Tích cực tuyên truyền pháp luật trên biên giới Hà Giang

Tích cực tuyên truyền pháp luật trên biên giới Hà Giang
3 giờ trướcBài gốc
Cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ giới thiệu cho các em học sinh về đường biên, cột mốc. Ảnh: Kim Khánh
Với phương châm “3 bám, 4 cùng”, từ năm 2023 đến nay, BĐBP Hà Giang đã tổ chức hơn 1.250 buổi tuyên truyền trực tiếp, thu hút hơn 69.300 lượt người nghe. Bên cạnh đó, BĐBP Hà Giang còn xây dựng các nội dung tuyên truyền trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo bằng nhiều hình ảnh trực quan sinh động, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin.
Nhiều đơn vị đã thường xuyên duy trì có hiệu quả hoạt động các mô hình như: “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”, “Ngày pháp luật", “Tiếng loa Biên phòng”... Thông qua các hình thức này, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được truyền tải một cách sinh động, nhanh chóng, từ đó, kịp thời tư vấn, giải đáp, hỗ trợ cho người dân các vấn đề liên quan đến pháp luật trên địa bàn.
Trong đó, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang phối hợp với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sơn Vĩ (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) tổ chức Chương trình “Tiết học biên cương” cho 65 thầy cô giáo và các em học sinh nơi biên giới. Thiếu tá Nông Quang Lập, Chính trị viên phó cho biết: "Trong chương trình này, các em học sinh cùng các thầy cô giáo được cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, 3 văn kiện pháp lý về biên giới; lịch sử, truyền thống QĐND Việt Nam, BĐBP Việt Nam, BĐBP Hà Giang, cũng như truyền thống anh hùng của Đồn Biên phòng Sơn Vĩ; lịch sử hình thành đường biên giới quốc gia; vị trí, ý nghĩa của hệ thống đường biên, cột mốc quốc giới; tầm quan trọng của việc quản lý, bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia; hệ thống đường biên, cột mốc trên địa bàn xã Sơn Vĩ. Đồng thời, các em học sinh còn được biết thêm về đời sống, sinh hoạt, học tập, huấn luyện, hoạt động tuần tra, bảo vệ biên giới của lực lượng BĐBP Hà Giang nói chung và Đồn Biên phòng Sơn Vĩ nói riêng".
Ông Lê Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sơn Vĩ chia sẻ: "Nhờ có cán bộ, chiến sĩ của đồn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các em luôn hiểu về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ biên giới. Vì vậy, hàng tháng, chúng tôi luôn phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ đi tuần tra đường biên, cột mốc".
Thông qua Chương trình “Tiết học biên cương” góp phần tuyên truyền, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; phổ biến, giáo dục pháp luật về biên giới cho các em học sinh. Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các em về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, tích cực tố giác tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên, đồng bào dân tộc đã chủ động tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới.
Em Hoàng Thị Ngân, học sinh lớp 9B, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sơn Vĩ cho biết thêm: "Các chú BĐBP rất nhiệt tình tuyên truyền, giải thích cho chúng con hiểu đúng quy định của Nhà nước, nhất là các quy định về bảo vệ đường biên, cột mốc. Chúng con sẽ cố gắng học tập thật tốt, sau này về tuyên truyền cho bạn bè, người thân trong gia đình chấp hành tốt các quy định của pháp luật và cùng với các chú BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia".
Có thể thấy, tại tỉnh Hà Giang, việc triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, phong phú, bám sát thực tiễn địa phương đã góp phần tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn biên giới.
Kim Khánh
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/tich-cuc-tuyen-truyen-phap-luat-tren-bien-gioi-ha-giang-post482420.html