Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, toàn bộ hai thân thuyền cổ được khai quật gần thành Luy Lâu, thị xã Thuận Thành được chế tác cùng kỹ thuật. Đó là kỹ thuật đục thân cây độc mộc, ghép các dải ván bằng mộng, sau đó các mộng được chốt lại bằng đinh gỗ. Ảnh: Tiền phong.
Kỹ thuật phức tạp nhất thể hiện ở phần đầu và đuôi thuyền. Đó là vị trí nối giữa phần đáy độc mộc và ván bửng được khóa chặt với nhau, cố định bằng 4 trụ gỗ có kích thước tương tự nhau 5 x 5 cm. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên thấy được trong kỹ thuật đóng tàu thuyền cổ ở Việt Nam và thế giới. Ảnh: Tiền phong.
Đánh giá giá trị bước đầu, từ quy mô, cấu trúc, kỹ thuật và vật liệu xây dựng cho thấy đây là loại hình thuyền hai thân, thể là thuyền có chức năng để chở hàng hóa, nhưng cũng có thể là thuyền được dùng để du ngoạn trên sông hoặc sông pha biển. Ảnh: Vietnamnet.
Được đóng hoàn toàn bằng gỗ, thuyền không sử dụng kim loại trong các bộ phận kết cấu và liên kết thuyền. Căn cứ trên các nguồn tài liệu về thuyền cổ Việt Nam và trên thế giới, các nhà khoa học đánh giá đây là di tích thuyền có quy mô, cấu trúc và kỹ thuật phức tạp nhất, là duy nhất phát hiện được cho đến nay không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Ảnh: Vietnamnet.
Đặc biệt, kết cấu liên kết ở phần đầu (mũi) và đuôi thuyền với phần thân thuyền, cụ thể là ở khối liên kết giữa phần độc mộc ở đáy và phần ván bửng nhô lên ở mũi và đuôi chưa hề gặp ở bất cứ đâu trên thế giới. Ảnh: Vietnamnet.
Các nhà khoa học đánh giá thuyền cổ có hai thân. Ở phần niên đại cụ thể sẽ chờ đợi kết quả phân tích carbon - C14. Ảnh: Vietnamnet.
Thế nhưng, căn cứ vào kỹ thuật loại hình thuyền này thường có niên đại sớm và có thể được đóng tại Việt Nam, là sự phát triển tiếp nối của kỹ thuật đóng thuyền thời văn hóa Đông Sơn thông qua việc so sánh phần đáy của 2 thân với kết cấu độc mộc (được làm từ một thân cây) và kỹ thuật mộng ghép. Ảnh: Vietnamnet.
Căn cứ trên các tài liệu thuyền của Trung Quốc và thế giới, một số ý kiến cho rằng thuyền có niên đại trong khoảng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14 (thời Lý - Trần) và không thể muộn hơn thế kỷ 15 và có ảnh hưởng kỹ thuật từ phía Nam lên. Ảnh: Vietnamnet.
Mời độc giả xem video: Hé lộ nền văn minh đã mất tích qua tàn tích khảo cổ.
Tâm Anh (TH)
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/thuyen-co-o-bac-ninh-co-ky-thuat-phuc-tap-nhat-viet-nam-2102232.html