Tiêm kích F-35B 'nằm bất động' ba tuần ở Ấn Độ: Cơ hội vàng cho Su-57 Nga?

Tiêm kích F-35B 'nằm bất động' ba tuần ở Ấn Độ: Cơ hội vàng cho Su-57 Nga?
5 giờ trướcBài gốc
Chiếc máy bay này cất cánh từ tàu sân bay HMS Prince of Wales, vốn có "thành tích" không mấy suôn sẻ kể từ khi được đưa vào biên chế năm 2019, với hàng loạt sự cố kỹ thuật.
Máy bay F-35B của Anh tại sân bay Thiruvananthapuram. (Nguồn: MW)
Tuy nhiên, điều khiến sự việc lần này trở nên đặc biệt gây chú ý là việc chiếc F-35B trị giá hàng trăm triệu USD đã nằm bất động tại sân bay Ấn Độ suốt hơn 20 ngày, bất chấp mọi nỗ lực sửa chữa từ các kỹ sư Anh được điều động khẩn cấp sang.
Đến ngày 3/7, Bộ Quốc phòng Anh chính thức thừa nhận không thể khôi phục khả năng bay của chiếc tiêm kích và đang xem xét phương án tháo rời, vận chuyển về nước bằng vận tải cơ C-17 Globemaster.
Ngay sau khi hạ cánh, phi công F-35B đã từ chối rời buồng lái trong thời gian đầu, một phản ứng được cho là theo quy trình bảo mật nghiêm ngặt, nhằm ngăn các quốc gia không liên minh tiếp cận công nghệ nhạy cảm trên máy bay.
Giới quan sát cho rằng Anh đã nhanh chóng đàm phán với phía Ấn Độ để đảm bảo chiếc tiêm kích không bị kiểm tra hay nghiên cứu kỹ thuật. Đến cuối tháng 6, máy bay được đưa vào nhà chứa của hãng hàng không Air India để chờ phương án xử lý tiếp theo.
Sự cố này đã làm dấy lên những chỉ trích xoay quanh độ tin cậy và khả năng bảo dưỡng của dòng F-35, đặc biệt là biến thể F-35B, phiên bản có khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL). Thiết kế đặc biệt này khiến việc bảo trì trở nên cực kỳ phức tạp, trong khi bán kính tác chiến ngắn lại hạn chế khả năng chọn sân bay hạ cánh trong các tình huống khẩn cấp.
Không ít cư dân mạng và truyền thông Ấn Độ đã tranh thủ chế giễu sự cố này, coi đây là "màn ra mắt thảm họa" của F-35 tại quốc gia Nam Á. Sự việc càng trở nên nhạy cảm khi chỉ vài tháng trước, Mỹ vừa đẩy mạnh chiến dịch quảng bá F-35 tại Ấn Độ, hy vọng đưa dòng tiêm kích này vào danh mục mua sắm của Bộ Quốc phòng nước này.
Các ràng buộc kiểm soát nghiêm ngặt mà Mỹ áp dụng đối với khách hàng mua F-35, đặc biệt về quyền vận hành, nâng cấp và sử dụng vũ khí, đã khiến New Delhi tỏ ra thận trọng. Cựu Tư lệnh không quân Ấn Độ Anil Chopra từng thẳng thắn nhận định, rằng New Delhi cần "một đối tác đáng tin cậy, không gây áp lực chính trị không cần thiết".
Trong bối cảnh đó, Nga đã nhanh chóng tận dụng thời cơ bằng cách đưa ra một lời đề nghị hấp dẫn chưa từng có: cung cấp tiêm kích tàng hình Su-57 cùng quyền tiếp cận mã nguồn hệ thống điều khiển, đồng thời chuyển giao công nghệ để hỗ trợ chương trình máy bay thế hệ thứ năm AMCA do Ấn Độ tự phát triển.
Đây được coi là "một cái bắt tay sâu" mà Moscow dành riêng cho New Delhi, điều mà Washington khó lòng chấp nhận với F-35.
Dù không có khả năng tàng hình tinh vi như F-35, Su-57 lại vượt trội ở nhiều khía cạnh: tầm bay gần gấp đôi, tải trọng vũ khí lớn hơn, cảm biến mạnh hơn và đặc biệt là khả năng cơ động ở đẳng cấp cao, những yếu tố rất phù hợp với môi trường tác chiến tiềm năng tại Nam Á.
Thêm vào đó, theo một số nguồn tin, phía Ấn Độ đã bày tỏ sự không hài lòng với hiệu quả tác chiến của tiêm kích Rafale của Pháp, dòng máy bay được coi là thế hệ 4++, trong một số cuộc đụng độ gần đây với Không quân Pakistan. Điều này càng thúc đẩy nhu cầu của Ấn Độ đối với một nền tảng tiêm kích thế hệ 5 đích thực.
Quyết định của New Delhi không đơn giản. Ấn Độ hiện vẫn chịu áp lực lớn từ Mỹ nhằm hạn chế mua sắm vũ khí Nga, đối tác quốc phòng lâu đời của nước này. Mặc dù vậy, trước đây, New Delhi đã nhiều lần phớt lờ các đe dọa trừng phạt từ Washington, đặc biệt trong thương vụ mua hệ thống phòng không S-400.
Xuân Minh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/tiem-kich-f-35b-nam-bat-dong-ba-tuan-o-an-do-co-hoi-vang-cho-su-57-nga-169250705090416744.htm