Tiềm năng nào để Cà Mau đặt ra mục tiêu tăng trưởng 8,5% năm 2025?

Tiềm năng nào để Cà Mau đặt ra mục tiêu tăng trưởng 8,5% năm 2025?
14 giờ trướcBài gốc
Sau hợp nhất, tỉnh Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên hơn 7.942 km2 (xếp thứ 21/34 tỉnh, thành phố), quy mô dân số 2.606.672 người. Là tỉnh duy nhất có địa hình 3 mặt tiếp giáp với biển Đông, biển Tây với chiều dài bờ biển 254 km, rất thuận lợi phát triển năng lượng tái tạo và nuôi trồng thủy sản…
Khu nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu trước đây, nay là tỉnh Cà Mau.
“Cứ địa” năng lượng, “thủ phủ” con tôm
Là tỉnh cuối trời cực nam của Tổ quốc, Cà Mau có địa hình thấp, khí hậu nhiệt đới có nhiều nắng, gió rất lý tưởng cho việc phát triển năng lượng tái tạo xuất khẩu điện cho các nước lân cận. Khi tỉnh Cà Mau (cũ) - Bạc Liêu (cũ) hợp nhất toàn bộ những dự án đã hoàn thành và dư địa phát triển thì Cà Mau trở thành trung tâm phát triển năng lượng tái tạo dẫn đầu cả nước, tổng công suất đưa vào vận hành hiện nay là 469 MW.
Ông Nguyễn Chí Thiện - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, tại khu vực Bạc Liêu trước đang duy trì hoạt động ổn định 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 469,2 MW. Riêng khu vực Cà Mau trước đây có 6 dự án vận hành thương mại với tổng công suất 225 MW. Hiện tại Cà Mau còn 8 dự án đã chấp nhận chủ trương đầu tư (trong số này có 3 dự án có công suất 276 MW đang triển khai thi công).
Có thể nói năng lượng tái tạo ở tỉnh Cà Mau đang trở thành trụ cột mới trong nền kinh tế năng lượng sạch với lợi thế thổ nhưỡng, địa hình 3 mặt giáp biển từ Đông sang Tây có chiều dài bờ biển lên đến 254 km. Đây là điều kiện lý tưởng để Cà Mau phát triển mạnh các dự án điện gió, điện mặt trời và đây cũng là cơ sở để Cà Mau đặt mục tiêu bức phá đến năm 2040 xuất khẩu 5.000 MW điện từ vùng biển ngoài khơi. Tuy có lợi thế, tiềm năng là vậy nhưng Cà Mau không phải không có những “điểm nghẽn” trong khai thác đó là: việc sử dụng nguồn năng lượng khi hòa vào dòng điện quốc gia còn rất hạn chế nên nguồn thu bị ảnh hưởng.
“Nguyên nhân chính là do hệ thống đường dây truyền tải chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, điển hình là đường dây truyền tải lưới điện 110 kV Năm Căn thi công chậm, chủ yếu vướng ở khâu giải phóng mặt bằng, làm cho nguồn năng lượng từ các nhà máy điện gió trên địa bàn chưa phát huy hiệu quả. Còn ở cụm công nghiệp khí - Điện - Đạm Cà Mau, việc huy động sản lượng từ 2 nhà máy nhiệt điện vào thời điểm những tháng mùa khô cũng giảm so với cùng kỳ, dẫn đến tổng nguồn huy động trên địa bàn chỉ đạt 3.338 triệu KWh, giảm 3,2% so với cùng kỳ.
Năng lượng tái tạo ở Cà Mau đang trở thành trụ cột mới trong nền kinh tế năng lượng sạch.
Từ thực tế này UBND tỉnh Cà Mau cần chủ động kiến nghị Bộ Công Thương và Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện quốc gia (NSMO) trong việc cam kết nguồn tải của 2 nhà máy nhiệt điện Cà Mau nhằm huy động được nguồn khí cung cấp, kéo theo tăng trưởng chỉ số công nghiệp cũng như góp phần cho tăng trưởng nguồn lực kinh tế chung của tỉnh Cà Mau”, Giám đốc Sở Công Thương lý giải và đề xuất.
Nếu như điện gió và điện mặt trời là “cứ điểm” thì con tôm cũng là “thủ phủ” của cả nước về xuất khẩu ở vùng đất Cà Mau. Hơn thế nữa, sau khi hợp nhất tỉnh Cà Mau có rất nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế mà ít nơi nào có được. Vừa có nguồn tài nguyên nước mặn, ngọt, lợ, vừa có biển, có rừng, quanh năm người dân sản xuất nuôi trồng cây, con trên nhiều hệ sinh thái khác nhau mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho hộ gia đình.
Theo Phó Giám Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau Lưu Hoàng Ly, sau khi hợp nhất toàn tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản và sản lượng chế biến xuất khẩu đều tăng. 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu Cà Mau 551,8 triệu USD, tăng 4,2% so cùng kỳ. Xuất khẩu phân đạm Cà Mau đạt cột mốc 82,5 triệu USD, đạt gần 60% kế hoạch và tăng 20,8% so cùng kỳ.
“Đây không chỉ là con số ấn tượng trong lĩnh vực xuất khẩu tôm và phân đạm Cà Mau đã và đang vươn tới nguồn thu đáng kể cho địa phương mà còn là nền móng trở thành thủ phủ ngành tôm cả nước. Để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, mạnh cho ngành tôm từ nhiều năm qua tỉnh Bạc Liêu trước đây, đã quy hoạch 418 ha khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (nay thuộc phường Hiệp Thành, tỉnh Cà Mau)”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thông tin.
Còn theo Thạc sỹ Phạm Hoàng Minh - Giám đốc Ban Quản lý khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, dự án đã được nhà nước đầu tư với tổng vốn là 340 tỷ đồng, hiện tại dự án đang xây dựng cơ sở hạ tầng chuẩn bị đưa vào hoạt động. “Đây là khu tập trung nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong ngành tôm cho khu vực bán đảo Cà Mau, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Có thể nói, tập quán sản xuất truyền thống và định hướng chiến lược về nuôi trồng thủy sản bằng công nghệ cao là chủ trương đúng hướng, kịp thời tạo ra chuỗi giá trị cung ứng quy mô cho hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ mà còn tạo ra giá trị gia tăng trên từng sản phẩm tại các nhà máy đưa đến người tiêu là một quá trình dài hơi với bao khát vọng vươn tới của ngành nông nghiệp”, Thạc sỹ Phạm Hoàng Minh cho biết.
Giao thông kết nối, kinh tế tư nhân bứt phá
Hiện tại, tỉnh Cà Mau đang nâng cấp, mở rộng cảng hàng không (sân bay Cà Mau) để khai thác tàu bay lớn hoạt động vận chuyển hành khách, hang hóa với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn lực giúp tỉnh Cà Mau tăng trưởng về kinh tế trong tương lai mà còn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Cà Mau thuận lợi, để đầu tư dự án và du lịch sinh thái từ biển, từ rừng.
Cùng với việc nâng cấp sân bay, hệ thống cao tốc đường bộ tuyến cao tốc TP Cần Thơ - Cà Mau cũng đang rốt ráo đẩy nhanh tiến độ và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Tới đây sẽ có trục cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (cũ). Tuyến hành lang ven biển phía Nam được kết nối hệ thống cầu, đường liên thông như những mạch máu nối liền từ nông thôn đến thành thị nhằm phát huy lợi thế các trung tâm kinh tế biển như: Khánh Lâm, Sông Đốc, Gành Hào, Cái Đôi Vàm.
Cao tốc về Cà Mau gấp rút hoàn thành vào cuối năm nay.
Về hạ tầng giao thông, ông Dư Minh Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau thông tin, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến 19/8 tới đây Cà Mau sẽ khởi công tuyến cao tốc nối dài đến tận Đất Mũi, công trình có chiều dài 81 km, tổng mức đầu tư dự kiến gần 59.000 tỷ đồng, thi công theo cơ chế khẩn cấp, dự kiến hoàn thành trong năm 2028 và cầu vượt biển từ Đất Mũi đến cảng Hòn Khoai có chiều dài 17,55 km, tổng mức đầu tư 17.000 tỷ đồng. Bộ Xây dựng cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển cảng biển Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn 2050, theo đó hàng loạt bến cảng lớn, trong đó có cảng trung chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng đón tàu 150.000 tấn sẽ được triển khai đưa Cà Mau trở thành đầu mối logistics vùng biển Đông, biển Tây nam Bộ.
Ông Huỳnh Công Quân - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau cho biết, sau hợp nhất, từ ngày 1/7 đến nay, Cà Mau có 772 doanh nghiệp đăng ký mới, vốn đăng ký 6.020 tỷ đồng (tăng 77,9%; vốn đăng ký tăng 87,2% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.800 doanh nghiệp đang hoạt động, với vốn đăng ký khoảng 99.000 tỷ đồng. Theo cơ cấu ngành nghề, khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng và thủy sản.
Trong đó, ngành thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, đóng góp hơn 50% tổng giá trị gia tăng của khu vực tư nhân. Các lĩnh vực dịch vụ tài chính, giáo dục, y tế và du lịch đang phát triển nhanh, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng mở rộng với nhiều dự án đầu tư vào chế biến nông sản, thực phẩm. Ngành xây dựng tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ vào các dự án hạ tầng giao thông, khu đô thị mới và bất động sản. Ngành thủy sản, đặc biệt là chế biến và xuất khẩu, tiếp tục đóng vai trò chủ lực, đóng góp hơn 2,3 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Cụm khí điện đạm Cà Mau mỗi năm thu về hàng triệu USD.
“Nhìn vào lợi thế, tiềm năng, bức tranh kinh tế của Cà Mau sẽ là vùng kinh tế năng động của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của đất nước. Cà Mau đề ra mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025 đạt 8,5% là có cơ sở, khả quan và cái còn lại là mục tiêu thực hiện như thế nào. Hiện tại, chính quyền 2 cấp ở Cà Mau đã đi vào hoạt động, với 64 đơn vị hành chính cấp xã, phường. Cán bộ chủ chốt cấp xã, phường đều được đào tạo cơ bản và kinh qua quá trình công tác ở các sở, ban, ngành, có người tỉnh ủy viên, thường vụ tỉnh ủy, phó giám đốc sở. Đây là nguồn nhân lực phong phú, dồi dào, bản lĩnh chính trị, có trình độ văn hóa cao, chuyên môn cao, tiếp thu nhanh, nhạy về khoa học công nghệ", Giám đốc Sở Tài chính kỳ vọng.
Việt Sử
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tiem-nang-nao-de-ca-mau-dat-ra-muc-tieu-tang-truong-8-5-nam-2025/20250715014758013