Tịch thu xe 'bốc đầu', 'diễn xiếc' trên đường giúp ngăn chặn tình trạng mất trật tự ATGT

Tịch thu xe 'bốc đầu', 'diễn xiếc' trên đường giúp ngăn chặn tình trạng mất trật tự ATGT
3 giờ trướcBài gốc
Chặn tình trạng gây mất trật tự an toàn giao thông
Hiện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an đang tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự thảo lần 3 của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Một trong những nội dung được quan tâm, đó là Bộ Công an đề xuất tịch thu phương tiện là xe ô tô đối với người điều khiển mà tái phạm hành vi lái xe lạng lách, đánh võng.
Tịch thu xe "bốc đầu", "diễn xiếc" trên đường góp phần ngăn chặn tình trạng gây mất trật tự an toàn giao thông
Với xe máy, cơ quan soạn thảo cũng dự kiến tịch thu phương tiện nếu người điều khiển thực hiện một trong các hành vi vi phạm kiểu "diễn xiếc" trên xe gồm: Buông cả hai tay; dùng chân; ngồi về một bên; nằm trên yên xe; thay người điều khiển khi đang chạy xe; quay người về phía sau hoặc bịt mắt điều khiển xe. Bên cạnh đó, người có hành vi điều khiển xe chạy bằng một bánh với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh với xe ba bánh cũng bị đề xuất tịch thu phương tiện vi phạm.
Ngoài ra, người điều khiển xe chạy bằng một bánh với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh với xe ba bánh (bốc đầu) cũng sẽ bị tịch thu phương tiện. Tài xế có các hành vi trên còn bị trừ 12 điểm giấy phép lái xe.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông, trong đó số vụ tai nạn đối với nhóm tuổi dưới 18 chiếm 8,71%.
Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, thời gian qua với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm triển khai của lực lượng chức năng mà nòng cốt là lực lượng CSGT, tình hình TTATGT có chuyển biến tích cực, TNGT đã được kiềm chế, giảm, ý thức người tham gia giao thông từng bước nâng lên. Tuy nhiên nhìn tổng thể tình hình TTATGT hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra như: tình hình hạ tầng giao thông phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; phương tiện tăng hàng năm ô tô tăng gần 500.000 xe, mô tô tăng hơn 2 triệu xe; ý thức 1 số người tham gia gia thông chưa cao, tình trạng vi phạm giao thông vẫn diễn ra phổ biến, mọi lúc, mọi nơi, dẫn đến ùn tắc giao thông, TNGT tuy có giảm nhưng còn ở mức cao, xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nguyên nhân do lỗi chủ quan của người lái xe, TNGT liên quan đến người trong độ tuổi học sinh còn xảy ra…
"Để lập lại trật tự, kiềm chế TNGT, nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa giao thông văn minh đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, đảm bảo tuyên truyền răn đe, chế tài phải mạnh để xử lý tương xứng với các hành vi vi phạm nhất là các hành vi cố ý xâm phạm TTATGT, Cục CSGT đang tham mưu xây dựng Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính hiện đang dự kiến điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm… việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao là hoàn toàn cần thiết, phù hợp. Tuy chưa tương xứng với các quốc gia khác nhưng vẫn đảm bảo tính nhân văn trong việc nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện, xây dựng môi trường văn hóa giao thông bình đẳng văn minh và kiềm chế tai nạn giao thông", Đại tá Phạm Quang Huy chia sẻ
Trung tá Phạm Đức Hoàng
Trung tá Phạm Đức Hoàng - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 14, Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội cho biết, hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy lạng lách, đánh võng luôn tiềm ẩn nguy cơ rất cao xảy ra tai nạn giao thông. Đây là những nguồn nguy hiểm rình rập trên các cung đường, là nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn giao thông cho bản thân người gây ra hành vi và người tham gia giao thông khác.
"Đề xuất đưa hành vi này vào diện xử lý tịch thu phương tiện là hoàn toàn xác đáng, góp phần ngăn chặn tình trạng gây rối trật tự công cộng trên đường phố. Đây là một trong những nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông", Trung tá Phạm Đức Hoàng nêu quan điểm.
Tịch thu phương tiện phù hợp với pháp luật hiện hành
Trao đổi thêm với phóng viên, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì hoàn toàn có cơ sở pháp lý để tịch thu phương tiện giao thông nếu người điều khiển cố ý vi phạm, sử dụng phương tiện gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông: "Những hành vi cố ý vi phạm mà gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội hoặc tái phạm, cơ quan chức năng có thể áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện. Đây là hình thức răn đe mạnh mẽ để lập lại trật tự, an toàn giao thông".
Luật sư Diệp Năng Bình
Theo luật sư Diệp Năng Bình, hiện nay việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được căn cứ vào Luật Giao thông được bộ, tới đây là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) và Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020).
Tịch thu tang vật là một trong những hình thức xử phạt vi phạm hành chính, với điều kiện áp dụng là tịch thu phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính khi hành vi đó ở mức độ nghiêm trọng do lỗi cố ý của người điều khiển.
Bởi vậy, đề xuất quy định tịch thu phương tiện giao thông khi người điều khiển phương tiện có những hành vi vi phạm nghiêm trọng có lỗi cố ý phù hợp với quy định của luật xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt là trường hợp vi phạm giao thông nghiêm trọng có nguy cơ gây tai nạn giao thông, tái phạm nhiều lần thì việc tịch thu phương tiện là cần thiết.
Tuy nhiên, luật sư Diệp Năng Bình, hình thức tịch thu phương tiện vi phạm chỉ nên áp dụng đối với người vi phạm là chủ xe. Còn với phương tiện đi thuê, mượn hoặc tự ý sử dụng của người khác thì lại không đủ cơ sở pháp lý để áp dụng biện pháp này: "Thực tế, nhiều đối tượng thanh, thiếu niên thường xuyên sử dụng xe của bố mẹ để thực hiện các hành vi mạo hiểm, gây mất an ninh trật tự mà không phải trường hợp nào cũng xử lý hình sự. Cần gắn thêm trách nhiệm của chủ phương tiện khi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Từ đó có những biện pháp xử lý cứng rắn hơn".
Nhiều lỗi giao thông được đề xuất tăng mức phạt hàng chục lần
Trước đó, vào ngày 22/10, lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đơn vị này đang tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Đơn vị soạn thảo đang dự kiến điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm liên quan đến vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc và một số nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.
Cụ thể đối với ô tô, hành vi lùi xe trên đường một chiều, đường có biển cấm đi ngược chiều: mức phạt cũ 800.000 đến 1 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới từ 9 đến 11 triệu đồng.
Hành vi đi vào khu vực cấm, đường cấm: mức phạt cũ 2 đến 3 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 4 đến 6 triệu đồng; Hành vi dừng, đỗ, quay đầu xe gây ùn tắc giao thông; quay đầu xe trong hầm đường bộ; vượt không đúng quy định: mức phạt cũ 2 đến 3 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới từ 8 đến 12 triệu đồng.
Hành vi vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông: mức phạt cũ từ 600.000 đến 800.000 đồng; dự kiến mức phạt mới từ 18 đến 22 triệu đồng; Hành vi chở hàng vượt quá chiều cao: mức phạt cũ 2 đến 3 triệu đồng, dự kiến mức phạt mới từ 8 đến 12 triệu đồng.
Hành vi mua bán biển số trái quy định: mức phạt cũ từ 10 đến 12 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 48 đến 52 triệu đồng; Hành vi điều khiển ô tô không gắn đủ biển số, che dán biển số, gắn biển số giả: mức phạt cũ 4 đến 6 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 48 đến 52 triệu đồng; Hành vi quay đầu xe trái quy định: mức phạt cũ từ 600.000 đến 800.000 đồng, dự kiến mức phạt mới từ 6 đến 8 triệu đồng.
Hành vi không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông: mức phạt cũ từ 4 đến 6 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 8 đến 10 triệu đồng; Hành vi rải đinh, vật sắc nhọn: mức phạt cũ 4 đến 6 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới từ 48 đến 52 triệu đồng; Hành vi vượt đèn đỏ: mức phạt cũ 4 đến 6 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 9 đến 11 triệu đồng; Hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện: mức phạt cũ từ 4 đến 6 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 28 đến 30 triệu đồng.
Ngoài ra, theo đề xuất mới, lực lượng chức năng sẽ tịch thu phương tiện đối với hành vi tái phạm lạng lách, đánh võng; Đối với xe máy, theo đề xuất mới, hành vi vượt đèn đỏ: mức phạt cũ 800.000 đến 1 triệu đồng; mức phạt mới dự kiến 4 đến 6 triệu đồng; Hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện: mức phạt cũ 600.000 đến 800.000 đồng; dự kiến mức phạt mới 8 đến 10 triệu đồng.
Văn Ngân/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/tich-thu-xe-boc-dau-dien-xiec-tren-duong-giup-ngan-chan-tinh-trang-mat-trat-tu-atgt-post1130679.vov