Tiềm năng phát triển mô hình TOD tại TP Hồ Chí Minh rất lớn

Tiềm năng phát triển mô hình TOD tại TP Hồ Chí Minh rất lớn
4 giờ trướcBài gốc
Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu phát triển TOD từ Hàng Xanh tới chân cầu Bình Triệu. Ảnh: Trịnh Nguyễn
Mô hình TOD phù hợp tại thành phố Hồ Chí Minh
Tại một cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố vừa giao một doanh nghiệp nghiên cứu phát triển đô thị theo mô hình TOD từ ngã tư Hàng Xanh tới chân cầu Bình Triệu dọc quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh).
Theo các chuyên gia về kiến trúc, quy hoạch đô thị, tiềm năng phát triển mô hình TOD tại thành phố Hồ Chí Minh rất lớn. Đây là giải pháp phát triển đô thị bền vững, tạo không gian sống thuận tiện với khả năng tiếp cận dễ dàng tới việc làm, giáo dục và dịch vụ.
Nói về tiềm năng phát triển mô hình TOD tại thành phố Hồ Chí Minh, kiến trúc sư Kevin Doan Quang Vinh (từng làm việc tại Singapore) cho rằng, chỉ riêng dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã tạo ra dư địa rất lớn để phát triển mô hình TOD.
Theo đó, khu vực ga An Phú có 70ha đang có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ, thành phố có thể chuyển hướng mạnh theo mô hình TOD để làm hình mẫu phát triển đô thị cho cả tuyến metro số 1; khu vực ga Thủ Đức có 50ha gần Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, khu công nghệ cao, phù hợp phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, văn phòng, nhà ở thông minh…
Đối với những khu vực chưa có tuyến metro đi qua, ngoài vị trí tiềm năng phát triển TOD như đề xuất (Hàng Xanh - Bình Triệu dọc quốc lộ 13), có thể nghiên cứu phát triển TOD tiếp nối từ cầu Bình Triệu đến quốc lộ 1 dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng (thành phố Thủ Đức).
Tuyến đường Phạm Văn Đồng (đi qua thành phố Thủ Đức) cũng có tiềm năng phát triển TOD. Ảnh: Trịnh Nguyễn
Việc phát triển TOD dọc đường Phạm Thế Hiển (quận 8), kết hợp chỉnh trang đô thị ven kênh rạch, đặc biệt là với các dự án cải tạo kênh Đôi, kênh Tẻ và nâng cấp hạ tầng giao thông có thể biến khu vực hiện đang nhiều nhà tạm ven và trên kênh rạch này trở thành một đô thị ven sông kiểu mẫu, nâng cao chất lượng sống và gia tăng giá trị bất động sản.
Ngoài ra, quỹ đất còn lớn ở thành phố Thủ Đức và các huyện như Hóc Môn, Bình Chánh… phù hợp với TOD quy mô lớn tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuyến đường Vành đai 3 và 4 cũng mở ra cơ hội phát triển mô hình TOD nhờ kết nối các khu đô thị vệ tinh, hỗ trợ hình thành các trung tâm mới.
Dọc tuyến đường Vành đai 3 cũng có tiềm năng lớn phát triển TOD. Ảnh: TĐ
Tìm cơ chế mới và nguồn tài chính mạnh
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển đô thị theo mô hình TOD, cần nguồn vốn đầu tư lớn để bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì vậy, cần chính sách hợp tác công - tư (PPP) để thu hút nhà đầu tư tư nhân. Đồng thời, cần có quy hoạch đồng bộ kết hợp giữa chỉnh trang và TOD, tránh chỉnh trang trước rồi mới tính đến TOD, gây lãng phí cơ hội phát triển.
Theo Kiến trúc sư Kevin Doan Quang Vinh, phát triển đô thị Singapore và thành phố Hồ Chí Minh có nét tương đồng. Thành phố Hồ Chí Minh có thể tham khảo: Vận tải hành khách tốc độ cao, khối lượng lớn (đơn cử như metro); đường sắt nhẹ trong đô thị (LRT) và mạng lưới xe buýt nhanh (BRT) được quy hoạch đồng bộ với các trung tâm thương mại, văn phòng và khu dân cư.
Phát triển TOD dọc đường Phạm Thế Hiển kết hợp chỉnh trang kênh Đôi là giải pháp được chuyên gia nhận định khả thi. Ảnh: Trịnh Nguyễn
Còn theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, phát triển đô thị theo mô hình TOD không chỉ xoay quanh hệ thống metro mà phải xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, tích hợp với các phương tiện khác như xe buýt, sân bay, cảng biển, đường sắt và giao thông đường thủy.
Thành phố Hồ Chí Minh có thể hình thành tập đoàn TOD trên nền tảng một nhóm nhà đầu tư có tiềm lực để chung sức về tài chính, nghiên cứu, quản lý để đảm bảo vận hành hệ thống hiệu quả. Song song với công tác đầu tư, thành phố cần chuẩn bị nhân lực để bảo đảm công tác vận hành, bảo trì, hợp tác đào tạo ngay từ bây giờ.
Cũng theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, ngoài yếu tố về nhân lực, 2 yếu tố then chốt để giải bài toán TOD là cơ chế và tài chính. Đối với cơ chế, thành phố cần một khung pháp lý đồng bộ, từ giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, quy hoạch kiến trúc, đến cơ chế hợp tác giữa các sở, ngành và chính sách thu hút đầu tư. Đối với tài chính, thành phố cần xây dựng kịch bản tài chính rõ ràng, chứng minh khả năng hoàn vốn và lợi ích kinh tế để thu hút nhà đầu tư tư nhân.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội cho biết, thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98), thành phố đã ban hành một số chính sách để thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị theo mô hình TOD, tạo điều kiện ban đầu để thành phố tăng tốc phát triển.
Nguyễn Lê
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/tiem-nang-phat-trien-mo-hinh-tod-tai-tp-ho-chi-minh-rat-lon-692951.html