Tiền Giang nỗ lực diệt sâu đầu đen bảo vệ vườn dừa thương phẩm

Tiền Giang nỗ lực diệt sâu đầu đen bảo vệ vườn dừa thương phẩm
một giờ trướcBài gốc
Tỉnh Tiền Giang có diện tích dừa chuyên canh trên 22.400ha, tập trung tại huyện Chợ Gạo (7.700ha), Châu Thành (5.000ha), Tân Phú Đông (2.700ha), Gò Công Tây (2.500ha) và TP. Mỹ Tho (1.700ha). Từ tháng 4 năm 2021, sâu đầu đen bắt đầu xuất hiện hại vườn dừa tại xã Bình Ninh, Xuân Đông, huyện Chợ Gạo. Sau đó loài sâu bọ này lây lan nhanh và đến nay có gần 200 ha vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen. Để bảo vệ vườn cây nhà vườn đã áp dụng biện pháp phun xịt thuốc nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều vườn cây bị thiệt hại nặng, thậm chí cây dừa nhiễm nặng bị chết khô.
Nhà vườn Tiền Giang quyết liệt tiêu diệt con sầu đầu đen hại dừa
Ông Nguyễn Văn Bờ cũng như nhiều nhà vườn xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang rất lo ngại sâu đầu đen phát tán. Ông Bờ kiến nghị: “Bây giờ nhờ nhà nước hỗ trợ cho chúng tôi thuốc, cách thức, kỹ thuật phun xịt làm sao. Đồng thời tuyên truyền làm sao cho bà con lối xóm cùng phun xịt hết để bảo đảm cho con sâu đầu đen chết hết”.
Thời gian qua, chính quyền, ngành Nông nghiệp-PTNT địa phương đã chủ động điều tra phát hiện, thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nhà vườn tuy nhiên hiệu quả phòng trừ chưa cao, nhất là tại huyện Chợ Gạo nhiều vườn dừa xơ xác vì con sâu này. Các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen, thường là các cây già, thân cao nên rất khó phát hiện và phun thuốc phòng trừ.
Bên cạnh đó, dưới tán dừa còn là nơi người dân sinh sống, chăn nuôi gia súc gia cầm nên biện pháp phun thuốc hóa học sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi, vì vậy khó triển khai. Ngoài ra, còn một bộ phận người dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước nên hiệu quả dập dịch sâu đầu đen không cao.
Nhiều vườn dừa tại huyện Chợ Gạo xơ xác do nhiễm sâu đầu đen
Theo các cơ quan chuyên môn, có 03 biện pháp chính để quản lý sâu đầu đen là biện pháp thủ công, sinh học và hóa học. Đối với biện pháp thủ công, khi phát hiện cây nhiễm sâu hại cần cắt bỏ những tàu lá bị hư hại đem tiêu hủy bằng cách ngâm dưới mương hoặc đem đốt. Đối với biện pháp sinh học, sử dụng thiên địch để tiêu diệt sâu hoặc ấu trùng của sâu. Các loài thiên địch bao gồm ong ký sinh sâu đầu đen, ong ký sinh ấu trùng sâu đầu đen, ngoài ra còn có thể thả bọ đuôi kìm, kiến vàng để tấn công, tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa.
Đối với vườn dừa nhiễm sâu mức độ nhẹ sẽ áp dụng cắt tỉa, tiêu hủy các tàu lá nhiễm bệnh, đồng thời áp dụng các biện pháp sinh học như sử dụng thiên địch chế phẩm sinh học tiêu diệt sâu và ấu trùng. Đối với vườn dừa nhiễm từ trung bình đến nặng còn sử dụng thêm hoạt chất Emamectin benzoate kết hợp với dầu khoáng để khống chế mật độ sâu trước khi sử dụng thiên địch. Quá trình này cần vận động người dân thực hiện đồng loạt, xác định đúng tuổi sâu để phun thuốc và phun theo nguyên tắc "4 đúng", đảm bảo đủ thời gian cách ly. Ngoài ra, vận động người dân đốn bỏ những cây dừa già cỗi, kém hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, sẽ tiếp tục tổ chức ra quân đồng loạt phòng trừ sâu đầu đen với các biện pháp hóa học lẫn sinh học, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân: “Các giải pháp phòng trừ từ giải pháp thủ công, phun thuốc trừ sâu và giải pháp sinh học. Tuy nhiên diễn biến của sâu đầu đen vẫn còn phức tạp. Theo tôi nghĩ giải pháp không phải là khó lắm nhưng quan trọng nhất là sự đồng thuận, thực hiện của từng hộ dân trồng dừa. Chúng ta làm đúng quy trình kịp thời, chúng ta sẽ khống chế được sâu đầu đen hại dừa”.
Nhà vườn pha trộn thuốc để phun xịt lên ngọn dừa diệt sâu đầu đen
Các cựu chiến binh xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo sinh hoạt, bàn giải pháp ứng phó với con sâu đầu đen
Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật- Bộ Nông nghiệp-PTNT) cho biết, đến tháng 10 năm nay, sâu đầu đen xuất hiện đang gây hại tại 6 tỉnh vùng ĐBSCL gồm Bến Tre, Tiền Giang,Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang với diện tích nhiễm hơn 1.100ha. Vườn dừa đầu tiên nhiễm sâu đầu đen tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Hiện nay, địa phương có diện tích bị sâu đầu đen gây hại lớn nhất là Bến Tre (594ha), Tiền Giang (279ha). Ngoài ra, sâu đầu đen còn mới ghi nhận xuất hiện tại Tây Ninh.
Chuyên gia bảo vệ thực vật - Tiến sỹ Hồ Văn Chiến hướng dẫn nông dân trị con sâu đầu đen hại dừa.
Do đó, các địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng trị loài sâu bệnh này theo hướng đồng loạt mới đạt hiệu quả cao để bảo vệ vườn dừa- một loại cây đang có giá trị xuất khẩu, có liên quan đến đời sống của rất nhiều hộ nông dân.
Chu Trinh/VOV-ĐBSCL
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/tien-giang-no-luc-diet-sau-dau-den-bao-ve-vuon-dua-thuong-pham-post1130149.vov