cũng đã họp bàn, đưa ra phương hướng hoạt động.
Hiện tại, ông Vũ Mạnh Hiền đề xuất tăng cường hoạt động Hội họp bàn, thảo các vấn đề và giữ kết nối qua mạng internet, vừa chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vừa khắc phục được bất cập về khoảng cách địa lý, nếu không thay đổi và chủ động tư duy và cách nghĩ thì cán bộ khuyến học sẽ "bỏ cuộc" không có đủ kinh phí hoạt động và tránh hao tổn nhân lực, kinh phí.
Chủ tịch Hội Khuyến học Thái Bình Vũ Mạnh Hiền đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng trong việc duy trì hoạt động khuyến học trong tình hình mới. Ảnh: Quốc Huy
Chủ tịch Hội Khuyến học Tây Ninh Lê Minh Trọng nêu nhiều vấn đề đang đặt ra đối với 2 tỉnh mới sáp nhập là Tây Ninh và Long An, công tác khuyến học mới cũ đan xen, cần tháo gỡ đầu tiên là cơ cấu bộ máy tổ chức. Trước mắt, phải hình thành bộ khung về nhân sự, về bộ máy mới, để có tổ chức, để tiếp tục duy trì hoạt động.
Ông Lê Minh Trọng khẳng định cấp xã cần phải có cán bộ khuyến học chuyên trách. Quy mô một xã bây giờ còn hơn cả huyện trước đây, nên cán bộ phải có chế độ chính sách, có trình độ, năng lực. Đối với nhiều xã, cán bộ chuyên trách phải tăng lên về số lượng, nâng cao về năng lực, tinh gọn bộ máy nhưng phải có cán bộ tốt, tâm huyết,
Chủ tịch Hội Khuyến học Tây Ninh Lê Minh Trọng nêu những vấn đề đặt ra đối với công tác khuyến học có đặc thù riêng ở khu vực phía Nam. Ảnh: Quốc Huy
Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân nêu thực tế tồn tại ở các trường đại học về việc công nhận Đơn vị học tập, bộ tiêu chí một số vướng mắc trong việc đề đạt, công nhận.
Trong lúc tất cả các đơn vị, tổ chức dồn sức, dồn lực cho việc sáp nhập đơn vị tổ chức hành chính, công tác khuyến học đâu đó vẫn còn tồn đọng, đình trệ, khó khăn trong hoạt động. Chính quyền cấp xã cần quyết định nhanh chóng, chính xác bộ máy tổ chức của hội khuyến học cấp xã.
Về nhân sự, băn khoăn nhất vẫn là phải đủ nhân sự cho công tác khuyến học mới, phù hợp với tình hình mới. Với sự sáp nhập của Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, địa bàn rộng, người đông rất cần phải tăng cường thêm đội ngũ cán bộ khuyến học tinh nhuệ.
Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quốc Huy
Phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nam Đỗ Văn Sáng nêu vấn đề làm thế nào để giữ ngọn lửa khuyến học đang "cháy" trong mỗi cán bộ khuyến học và tỏa hơi ấm cho phong trào. Với địa bàn rộng, cần phối hợp nhiều đầu mối công tác sau khi sáp nhập. Trước mắt, với quỹ hoạt động rất khó khăn, kinh phí hạn hẹp, các địa phương như Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định đang nỗ lực thích ứng với tình hình mới.
Ông Đỗ Văn Sáng đề nghị trung ương Hội sớm có hướng dẫn kiện toàn bộ máy, và các hướng dẫn thống nhất công tác tổ chức để địa phương tiếp tục hoạt động.
Chủ tịch Hội Khuyến học Ninh Bình Đỗ Văn Sáng phát biểu. Ảnh: Quốc Huy
Chủ tịch Hội Khuyến học Thái Nguyên Đỗ Thị Thìn phát biểu nêu rõ, Thái Nguyên và Bắc Kạn đã chủ động triển khai mô hình hoạt động phù hợp với địa bàn tỉnh mới. Công tác khuyến học vừa phải đúng, phải trúng, không bị chênh so với các đơn vị khác ở địa phương.
Từ 1/7, đội ngũ cán bộ khuyến học chưa có vị trí rõ ràng, cán bộ tâm huyết với phong trào khuyến học nhiều, tuy nhiên, vị trí công tác chưa kiện toàn nên rất khó khăn khi triển khai các hoạt động mới.
Chủ tịch Hội Khuyến học Thái Nguyên Đỗ Thị Thìn phát biểu. Ảnh: Quốc Huy
Chủ tịch Hội Khuyến học Sơn La Mai Thu Hương phấn khởi khẳng định Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam luôn lan tỏa nhiệt huyết công tác khuyến học, làm ngọn hải đăng cho các địa phương tiếp tục duy trì hoạt động khuyến học. Hoạt động khuyến học tại tỉnh Sơn La diễn ra liên tục, bình thường, quỹ vẫn phát triển. Sơn La đã xây dựng kế hoạch hoạt động khuyến học năm 2026 và đã được địa phương thông qua. Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sơn La nhất trí với hoạt động của Hội Khuyến học Sơn La.
Do không bị ảnh hưởng của việc sáp nhập tỉnh, Sơn La khá thuận lợi trong việc duy trì công tác khuyến học, tuy nhiên cấp xã thì vẫn đang còn trong quá trình kiện toàn và sẽ có phương án hoạt động sớm nhất trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội Khuyến học Sơn La Mai Thu Hương báo cáo công tác khuyến học địa phương tại Hội nghị. Ảnh: Quốc Huy
Chủ tịch Hội Khuyến học Khánh Hòa Trần Quang Mẫn cho biết đã thực hiện các đề án sáp nhập đơn vị, nhân sự... với địa phương để kiện toàn bộ máy hội khuyến học địa phương.
Ông Trần Quang Mẫn đề xuất tăng cường năng lực cho công tác cán bộ, nhanh chóng có văn bản hướng dẫn từ trung ương đối với việc hoàn thiện bộ máy khuyến học cấp xã.
Ông Mẫn nêu rõ cần hoàn thiện phần mềm "Công dân học tập" - điều quan trọng cho phong trào học tập chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Chủ tịch Hội Khuyến học Khánh Hòa Trần Quang Mẫn. Ảnh; Quốc Huy
Chủ tịch Hội Khuyến học Quảng Bình Trần Xuân Vinh đề nghị Trung ương Hội nhanh chóng có đề xuất với địa phương để hình thành bộ máy hội khuyến học địa phương, đổi mới phương án nhân sự, số lượng ban chấp hành hợp lý, thiết thực, tinh gọn.
Ông Trần Xuân Vinh khẳng định công tác khuyến học địa phương càng chủ động lại càng có nhiều thuận lợi.
Chủ tịch Hội Khuyến học Quảng Bình Trần Xuân Vinh. Ảnh: Quốc Huy
Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng Nguyễn Minh Hùng cho biết địa phương có lúng túng trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy mới. Tạm thời vẫn chưa thể thống nhất phương án chung từ 1/7. Để có thể không gián đoạn hoạt động, trước mắt giữ nguyên phương án hoạt động cho đến khi có chỉ thị mới.
Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng Nguyễn Minh Hùng phát biểu. Ảnh: Quốc Huy
Hội Khuyến học thành phố Huế Phan Công Tuyên nêu rõ, trong lúc khó khăn, các địa phương đã được tiếp lửa từ trung ương, khắc phục khó khăn để duy trì không gián đoạn hoạt động. Mặt khác, hệ thống hội khuyến học buộc phải thích nghi với tình hình mới. Việc cần thiết là truyền lửa, khó khăn sẽ nảy sinh cách làm hay, công tác khuyến học sẽ được nâng lên tầm cao mới.
Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Huế Phan Công Tuyên phát biểu. Ảnh: Quốc Huy
Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh thông tin đã chuẩn bị sẵn phương án, và trình phương án tổ chức bộ máy với chính quyền địa phương, tham mưu và tham mưu sâu cho địa phương ra quyết định, thậm chí còn phải đi đầu trong nhóm các tổ chức Hội đặc thù được Nhà nước giao nhiệm vụ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh kiến nghị trung ương Hội tiếp tục hướng dẫn và quán triệt, tạo ra đồng thuận và thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Nhắc đến các trung tâm học tập cộng đồng, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng cần nhận định lại, phát huy hiệu quả và nâng cấp để phù hợp với tình hình mới.
Chủ tịch Hội Khuyến học Thành phố Hà Nội nêu ý kiến. Ảnh: Quốc Huy
Chủ tịch Hội Khuyến học Tiền Giang Đồng Thị Bạch Tuyết báo cáo việc kiện toàn lại bộ máy sau khi sáp nhập 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp nỗ lực giữ lại đội ngũ làm khuyến học tâm huyết để phục vụ cho bước chuyển biến mới sau khi sáp nhập tỉnh.
Với đặc thù địa phương, mặc dù mới chỉ là các vị trí lâm thời nhưng công tác khuyến học vẫn có thể duy trì hoạt động, thống nhất là thành phần cán bộ khuyến học 2 tỉnh. Tiền Giang và Đồng Tháp xác định cán bộ khuyến học huyện thành thị vẫn còn là cán bộ khuyến học nhận nhiệm vụ cho đến đại hội mới.
Chủ tịch Hội Khuyến học Tiền Giang Đồng Thị Bạch Tuyết. Ảnh: Quốc Huy
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Thị Hòe trình bày ý kiến về việc dự kiến chia lại các cụm thi đua khuyến học theo tỉnh thành mới. Ảnh: Quốc Huy
GS.TS Nguyễn Thị Doan hoan nghênh các tỉnh đã chủ động sáng tạo, nhiều cách làm hay, tâm huyết trách nhiệm với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài.
Các đại biểu nhất trí báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm, quyết tâm cao với kế hoạch 6 tháng cuối năm. Hội nghị thu được 15 ý kiến phát biểu tâm huyết với công tác khuyến học trong tình hình mới.
Về các đề án, GS.TS Nguyễn Thị Doan đề nghị các ủy viên Ban Thường vụ góp ý bằng văn bản kỹ hơn 5 đề án để phục vụ Hội nghị Ban Thường vụ cuối năm 2025.
Về cụm thi đua, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tập hợp các ý kiến, cân nhắc nghiên cứu để đưa ra phương án hợp lý. Ngoài ra, có thể tham khảo ý kiến các bộ ngành liên quan để chia cụm khuyến học cho hợp lý.
GS.TS Nguyễn Thị Doan kết luận Hội nghị. Ảnh: Quốc Huy
Về kiện toàn bộ máy hội khuyến học cấp xã, Trung ương Hội sẽ có nghiên cứu ra văn bản phối hợp với các tỉnh thành phố. Mặt khác, chính các Hội địa phương cần năng cao năng lực số cho cán bộ Hội, chuẩn bị về mặt nhân sự chu đáo cho nhiệm vụ.
Tiếp tục tuyên truyền về khuyến học xanh, tuyên truyền về chỉ thị của Tổng Bí thư về học tập suốt đời, các gương khuyến học tiêu biểu - GS.TS Nguyễn Thị Doan quán triệt.
Nhóm Phóng viên CDKH