Đưa lực lượng công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã là một chủ trương lớn của Bộ Công an. Sau thời gian triển khai, lực lượng công an xã chính quy đã và đang phát huy thế mạnh về trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở trên tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”. Sau khi Bộ Công an thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, kết thúc hoạt động của công an cấp huyện lại khẳng định thêm một lần nữa hiệu quả mô hình công an xã chính quy.
Năm năm trước, khi Bộ Công an triển khai Đề án bố trí công an chính quy tại các xã, Thiếu tá Trương Văn Chương, cán bộ Công an huyện Bá Thước (Thanh Hóa), đã không ngần ngại viết đơn xung phong về xã Lũng Cao – một vùng đất đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Với diện tích 78 km², cách trung tâm TP Thanh Hóa hơn 100 km, Lũng Cao là xã rộng nhất huyện Bá Thước, nơi người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, sống dựa vào nương rẫy và làm thuê, cuộc sống bấp bênh, thiếu thốn.
Trục đường chính dẫn vào xã Lũng Cao (Bá Thước, Thanh Hóa)
Khi Thiếu tá Chương nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã, anh đối mặt với thực tế khắc nghiệt, không trụ sở riêng, chỉ có hai căn phòng nhỏ xíu mượn tạm cạnh cổng UBND xã, vừa làm nơi làm việc, vừa tiếp dân. Đường sá quanh co, dốc đá dựng đứng, nhiều thôn bản chưa có điện, không sóng điện thoại.
“Từ đầu xã đến cuối xã cách nhau 20 km, đi lại khó khăn, an ninh trật tự phức tạp. Người dân thường uống rượu, dẫn đến vi phạm giao thông, đánh nhau, gây rối. Nhiều trường hợp mâu thuẫn xong lại mổ lợn làm ‘vía’, rồi tiếp tục say xỉn, xin lỗi nhau, khiến tình trạng lạm dụng rượu ngày càng trầm trọng. Nhiều người còn rơi vào tình trạng "nát rượu" thường xuyên chửi bới, đánh đập vợ con, khiến gia đình tan vỡ.” – anh kể lại những ngày đầu đầy thử thách.
Không nản lòng, Thiếu tá Chương cùng 6 đồng đội quyết tâm thay đổi. Để gần dân, anh tham gia lớp học tiếng Thái do Công an tỉnh tổ chức, học cách hiểu phong tục, tập quán để trò chuyện chân tình với bà con. “Có lần xuống bản tuyên truyền về tác hại rượu bia, tôi bị người say chửi bới, dọa đánh. Lần khác, họ mời uống rượu, bảo không uống là không làm việc, đuổi về. Tôi phải khéo léo từ chối, giải thích để họ hiểu” – anh cười kể lại những tình huống gặp phải.
Thiếu tá Trương Văn Chương cùng lực lượng bảo đảm an ninh trật tự xuống địa bàn.
Ngày qua ngày, các chiến sỹ công an xã vẫn rong ruổi trên xe máy, thậm chí đi bộ hàng cây số vào các bản làng, vừa tuyên truyền, vừa xử lý nghiêm để răn đe, từ đó nhận thức của người dân địa phương được nâng cao.
“Đến nay, tỷ lệ tội phạm và vi phạm đã giảm đi rất nhiều, gần như không còn tai nạn giao thông; không còn tình trạng người say rượu đánh nhau, gây rối trật tự và đặc biệt xã đã “sạch” về tội phạm ma túy; những đối tượng là thanh, thiếu niên hư đều được quản lý nên đã tiến bộ rõ rệt…” – Thiếu tá Chương tự hào chia sẻ.
Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn xã Lũng Cao vẫn chiếm tới 50%, chỉ khi an ninh trật tự được bảo đảm thì mới có thể yên ổn phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đời sống.
Để hỗ trợ người dân, anh Chương lập nhóm Zalo kết nối toàn xã, cập nhật thông tin an ninh, cảnh báo lừa đảo, và công khai số điện thoại của mình cùng đồng đội. “Bà con có việc gì, từ mất trộm đến nghi ngờ lừa đảo, chỉ cần gọi là chúng tôi giải quyết ngay, bất kể ngày đêm” – anh nói.
Phòng họp giao ban hàng ngày rộng vài mét vuông cũng là nơi tiếp dân của Công an xã Lũng Cao.
Công an xã Lũng Cao cũng đã phối hợp với các đơn vị thực hiện xã hội hóa lắp hàng chục camera như những “mắt thần” phủ sóng toàn bộ các khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, điểm đen về tai nạn giao thông, qua đó, bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực.
“Camera phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được lắp đặt tại những địa điểm đã khảo sát trước như ngã ba, ngã tư, nơi tập trung đông người. Từ đó, qua hệ thống camera có thể kiểm tra và xử lý các tình huống một cách nhanh nhất” – Thiếu tá Chương thông tin.
Camera "phủ sóng" khắp địa bàn xã Lũng Cao như những mắt thần giúp bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Bên cạnh đó, khi xảy ra vụ trộm cắp tài sản thì công an xã có thể kiểm tra camera qua màn hình tivi được lắp đặt tại trụ sở và nắm được ngay. Điều này cũng khiến những đối tượng đang có ý định phạm tội khi thấy có camera giám sát sẽ e dè hơn.
“Tối có khi người dân để xe ngoài đường cũng không ai lấy, đây là một sự thành công từ khi lực lượng công an chính quy về xã” – Thiếu tá Chương chia sẻ về sự khởi sắc trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương.
Không chỉ phát huy vai trò trong bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an xã Lũng Cao còn đảm nhiệm nhiều công việc khác như triển khai thu nhận căn cước công dân hay kích hoạt tài khoản định danh điện tử đến tận địa bàn thôn, xóm.
“Việc tuyên truyền cho người dân biết về những lợi ích, ưu điểm như thực hiện các thủ tục trên môi trường điện tử (đăng ký xe, khai báo tạm trú, phản ánh an ninh trật tự…) sẽ giúp họ giảm được rất nhiều thời gian đi lại” – Thiếu tá Chương nói.
Công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm được triển khai đến từng người dân, đặc biệt là chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng đang nở rộ như hiện nay.
Ông Lương Văn Thuân – Chủ tịch UBND xã Lũng Cao cho biết, chủ trương đưa công an chính quy về xã của Bộ Công an đã góp phần rất lớn trong đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, bởi đây là lực lượng được đào tạo chính quy, bài bản về cả chuyên môn và nghiệp vụ nên việc xây dựng các chương trình, kế hoạch làm việc rất khoa học.
Theo ông Thuân, khi công an chính quy về xã cũng trùng với thời điểm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số, khi đó các cán bộ, chiến sĩ làm ngày đêm cùng các lực lượng như Đoàn Thanh niên vô cùng vất vả, đây cũng là đơn vị nòng cốt tham mưu cho tổ chuyển đổi số của xã, đến nay đã từng bước đưa vào khai thác rất hiệu quả.
Qua những nỗ lực, cố gắng, nay cả 11 thôn trên địa bàn xã Lũng Cao đều đạt chuẩn về an ninh trật tự.
Tại thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa), câu chuyện của lực lượng công an chính quy cũng đầy cảm hứng. Năm 2019, thực hiện Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, thị trấn, Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều động 3 cán bộ công an chính quy đầu tiên về đây. Đến năm 2025, sau khi công an huyện giải thể, Công an thị trấn Lang Chánh có 13 cán bộ, chiến sĩ, trở thành lực lượng nòng cốt giữ gìn an ninh.
Thực hiện Đề án 3822 ngày 18/9/2024 của Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa về xây dựng “xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy”, thị trấn Lang Chánh được lựa chọn là đơn vị làm triển khai làm điểm để về đích.
Thượng tá Hà Thanh Thủy – Trưởng Công an thị trấn Lang Chánh.
Thượng tá Hà Thanh Thủy – Trưởng Công an thị trấn Lang Chánh thông tin, qua công tác tổng rà soát trên địa bàn thị trấn có 14 đối tượng nghiện ma túy (8 người nghiện ngoài xã hội, 5 trong cơ sở cai nghiện và 1 đang bị tạm giam), 29 đối tượng có tiền án, tiền sự liên quan đến ma túy…
Nói về những khó khăn trong công tác phòng chống ma túy, Thiếu tá Phạm Ngọc Quý nguyên là Đội trưởng Đội trưởng Đội Hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường Công an huyện Lang Chánh, nay là Phó trưởng Công an thị trấn Lang Chánh cho hay, đối với các cán bộ trẻ từ miền xuôi lên ban đầu sẽ khó khăn trong công tác tiếp cận phong tục tập quán, lối sống của người dân nơi đây. Đặc biệt là công tác vận động đưa người đi cai nghiện cũng như quản lý và xác định số người nghiện.
“Ban đầu còn rất nhiều khó khăn, khi mình ngồi nói chuyện với người bình thường còn khó, thì người nghiện ma túy còn khó hơn gấp nhiều lần. Làm sao để họ quyết tâm cai nghiện, không chỉ trước mắt mà lâu dài, là câu hỏi lớn” – Thiếu tá Quý nói.
Với quyết tâm “vì một xã hội không ma túy”, Thiếu tá Quý cùng các cán bộ, chiến sĩ nỗ lực tiếp cận từng người nghiện, người sử dụng ma túy, người nghi nghiện, đối tượng quản lý sau cai nghiện và cả những người từng có quá khứ phạm pháp hình sự liên quan đến ma túy, thanh thiếu niên trong độ tuổi dễ có nguy cơ cao về ma túy, để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, cũng như giúp họ bước từ bóng tối ra ánh sáng.
Thiếu tá Phạm Ngọc Quý - Phó trưởng Công an thị trấn Lang Chánh.
Một trường hợp điển hình là anh H.Q.Đ. (sinh năm 1988), nghiện heroin 7-8 năm sau thời gian làm việc ở miền Nam. Gia đình đã thử mọi cách, từ nhốt trong phòng đến cách ly với bạn bè, nhưng không thành công. Thiếu tá Quý kiên trì đến nhà Đ, 2-3 lần mỗi tuần, vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn, trò chuyện với cả gia đình. Sau thời gian dài, bố mẹ anh Đ. viết đơn cho con đi cai nghiện tự nguyện. "Giờ anh ấy đã tránh xa được ma túy, có việc làm ổn định, chưa tái nghiện, gia đình cũng yên tâm hơn” – Thiếu tá Quý kể.
Nhờ sự tận tụy, an ninh tại Lang Chánh ngày càng ổn định. Năm 2024, chỉ có 2 tin báo liên quan trật tự xã hội; từ đầu 2025, chỉ xảy ra 1 vụ xô xát nhẹ do say rượu.
Không chỉ làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, công an cấp xã còn tiếp nhận nhiều nhiệm vụ mới. Do đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phải đảm nhiệm thêm nhiều công việc như cấp, đổi đăng ký xe, cấp căn cước... cho người dân trên địa bàn.
Người dân đến làm thủ tục đăng ký xe.
Trong căn phòng rộng 4-5 m2, Trung úy Lê Văn Hợp - cán bộ Công an thị trấn Lang Chánh đang miệt mài với công việc tiếp đón người dân làm thủ tục đăng ký xe. Anh nói, sau khi công an huyện giải thể, nhiệm vụ cấp đăng ký xe được chuyển về công an thị trấn, do đó đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, sẵn sàng phục vụ người dân tốt nhất.
Đến làm thủ tục, chị Nguyễn Thị Hạnh (trú tại thị trấn Lang Chánh) cho biết, việc công an thị trấn tiếp nhận triển khai làm thủ tục đăng ký xe đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương, đặc biệt là việc giảm thời gian đi lại.
"Khi khai hồ sơ, giấy tờ, các cán bộ hướng dẫn tôi rất nhiệt tình, chu đáo nên chỉ trong khoảng thời gian vài phút là có thể bấm biển số xe" - chị Hạnh chia sẻ.
Người dân đến làm các thủ tục cấp căn cước, định danh điện tử mức 2.
Kế bên khu vực làm thủ tục đăng ký xe, Công an thị trấn Lang Chánh bố trí 2 cán bộ tiếp nhận thủ tục cấp căn cước cho người dân. Mặc dù có những lúc người dân đến làm thủ tục đông nhưng không ai phải chờ đợi lâu.
Chị Phạm Thị Tính (trú tại thị trấn Lang Chánh) chia sẻ, khi được làm thủ tục cấp căn cước công dân ngay gần nhà bản thân chị cảm thấy rất thuận tiện. "Ở nhà tôi cứ nghĩ đến làm phải mất cả buổi chiều nhưng khi đến thật sự bất ngờ vì cán bộ công an hướng dẫn thực hiện các bước như lấy dấu vân tay, mống mắt, chụp ảnh... là có thể hoàn thành trong vài phút" - chị Tính vui mừng nói và bày tỏ cảm ơn tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ công an nơi đây.
Đến nay, trên địa bàn thị trấn Lang Chánh đã kích hoạt được 4.704 tài khoản định danh mức độ 2, số công dân đã cấp căn cước đạt trên 97%. Công tác giải quyết thủ tục thường trú trên 1.800 hồ sơ, trong đó đăng ký thường trú 1.000 hồ sơ, điều chỉnh thông tin cư trú 6.000 hồ sơ, xóa đăng ký thường trú 245 hồ sơ. Bên cạnh đó, việc xử lý thông tin hành chính qua cổng thông tin điện tử từ năm 2023 đến nay đạt 100%.
Với những thành tích đạt được, Công an thị trấn Lang Chánh là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ/đơn vị quyết thắng năm 2024, được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Cờ thi đua khối công an xã, thị trấn; giai đoạn 2020-2025 vinh dự nhận bằng khen của Bộ Công an, 10 giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa và Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh.
Từ việc giải quyết thủ tục hành chính đến đảm bảo an ninh trật tự, công an xã đang trở thành biểu tượng của sự gần gũi, tận tụy, tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống “vì dân phục vụ”.
"Đừng xem nhẹ việc mất trộm con gà"
Nói về công tác tinh gọn bộ máy, kết thúc hoạt động công an cấp huyện, Đại tá Dương Văn Tiến – Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ nhiều năm nay, công an tỉnh luôn xác định rõ tới từng cán bộ, chiến sĩ rằng “tất cả mọi việc đều nằm ở dưới xã”. Ông kể câu chuyện thực tế, khi mất một con gà, bản thân ông chỉ cần hỏi trên nhóm phòng chống tội phạm là đã rõ đối tượng chưa? Nếu chưa rõ thì sẽ trực tiếp chỉ đạo xuống tận công an cơ sở và tất cả cơ quan điều tra phải vào cuộc”.
Theo Đại tá Tiến, hiện nay điều tra viên đã xuống tới xã để phân loại vụ việc ngay từ ban đầu và có sự chỉ đạo “thông tuyến” từ công an tỉnh. “Mặc dù không còn tổ chức công an cấp huyện nhưng tuyến xã không đơn độc và sự không đơn độc này được Công an tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị nhiều năm nay” - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.
Lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm, lâu nay, xã có gì thì nhìn lên huyện, nay không còn huyện thì nhìn ai?. Do đó, với tình hình hiện nay không còn con đường nào khác là trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ phải nâng lên, trình độ phải nâng lên, tính đồng bộ phải nâng lên và không được xem việc gì là nhỏ.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện đơn vị có 547 công an cấp xã (63 phường, 32 thị trấn, 452 xã) và là đơn vị có số đầu mối cấp xã đông nhất cả nước. Tình hình tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2024 giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2023, kết quả điều tra khám phá án đạt tỷ lệ cao (83,19%); không có tội phạm hoạt động “lộng hành”, hoạt động kiểu xã hội đen.
Nội dung: Nhóm phóng viên Thời sự | Ảnh: Thanh Hà | Đồ họa: Kiều Tú