Tiền triều Lê sơ (1428 - 1527) - Kỳ V: Tiền đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497)

Tiền triều Lê sơ (1428 - 1527) - Kỳ V: Tiền đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497)
12 giờ trướcBài gốc
Kỳ V: Tiền đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497)
Chỉ sau 8 tháng tại vị, Lê Nghi Dân đã bị một số quan đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt… phế truất, rồi lập người con thứ tư của Thái Tông là Tư Thành lên ngôi (tức vua Lê Thánh Tông). Vua Lê Thánh Tông ở ngôi 38 năm, đặt hai niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469) và Hồng Đức (1470 - 1497).
Là vị vua nổi tiếng minh triết, vua Lê Thánh Tông rất coi trọng tác dụng của tiền tệ trong xã hội và cấm kén tiền. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Bính Ngọ, Hồng Đức năm thứ 17 [1486]… Tháng 5, ngày mồng 1, cấm kén tiền. Sắc chỉ ghi rằng: Việc dùng tiền, quý ở chỗ trên dưới lưu thông, chứa ở kho tàng thì quý ở chỗ để lâu không hỏng”.
a. Tiền Quang Thuận thông bảo 光順通寳
Trong 10 năm sử dụng niên hiệu Quang Thuận, năm nào vua Lê Thánh Tông cũng cho đúc tiền Quang Thuận thông bảo.
Tiền đúc bằng đồng. Mặt tiền đúc nổi 4 chữ “Quang Thuận thông bảo”-光順通寳 theo kiểu Chân thư, đọc chéo. Chữ trên tiền rất tinh xảo, nổi rõ ràng. Lưng tiền để trơn. Tiền đẹp và khác nhau về thư pháp. Đường kính từ 24-24,6mm, dày 1,2-2,3mm, nặng 3,2-5,9gr
- Tiền Quang Thuận thông bảo 光順通寳: Biên tiền to, nét chữ nông, khổ chữ vừa phải. Hiện nay, tiền này tìm thấy khá nhiều.
Ảnh 1.6.8. Tiền Quang Thuận thông bảo 光順通寳, kiểu Chân thư - Biên tiền to, lưng tiền trơn, đk 24 - 24,4 mm
- Tiền Quang Thuận thông bảo 光順通寳: Biên tiền nhỏ, nét sâu, chữ ngay thẳng, cân xứng. Khổ chữ to. Tiền này phát hiện được không nhiều.
Ảnh 1.6.9. Tiền Quang Thuận thông bảo 光順通寳, kiểu Chân thư - Biên tiền nhỏ, lưng tiền trơn, đk 24 - 24,4mm
Ảnh 1.6.10. Tiền Quang Thuận thông bảo 光順通寳, kiểu chữ Hoa áp - Lưng tiền trơn, đk 24,6mm
b. Tiền Hồng Đức thông bảo 洪德通寳
Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đổi niên hiệu Hồng Đức và cho đúc tiền Hồng Đức thông bảo.
Tiền đúc bằng đồng. Mặt tiền đúc nổi 4 chữ “Hồng Đức thông bảo”- 洪德通寳 theo kiểu chữ Hoa áp, đọc chéo. Khổ chữ nhỏ, nét chữ mảnh, rõ ràng, có loại khổ chữ lớn, nét chữ đậm. Lưng tiền để trơn. Biên tiền trước và sau đều rộng và nổi rõ.
Tiền Hồng Đức thông bảo 洪德通寳 được đúc nhiều lần và mỗi lần đúc đều có số lượng lớn. Đường kính 24 - 25,1mm, dày 1,2 - 2mm, nặng 3,4 - 4,6gr.
Ảnh 1.6.11.Tiền Hồng Đức thông bảo 洪德通寳, kiểu chữ Hoa áp, lưng tiền trơn, đường kính 24-25,1mm
Có thể nói, từ năm 1460, Lê Thánh Tông lên ngôi cho đến năm 1527 khi Lê Cung Hoàng bị phế nằm trong giai đoạn giữa của thời Lê sơ, đó là thời kỳ xã hội phong kiến nước ta đạt tới sự toàn thịnh. Chính trị ổn định, kinh tế phồn vinh, theo đó, việc đúc tiền cũng bước vào giai đoạn thịnh đạt và tiền giai đoạn này có vai trò quan trọng trong lưu thông.
Đón đọc Kỳ VI: Tiền đời vua Lê Hiến Tông (1498 - 1504
Nguồn: Tác phẩm: ''Lịch sử đồng tiền Việt Nam'' của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Biên tập: Mạnh - Thắng | Đồ họa: Văn Lâm
LamTV
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/tien-trieu-le-so-1428-1527-ky-v-tien-doi-vua-le-thanh-tong-1460-1497-167369.html