Xã Cần Đăng 'thay da đổi thịt'

Xã Cần Đăng 'thay da đổi thịt'
5 giờ trướcBài gốc
Diện mạo nông thôn xã Cần Đăng nhiều khởi sắc
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Cần Đăng là vùng nông thôn được xem là vành đai quan trọng của địch, đây cũng là nơi Văn phòng Huyện ủy từng trú đóng, thường diễn ra giao tranh quyết liệt giữa địch và ta. Sau ngày thống nhất đất nước, dù bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng với truyền thống cách mạng anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã nỗ lực vượt qua khó khăn, “một lòng, chung sức” xây dựng quê hương từng bước phát triển.
Sau khi được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017, Cần Đăng tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn năm 2021. “Thành quả đó đến từ sự đồng lòng, đoàn kết phấn đấu của cả hệ thống chính trị, Nhân dân trong xã, tạo động lực để địa phương tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân” - Bí thư Đảng ủy xã Cần Đăng Lê Hồ Ngọc Trung chia sẻ.
Kinh tế phát triển tạo tiền đề để địa phương thực hiện tốt việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là công trình phúc lợi công cộng phục vụ người dân. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng thụ”, xã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động sức dân tham gia bằng nhiều hình thức.
“Bây giờ, diện mạo nông thôn thay đổi hơn trước nhiều lắm. Điện, đường, trường, trạm được Nhà nước quan tâm đầu tư. Người dân tích cực trồng hoa, làm hàng rào, phát quang, vệ sinh môi trường, đóng góp kinh phí lắp đèn đường. Không chỉ tích cực phát triển kinh tế gia đình, chúng tôi còn tham gia hoạt động an sinh xã hội, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển” - ông Đỗ Văn Thuận (ngụ ấp Cần Thạnh) vui mừng chia sẻ.
Công tác “đền ơn đáp nghĩa”, an sinh xã hội luôn được chính quyền địa phương quan tâm; thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng và đúng chế độ. Toàn xã có gần 130 gia đình chính sách được hưởng trợ cấp. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, chính quyền xã tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách. Ban, ngành, đoàn thể chủ động nắm bắt tình hình đời sống của các hộ dân gặp khó khăn, kịp thời tham mưu, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Công tác vận động Quỹ Vì người nghèo và Quỹ An sinh xã hội ngày càng lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Qua đó, hỗ trợ khó khăn đột xuất, tặng quà hộ nghèo, cận nghèo; sửa chữa, cất nhà Đại đoàn kết; trợ giúp học sinh; khám bệnh, phát thuốc cho người dân; sửa chữa, nâng cấp cầu, đường nông thôn. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 1,26% (57/4.540 hộ), hộ cận nghèo 2,2% (100 hộ).
Theo con đường vừa mới láng nhựa rộng rãi, phẳng phiu, chúng tôi đến ấp Cần Thới – người dân thường gọi là “ấp cách mạng” trong chiến tranh. Ông Lư Thanh Hùng (thương binh 21%) cho biết: "Do là căn cứ cách mạng nên địch càn quét rất ác liệt. Sau chiến tranh, vùng đất này trở nên hoang tàn. Với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhân dân, không chỉ ấp Cần Thới, mà các ấp khác trong xã cũng thay đổi rất nhiều. Những con đường thẳng tắp, ngôi nhà mới khang trang mọc lên, công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố... minh chứng cho sự thay đổi diện mạo của một vùng quê nghèo khó, từng bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh ngày nào".
Bí thư Đảng ủy xã Cần Đăng Lê Hồ Ngọc Trung thông tin thêm: "Phát huy truyền thống cách mạng, xã Cần Đăng tiếp tục thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Đồng thời, huy động tốt nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với phát triển đô thị đồng bộ; huy động sức dân tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, hỗ trợ người nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn".
KHÁNH MY
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/xa-can-dang-thay-da-doi-thit--a420223.html