Tiền Giang: Nông thôn vươn mình đổi mới

Tiền Giang: Nông thôn vươn mình đổi mới
4 giờ trướcBài gốc
NÔNG THÔN CHUYỂN MÌNH
Giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, Tiền Giang bắt đầu xây dựng NTM với rất nhiều khó khăn. Cụ thể năm 2010, khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai trên địa bàn tỉnh, bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh chỉ đạt dưới 5 tiêu chí trong Bộ tiêu chí NTM.
Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn hầu hết chưa được bê tông hóa; thủy lợi thiếu đồng bộ; điện lưới chưa phủ khắp; trường học, trạm y tế xuống cấp; tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 10,96%; thu nhập bình quân đầu người chỉ 18,7 triệu đồng/năm.
Nhiều xã, đặc biệt là các xã ở vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phú Đông và ven biển của huyện Gò Công Đông, còn chưa tiếp cận được nước sạch, sản xuất chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên bấp bênh.
Bộ mặt khang trang của huyện NTM nâng cao Gò Công Đông hôm nay. Ảnh: MINH THÀNH
Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự tham gia tích cực của nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại Tiền Giang đã đạt được những kết quả vượt bậc.
Trước hết, tỉnh tập trung ban hành hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn từng giai đoạn, kiện toàn bộ máy chỉ đạo từ tỉnh đến xã, bảo đảm thống nhất trong điều hành. Một trong những bước đột phá là ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế…
Nhờ đó, diện mạo nông thôn được cải thiện rõ rệt. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 135/135 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 68 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 100% huyện, thị, thành được công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Đông đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đến cuối năm 2024, công tác xây dựng đô thị văn minh tại Tiền Giang đạt được nhiều kết quả nổi bật với 3 đô thị gồm: TP. Mỹ Tho, TX. Cai Lậy và TX. Gò Công (nay là TP. Gò Công) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” được triển khai sâu rộng, với sự tham gia tích cực của người dân trong giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa đô thị được quan tâm, nhiều khu dân cư văn hóa, tuyến phố văn minh được duy trì, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo bộ mặt đô thị của tỉnh Tiền Giang ngày càng khang trang, hiện đại.
Hệ thống hạ tầng nông thôn đã có sự thay đổi rõ nét. Những con đường đất lầy lội vào mùa mưa giờ chỉ còn trong ký ức. Gần 4.200 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhựa hóa bảo đảm cho xe ô tô lưu thông quanh năm.
Trên 420 cây cầu nông thôn được xây dựng kiên cố, nối liền các tuyến giao thông liên ấp, liên xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, sản xuất và đi lại của người dân. Điện lưới quốc gia phủ khắp 100% hộ dân nông thôn, trong đó nhiều hộ còn được hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện mặt trời phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu.
Không chỉ giao thông, các thiết chế y tế, giáo dục, văn hóa cũng được đầu tư đồng bộ. Toàn tỉnh có 87,2% trường học đạt chuẩn quốc gia; trạm y tế xã đều có bác sĩ làm việc, tỷ lệ giường bệnh đạt 24 giường/vạn dân.
Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,5%, tăng 5,1% so với năm 2020. Mỗi xã đều có nhà văn hóa, sân thể thao phục vụ sinh hoạt cộng đồng; nhiều nơi tổ chức tốt các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn.
Cảnh quan môi trường nông thôn cũng có bước chuyển biến rõ rệt. Các xã đều chú trọng phong trào xây dựng môi trường “Xanh - sạch - đẹp”; vận động người dân trồng hoa 2 bên đường, giữ gìn vệ sinh, không xả rác bừa bãi.
Các địa phượng đã đầu tư hệ thống thu gom rác thải, xử lý nước thải ở hầu hết các xã đạt chuẩn NTM. Người dân đã tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương để từng bước đổi mới bộ mặt nông thôn. Qua đó, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt trên 95%.
Ông Đặng Đức Toàn (ấp 2, xã NTM kiểu mẫu Tam Hiệp, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Tôi ý thức rằng, xây dựng NTM là việc không chỉ của UBND xã, mà là việc làm thường xuyên mỗi ngày của mỗi người và mỗi nhà. Tôi đã vận động các thành viên trong gia đình trồng hoa, quét dọn để đường ấp luôn xanh - sạch - đẹp”.
KHI NGƯỜI DÂN LÀ CHỦ THỂ
Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM được đẩy mạnh đã nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng NTM. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã tổ chức gần 1 triệu cuộc tuyên truyền, với hơn 25 triệu lượt người tham dự, góp phần tạo nên phong trào tham gia xây dựng NTM rộng khắp.
Qua đó, người dân đã phát huy vai trò chủ thể, tham gia từ khâu lập kế hoạch đến giám sát thực hiện và tích cực đóng góp sức người, sức của với hàng chục ngàn ngày công lao động và 3 triệu m2 đất được người dân hiến tặng để mở rộng đường, xây dựng cầu, nhà văn hóa và trường học.
Nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.
Người dân đã thể hiện vai trò vừa là chủ thể thụ hưởng thành quả NTM, vừa là chủ thể tham gia xây dựng NTM như tuyến đường liên ấp ở tổ 13, ấp Thới Bình, xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho được người dân đóng góp xây dựng khang trang.
Ông Nguyễn Văn Thạnh (ấp Thới Bình) cho biết: “Trước đây, đường trước nhà tôi hẹp lắm, đi lại khó khăn. Nghe xã làm đường mới, tôi tự nguyện hiến 100 m2 đất; bởi tôi nghĩ Nhà nước làm đường ra cũng phục vụ người dân mình chứ ai”.
Bên cạnh đó, người dân còn cho thấy vai trò chủ thể trong phát triển kinh tế thông qua các giải pháp phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả để nâng cao thu nhập.
Người dân còn tích cực và mạnh dạn phát triển các mô hình phát triển kinh tế mới mang lại hiệu quả cao như mô hình “Ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi gà đẻ trứng” với quy mô 80.000 con tại Cơ sở chăn nuôi gà của ông Lê Văn Hưng (ấp Hòa Phú, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo).
Mô hình áp dụng quy trình nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAHP, ứng dụng hệ thống nuôi gà trong chuồng lạnh, được thiết kế với đầy đủ trang thiết bị trong chăn nuôi công nghiệp hiện đại.
Chuồng nuôi được thiết kế có hệ thống máng ăn, uống tự động và hệ thống làm lạnh, nuôi khép kín, từ khâu chăm sóc đến sinh sản. Ngoài ra, việc áp dụng cơ giới hóa trong xử lý chất thải chăn nuôi đã tạo ra nguồn phân bón hữu cơ đã qua xử lý (sấy khô bằng hệ thống máy), được thị trường ưa chuộng.
Theo ông Lê Văn Hưng, mô hình đem lại lợi nhuận hơn 16,1 tỷ đồng/năm, cao hơn so với ngoài mô hình 3,4 tỷ đồng/năm (tương đương 21,4%), tiết kiệm chi phí lao động gần 1,3 tỷ đồng/năm, năng suất trứng gà tăng khoảng 10%.
Cùng với đó, tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều mô hình liên kết phát triển kinh tế nông thôn nổi bật, mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu là mô hình “Cánh đồng lớn” với sự tham gia của hơn 34.200 hộ dân, triển khai trên tổng diện tích hơn 31.589 ha, giúp đồng bộ khâu sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ lúa theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm.
Song song đó, các mô hình trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được đẩy mạnh tại các huyện Cai Lậy, Châu Thành và Chợ Gạo, với các loại cây chủ lực như sầu riêng (trên 21.800 ha), vú sữa, xoài cát Hòa Lộc, thanh long, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững.
Sản phẩm nông thôn ngày càng được nâng chất với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có sự tăng trưởng vượt bậc từ 28 sản phẩm năm 2020 lên 350 sản phẩm vào năm 2024 (trong đó có 248 sản phẩm đạt 3 sao, 70 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm được công nhận 5 sao).
Các sản phẩm OCOP tập trung ở nhóm thực phẩm chế biến, trái cây đặc sản, đồ thủ công mỹ nghệ. Chương trình OCOP góp phần nâng cao giá trị nông sản, tạo việc làm ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Qua đó, đời sống người dân nông thôn có sự chuyển mình mạnh mẽ. Cụ thể, từ mức thu nhập bình quân 18,7 triệu đồng/người/năm vào năm 2010, đến năm 2024 con số này đã tăng lên 76,4 triệu đồng/người/năm (gấp hơn 4 lần), nằm trong nhóm cao ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh còn 0,79%; đời sống của người dân nông thôn thay đổi rõ rệt.
C.THẮNG
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/kinh-te/202505/tien-giang-nong-thon-vuon-minh-doi-moi-1041696/