Không để việc sáp nhập làm chậm đầu tư công

Không để việc sáp nhập làm chậm đầu tư công
4 giờ trướcBài gốc
Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ
Đặc biệt, trong bối cảnh tỉnh đang chuẩn bị sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính theo hướng sáp nhập, tinh gọn, việc đảm bảo tiến độ đầu tư công không bị ảnh hưởng lại càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Theo báo cáo từ UBND tỉnh Quảng Nam, GRDP quý I/2025 của tỉnh tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng trưởng đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công lại đang “giậm chân tại chỗ”. Tính đến ngày 28/3/2025, toàn tỉnh mới giải ngân được 543,187 tỷ đồng trên tổng vốn kế hoạch hơn 8.311 tỷ đồng, tương đương chỉ đạt 6,5% - thấp hơn mức 9,8% cùng kỳ năm 2024 và cũng thấp hơn bình quân cả nước.
Nguyên nhân được chỉ ra khá rõ ràng, trong đó nổi cộm là các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đại diện Sở Tài chính Quảng Nam nhận định, đây vẫn là “điểm nghẽn” lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công các dự án. Nhiều địa phương còn lúng túng trong khâu triển khai thực hiện, chỉ đạo thiếu sâu sát, chưa thường xuyên. Cùng với đó là tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát và đất san lấp, vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Việc cấp phép mỏ vật liệu mới đang gặp khó khăn do bất cập trong quá trình đấu giá, kéo theo thủ tục bị kéo dài. Không ít dự án lớn, trọng điểm vẫn chưa có nguồn vật liệu ổn định, gây ách tắc tiến độ. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chủ đầu tư chưa hiệu quả, khiến nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện và tinh gọn bộ máy tổ chức đã bắt đầu tạo ra tâm lý e ngại trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Không ít người tỏ ra chần chừ trong việc xử lý công việc, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư công do lo ngại sẽ có thay đổi về chủ đầu tư, trách nhiệm thanh toán hoặc chuyển giao công việc. Một số nhà thầu thậm chí còn dè dặt khi triển khai thi công, lo lắng việc điều chỉnh bộ máy sẽ ảnh hưởng đến quá trình nghiệm thu, thanh toán...
Tuyến đường ven biển, một trong những dự án đầu tư công quan trọng ở Quảng Nam
Quyết liệt hơn trong chỉ đạo, tăng tốc giải ngân
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Quảng Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm trong quý II là đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh, tăng tốc giải ngân đầu tư công, đồng thời tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu ra, tạo động lực cho phục hồi kinh tế. Đặc biệt, công tác rà soát quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư công lớn và các chương trình mục tiêu quốc gia được ưu tiên hàng đầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhấn mạnh: “Tỉnh phấn đấu GRDP năm 2025 đạt mức tăng trưởng 10%. Vì vậy, trong thời gian tới phải tăng tốc thực hiện các mục tiêu đã đề ra, trong đó có giải ngân đầu tư công – nhiệm vụ then chốt trong việc phát triển kinh tế”.
Theo đó, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng lãnh đạo phụ trách nhóm dự án; công chức, viên chức được cử bám sát tiến độ từng công trình. Việc rà soát tiến độ giải ngân được tổ chức thường xuyên hơn, nhằm đánh giá sát tình hình, điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời đối với những dự án chậm, đồng thời điều chuyển vốn sang các dự án có nhu cầu thực sự.
Tỉnh cũng thành lập nhiều Tổ công tác chuyên trách để kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Những trường hợp không hoàn thành kế hoạch sẽ bị kiểm điểm, xử lý nghiêm túc, gắn kết quả thực hiện với đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương “tập trung mọi nguồn lực, tháo gỡ dứt điểm các khó khăn” để giải ngân tối đa vốn đầu tư công trong năm 2025. Đặc biệt, ngành chức năng được chỉ đạo phải tiến hành rà soát, phân loại toàn bộ các công trình đang bị chậm, nêu rõ nguồn vốn, chủ đầu tư, tiến độ triển khai và lý do chậm trễ. Đối với những dự án không còn phù hợp, hiệu quả thấp, có thể đề xuất dừng, kết thúc và quyết toán theo quy định.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cũng đã có chỉ đạo mạnh mẽ về vấn đề này. Ông yêu cầu xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, đặc biệt là các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời nhấn mạnh: “Không để việc sáp nhập bộ máy hành chính trở thành lý do làm chậm trễ tiến độ công việc. Nếu cán bộ không đủ tinh thần, trách nhiệm thì rất khó tồn tại trong bộ máy mới”. Ông Triết đồng thời yêu cầu chấm dứt tình trạng “né tránh, đùn đẩy trách nhiệm”, khẳng định rõ các cấp, các ngành cần chủ động vào cuộc để thúc đẩy tiến độ các dự án. Việc xử lý nghiêm những trường hợp thiếu trách nhiệm, trì trệ được xem là yếu tố then chốt để lập lại kỷ cương trong quản lý đầu tư công.
Về lâu dài, Quảng Nam cũng xác định nhiệm vụ quan trọng là ổn định tâm lý cho đội ngũ cán bộ trong giai đoạn chuẩn bị sáp nhập bộ máy. Công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng được đẩy mạnh để đảm bảo đội ngũ công chức, viên chức yên tâm công tác, không bị ảnh hưởng bởi những biến động tổ chức. “Dù chỉ còn một ngày hay một giờ, cũng phải nỗ lực hết mình vì lợi ích người dân, doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của tỉnh”, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định.
Nghi Lộc
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/khong-de-viec-sap-nhap-lam-cham-dau-tu-cong-163236.html