Cadovimex khủng hoảng trầm trọng, bị hạn chế giao dịch do kiểm toán từ chối ý kiến
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, Cadovimex ghi nhận khoản lỗ 79,5 tỷ đồng, kéo lỗ lũy kế lên 1.701 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 1.506 tỷ đồng, trong khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn hơn 1.510 tỷ đồng.
CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex (UPCoM: CAD) đang đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng, cổ phiếu giảm sâu còn 500 đồng/cổ phiếu, lỗ lũy kế vượt 1.700 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm, công ty vẫn đang duy trì khoản vay khoảng 440 tỷ đồng tại các ngân hàng, nhưng không xác định được khả năng trả nợ do vốn chủ sở hữu đã trở thành âm.
Cổ phiếu Cadovimex tiếp tục bị hạn chế giao dịch – chỉ được giao dịch vào thứ sáu mỗi tuần – do công ty chưa thể khắc phục hai nguyên nhân chính: báo cáo tài chính kiểm toán bị từ chối ý kiến và vốn chủ sở hữu vẫn âm.
Theo thông báo từ HNX cho biết, Cadovimex tiếp tục bị hạn chế giao dịch do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán với báo cáo tài chính năm 2024 và Công ty vẫn có vốn chủ sở hữu âm. Điều này đồng nghĩa gần 8.8 triệu cổ phiếu Cadovimex chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần. Trước đó, Cadovimex bị đưa vào diện cảnh báo kể từ tháng 7/2024 do chậm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên quá thời hạn quy định.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Cadovimex đang giao dịch ở mức 500 đồng/cổ phiếu - giá "rẻ hơn ly trà đá" - tương ứng vốn hóa chỉ 4.4 tỷ đồng. Thị giá này đã giảm 17% trong 1 tháng và hơn 44% trong vòng 1 năm. Giao dịch bình quân cũng èo uột, chỉ khoảng 5,200 cổ phiếu/ngày.
Suốt 16 năm qua, cổ phiếu Cadovimex chủ yếu đi ngang ở vùng giá vài trăm đồng, chỉ có một lần tăng sốc từ 400 đồng/cp lên 3,300 đồng/cổ phiếu trong tháng 1/2021 (gấp hơn 8 lần trong 1 tháng), trước khi nhanh chóng quay về đáy.
Nguyên nhân từ chối đưa ý kiến kiểm toán của đơn vị kiểm toán độc lập nằm ở hàng loạt vấn đề nghiêm trọng. Kiểm toán không thể thu thập bằng chứng xác minh tính hiện hữu và giá trị của lượng hàng tồn kho hơn 40 tỷ đồng, trong đó có lô thành phẩm gửi kho tại Mỹ từ năm 2006 trị giá 33.7 tỷ đồng và 6.4 tỷ đồng hàng tồn trong kho lạnh từ năm 2013.
Ngoài ra, các khoản tiền mặt, tài sản cố định, công nợ phải thu - phải trả, chi phí lãi vay cũng đều không được kiểm toán xác nhận do thiếu hồ sơ, chứng từ.
Sai phạm trong vay vốn
Cadovimex từng là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu, nhưng kể từ đầu thập niên 2010, tình hình tài chính bắt đầu sụt giảm mạnh. Đặc biệt, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, công ty phụ thuộc vào nợ vay với chi phí lãi vay phát sinh ngày càng lớn.
Sơ đồ giá cổ phiếu Cadovimex trên HNX.
Đến năm 2024, doanh thu chỉ đạt hơn 14 tỷ đồng, trong khi giá vốn 17 tỷ và chi phí lãi vay/phạt lên đến 66 tỷ đồng.
Về mặt pháp lý, Cadovimex đang đối mặt với phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định cho vay và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Vào ngày 18/6/2025, Tòa án Quân sự Quân khu 9 mở phiên xét xử 20 bị cáo liên quan đến vụ án lừa đảo tại Cadovimex với các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định cho vay" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Trong đó, 9 bị cáo nguyên là lãnh đạo Cadovimex, bao gồm ông Võ Thành Tiên, Ngô Văn Phăng, Phạm Thị Hường... cùng nhiều cán bộ ngân hàng bị truy tố. Hai bị can là Nguyễn Hữu Cường và Lê Kim Hùng hiện đang bị truy nã.
Theo cáo trạng, trong giai đoạn 2008-2015, nhóm lãnh đạo Cadovimex đã lập hồ sơ vay vốn gian dối thông qua hóa đơn trùng lặp, tài sản thế chấp lặp lại, chứng từ khống... để vay và đảo nợ hàng ngàn tỷ đồng. Tổng số tiền bị chiếm đoạt từ MB, VDB, Agribank lên tới hơn 1,000 tỷ đồng, trong đó MB bị chiếm đoạt hơn 202 tỷ đồng. Một phần đã được hoàn trả nhưng thiệt hại thực tế vẫn ở mức rất lớn.
Phiên xử đang được điều tra bổ sung, nhằm xác minh đầy đủ thiệt hại từng ngân hàng và vai trò của từng bị cáo. Do vụ án chồng chéo với thủ tục phá sản, công ty không thể khởi kiện phá sản cho đến khi kết thúc xét xử.
Quốc Lâm