Tỉnh Tiền Giang triển khai đề án.
Thực hiện Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 2/11/2023 của Thủ tướng Chính Phủ, tỉnh Tiền Giang đã đăng ký diện tích thực hiện đề án đến năm 2030 là 29.500ha và triển khai tại 7 huyện, thị, thành của tỉnh gồm: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Cai Lậy và thành phố Gò Công.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, để triển khai đề án hiệu quả, Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Đề án và phối hợp với Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đề xuất danh mục đầu tư “Dự án Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho sản xuất lúa các bon thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vay vốn WB, tỉnh Tiền Giang” trên cơ sở nguồn vốn đã được phân bổ.
Tổng nguồn vốn đề xuất cho toàn dự án trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hơn 481 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức 48 lớp đào tạo, tập huấn với 1.440 người tham dự với các nội dung: Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; quy trình quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn; sản xuất lúa 1 phải 5 giảm, ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ…
Tỉnh Tiền Giang còn triển khai thực hiện 3 mô hình “Thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” trong vụ đông xuân 2024-2025, với diện tích 60ha tại xã Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè), xã Bình Tân (huyện Gò Công Tây) và xã Phước Trung (huyện Gò Công Đông).
Máy móc hiện đại được đưa vào áp dụng tại đề án.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, tỉnh Tiền Giang là một trong các tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp khoảng 190.000ha. Trong đó, diện tích đất trồng lúa trên 54.000ha (chiếm 28,7% diện tích).
Đồng chí Phạm Văn Trọng yêu cầu toàn ngành nông nghiệp tập trung rà soát, củng cố, kiện toàn diện tích thuộc Dự án VnSAT để triển khai trong vụ đông xuân năm 2024-2025, các diện tích đủ tiêu chí để mở rộng từ năm 2025 đến 2030.
Ngành nông nghiệp tăng cường áp dụng các gói kỹ thuật về canh tác lúa bảo đảm sản xuất bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; quy trình xử lý rơm rạ, chuyển giao cho hộ nông dân, hợp tác xã. Đồng thời, ngành cần xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn, tổ chức lại sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và các tổ chức của nông dân.
NGUYỄN SỰ