Cá chép đỏ Thủy Trầm nổi tiếng gần xa. Ảnh: Lê Thành.
Nét đẹp văn hóa của người Việt
Trong văn hóa truyền thống của người Việt, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày Tết ông Công, ông Táo. Vào ngày này, các gia đình Việt đều chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn và không thể thiếu được cá chép đỏ - một lễ vật được coi là phương tiện di chuyển của các vị thần bếp.
Nói về nguồn gốc của giống cá chép đỏ Thủy Trầm, ông Bùi Đình Chữ - Trưởng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm ở xã Tuy Lộc cho biết, từ những năm 60 của thế kỷ trước, Thủy Trầm đã có nghề nuôi cá giống từ cá vớt ở sông Hồng vào mùa lũ. Khi chúng lớn lên, bà con thấy có lẫn với loài cá lạ, tuy thuộc giống cá chép nhưng toàn thân có màu đỏ cực kỳ bắt mắt. Họ đã tách riêng loại cá đó để nhân giống. Ban đầu người dân địa phương chỉ nuôi cá cho đẹp, sau đó đem ra bán thử vào ngày 23 tháng Chạp và được rất đông người mua.
Theo truyền thuyết của người Việt, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là 3 vị thần trông coi việc bếp núc. Ông Công, ông Táo được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian để theo dõi và ghi chép việc làm thiện, ác của con người. Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và 3 vị thần Táo là những vị thần định đoạt cát, hung, phước đức cho gia đình. Tuy nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.
PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, tục cúng cá chép đỏ nói lên mong muốn, ước nguyện tốt đẹp của người dân. Bên cạnh đó, cá chép là một phương tiện để ông Công, ông Táo về trời, qua đó người ta muốn gửi gắm về sự thăng hoa, mong được những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Hiện nay, nhiều gia đình phổ biến cúng cá chép vàng, chép đỏ. Đây là 2 màu sắc được dân gian truyền lại là màu thiêng và quý.
Nhộn nhịp vào mùa
Những năm trở lại đây, nghề nuôi cá ở Thủy Trầm phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao. “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo” là câu nói tâm đắc của các hộ dân nuôi cá Thủy Trầm. Họ đã tích cực dồn điền, đổi thửa, xây dựng bờ ao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp, nhờ vậy năng suất và sản lượng ngày một tăng.
Thông thường, cá giống sẽ được tiến hành nuôi từ tháng 6, người nuôi cá chăm sóc sao cho đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp. Năm qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi, hoạt động kinh doanh cá của các hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gia đình anh Bùi Văn Hựu (ở thôn Thủy Trầm) đầu vụ cũng thả hơn 4 tạ cá giống, song qua đợt bão vừa rồi, cá mất và chết gần hết nên anh phải thả bổ sung để kịp thu hoạch vào vụ Tết năm nay.
Vừa cho cá ăn, anh Hựu vừa chia sẻ, do cá chép đỏ là loài phàm ăn nên rất dễ nuôi, không chỉ ăn cám công nghiệp mà cả bèo hoa dâu, các loại rau củ quả… mỗi ngày ăn 1 bữa. “Tuy nhiên, năm qua do thiên tai nên chúng tôi nuôi muộn hơn các năm khác, và cũng phải thay đổi cho cá ăn nhiều hơn, 1 ngày 2 - 3 bữa để cá lớn kịp vào dịp Tết này” - anh Hựu cho hay.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hào (ở thôn Thủy Trầm) đã có tới 3 đời làm nghề nuôi cá chép đỏ. Chia sẻ về thu nhập từ nghề nuôi cá, ông Hào vui mừng cho biết: “Lượng cá năm nay của những người dân trong làng cung không đủ cầu nên giá tăng rất mạnh, gấp đôi so với năm 2024, dao động từ 120.000 - 150.000/kg. Từ tháng 9, tháng 10 các thương lái đã đặt hàng trước. Với mức giá như hiện nay thương lái thu mua, trừ đi các chi phí gia đình tôi sẽ lãi khoảng 60 - 70 triệu đồng”.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày ông Công, ông Táo. Thời điểm này, thôn Thủy Trầm trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Từng đoàn người và xe của thương lái nối đuôi nhau vào thôn. Người nuôi cá sẽ tiến hành đánh bắt, đưa cá vào trong những bể nước nhỏ, có bơm oxy để làm quen với môi trường mới trước khi vận chuyển đi xa. Điều này đã được đúc rút từ kinh nghiệm nuôi cá hàng chục năm của người dân nơi đây, thế nên cá chép đỏ Thủy Trầm luôn nức tiếng gần xa bởi vẻ đẹp và khả năng sinh tồn mạnh mẽ, được các thương lái ưa chuộng.
Cũng nhờ nghề nuôi cá chép đỏ, thôn Thủy Trầm đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Bởi, dân gian ta vẫn tâm niệm, mỗi nghi thức trong cúng ông Công, ông Táo đều ẩn chứa những thông điệp nhân văn và cả khát vọng vươn tới thành công, hạnh phúc.
Lê Thành