Thụy Sĩ xem xét lại chính sách trung lập - 70% dân số ủng hộ việc xích lại với NATO

Thụy Sĩ xem xét lại chính sách trung lập - 70% dân số ủng hộ việc xích lại với NATO
một ngày trướcBài gốc
Tại Thụy Sĩ - quốc gia theo chính sách trung lập lâu đời đang nổi lên những đợt sóng yêu cầu chính quyền nước này xích lại gần hơn với NATO nhằm có đảm bảo an ninh.
Người dân Thụy Sĩ ngày càng quan tâm đến việc tăng cường quan hệ với Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, nhưng vẫn cam kết duy trì sự trung lập truyền thống của đất nước họ.
Theo cuộc thăm dò ý kiến vào tháng 3 năm nay, hơn 70% người Thụy Sĩ ủng hộ việc tăng cường hợp tác với NATO trong các lĩnh vực như tập trận chung, chia sẻ thông tin tình báo và an ninh mạng.
Cùng lúc đó, chỉ có 37% sẵn sàng ủng hộ việc gia nhập chính thức vào liên minh, điều này đòi hỏi phải từ bỏ vị thế trung lập - một trong những nền tảng của chính sách đối ngoại Thụy Sĩ, được ghi nhận vào năm 1815 tại Đại hội Vienna.
Những dữ liệu như vậy phản ánh sự cân bằng khó khăn giữa mong muốn được đảm bảo an ninh trước tình hình bất ổn toàn cầu và mong muốn bảo tồn nền độc lập lịch sử.
Những người ủng hộ việc xích lại gần NATO chỉ ra nhu cầu tăng cường quốc phòng trong bối cảnh xung đột ở châu Âu và các mối đe dọa quân sự ngày càng trở nên bất ổn.
Họ nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương sẽ cho phép Thụy Sĩ chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức hiện đại, bao gồm các cuộc tấn công mạng và hoạt động hỗn hợp, mà không vi phạm tính trung lập của mình.
Tuy nhiên, những người phản đối khẳng định rằng ngay cả sự hợp tác hạn chế cũng có thể làm suy yếu danh tiếng của đất nước như một nhà trung gian công bằng trong các vấn đề quốc tế.
Vấn đề quan hệ với NATO đã trở thành một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất trong xã hội Thụy Sĩ, đặc biệt là sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh vào năm 2023 và 2024, làm thay đổi cục diện địa chính trị của khu vực.
Chính phủ Thụy Sĩ vẫn giữ lập trường thận trọng, ưu tiên phát triển quan hệ đối tác trong khuôn khổ chương trình Đối tác vì Hòa bình được đưa ra vào năm 1996.
Tuy nhiên nhu cầu của công chúng về mối quan hệ chặt chẽ hơn với NATO đang buộc chính quyền phải xem xét lại cách tiếp cận của họ đối với vấn đề an ninh, điều này có thể dẫn đến những thay đổi trong chiến lược dài hạn.
Cuộc tranh luận về tính trung lập có khả năng sẽ trở nên gay gắt hơn khi cuộc bầu cử quốc hội năm 2027 chuẩn bị diễn ra, khi vấn đề hợp tác với liên minh sẽ là chủ đề chính.
Bạch Dương
Theo Reporter
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/thuy-si-xem-xet-lai-chinh-sach-trung-lap-70-dan-so-ung-ho-viec-xich-lai-voi-nato-post608865.antd