Phó Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang Huỳnh Hữu Phúc trao Quyết định hưu trí cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Tại Tiền Giang, thời gian đầu triển khai chưa có sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu nên số người tham gia BHXH tự nguyện rất hạn chế. Cụ thể năm 2008 chỉ có 19 người tham gia và đến năm 2017 cũng chỉ có 3.318 người tham gia BHXH tự nguyện.
Ngày 20-11-2014, Quốc hội thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 đã mở rộng thêm quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có sự hỗ trợ của nhà nước, cụ thể:
- Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng lựa chọn thấp nhất theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn (hiện tại 1,5 triệu đồng), cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện tại 46,8 triệu đồng).
Trong đó, nhà nước hỗ trợ cho người thuộc hộ nghèo 30% mức đóng theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tương ứng 99.000 đồng/tháng; hỗ trợ cho người thuộc hộ cận nghèo 25% mức đóng theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tương ứng 82.500 đồng/tháng; hỗ trợ cho người thuộc đối tượng khác 10% mức đóng theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tương ứng 33.000 đồng/tháng (thời gian hỗ trợ tối đa không quá 120 tháng). Mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn do Chính phủ quy định qua từng thời kỳ, giai đoạn 2022 - 2025 là 1,5 triệu đồng theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021.
- Phương thức lựa chọn đóng được quy định linh hoạt, có thể lựa chọn đóng hằng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần; hoặc có thể đóng trước cho nhiều năm nhưng không quá 5 năm một lần (đóng theo phương thức này sẽ được hưởng lãi suất đầu tư Quỹ BHXH).
Đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng ngay lương hưu (chẳng hạn như tháng 2-2025 nộp tiền đóng BHXH tự nguyện một lần, tháng 3-2025 sẽ được nhận lương hưu).
Trong năm 2024, Tiền Giang đã có trên 30.700 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 3,3% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, BHXH tỉnh đã thực hiện tư vấn, vận động được 92 người đóng phương thức “một lần cho những năm còn thiếu” để hưởng ngay lương hưu (được cấp thẻ bảo hiểm y tế hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh), nâng số người được nhận lương hưu hằng tháng qua việc tham gia BHXH tự nguyện lên 771 người.
Kết quả trên cho thấy, chính sách BHXH tự nguyện đã thể hiện tính ưu việt, nhưng chưa dừng lại ở đó, Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2024 (Luật số 41/2024/QH15) được Quốc hội thông qua ngày 29-6-2024 (áp dụng từ ngày 1-7-2025) quy định rút ngắn thời gian tham gia BHXH xuống còn 15 năm để được hưởng hưu (thay vì 20 năm như hiện tại), người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng thêm chế độ thai sản (2 triệu đồng cho mỗi con)…
Tin rằng trong năm 2025, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tuyên truyền, vận động chính sách mới sẽ có nhiều người tham gia BHXH tự nguyện hơn nữa xem như là “của để dành” để khi hết tuổi lao động được hưởng lương hưu hằng tháng, tự chủ về tài chính không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
PHẠM VĂN HÒA