Tiếng lòng từ thầy của những... người thầy

Tiếng lòng từ thầy của những... người thầy
3 giờ trướcBài gốc
Nhà giáo Ưu tú Ðàm Thị Ngọc Thơ dù đã nghỉ hưu vẫn theo dõi các sự kiện của ngành giáo dục Cà Mau.
Nhà giáo Ưu tú Ðàm Thị Ngọc Thơ, nguyên Hiệu trưởng Trường PTTH Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau), tâm sự: “Thời tôi học, những trường nội trú học sinh miền Nam có một điều đặc biệt là học sinh được rèn luyện, đào tạo kỹ lưỡng, được các thầy cô rèn luyện từ tư cách đạo đức, tác phong nghiêm chỉnh đến lý tưởng phấn đấu, nếp sống, tổ chức kỷ luật. Khi còi vang lên là phải thể dục, phải đến nhà ăn... Tất cả phải tuân thủ nghiêm túc. Thậm chí, nếp gấp của mùng mền, khăn rửa mặt phải đều tăm tắp như nhau, những đôi dép phải để thẳng hàng. Môi trường này đã rèn cho chúng tôi tri thức, kỹ thuật, khoa học, lao động, thể dục... các mặt hoạt động đều sâu sắc. Tôi lấy ví dụ chuyện tập thể dục, chúng tôi phải chạy xa nhiều cây số, nhảy cao, nhảy xa, đi cầu thăng bằng, tập xà đơn... đổ mồ hôi mới qua được môn. Chúng tôi còn phải học nhạc, học múa, xuống ruộng cày cấy cùng người dân... Nghĩa là, chúng tôi được giáo dục thành một con người toàn diện. Học trò được tắm mình trong tất cả các lĩnh vực”.
Từ đòn bẩy và điểm tựa này giúp cô Thơ trưởng thành, phát triển toàn diện, cũng như hỗ trợ cô sau này làm công tác quản lý giáo dục với kinh nghiệm vững vàng. "Thời gian làm công tác quản lý tại Trường PTTH Hồ Thị Kỷ, tôi vận dụng những nền nếp kỷ luật mà mình được học vào việc sắp xếp, tổ chức giờ giấc, kỷ luật dạy và học của thầy lẫn trò, cũng như giám sát các mặt hoạt động của nhà trường sao cho có chất lượng thực tế", cô Thơ chia sẻ.
Cô Thơ bảo, cứ gần kề ngày 20/11 là cô lại mong mỏi nghe tiếng học sinh ríu rít trong ngày lễ, được nhìn những chiếc áo dài trắng thướt tha, được ngắm những khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của các thầy, cô giáo khi nhìn từng lứa học trò trưởng thành hơn. Cô Thơ không giấu mong mỏi đối với những học trò tiếp nối sự nghiệp gõ đầu trẻ của mình: “Trường tôi có nhiều học trò học ngành sư phạm và quay lại làm giáo viên, quản lý trong ngành giáo dục, như cô Phan Thị Thu Hà, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ; cô Phạm Thanh Vân, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển và nhiều thầy cô dạy Toán, Văn... Tôi vui vì tình yêu nghề giáo đã phần nào truyền cho các học trò của mình. Ðiều mong muốn nhất của tôi đối với các thầy, cô giáo là đạo đức phải trong sáng, phải cảm nhận được nghề nghiệp của mình một cách đúng đắn và trung thực. Các giáo viên cần không ngừng cố gắng rèn luyện chuyên môn mới trao gửi đến học sinh những kiến thức chính xác, để các em làm điểm tựa bước lên đại học hay trường đời thật vững vàng”.
Một hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam ở Trường THPT Hồ Thị Kỷ. (Ảnh do trường cung cấp)
Cũng làm công việc truyền tri thức, gieo yêu thương, Nhà giáo Ưu tú Ðoàn Thị Bẩy, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo, đã để lại cho bao thế hệ học sinh Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển nền nếp ngoan ngoãn, lễ phép, một tinh thần học hỏi không ngừng và nối tiếp bề dày thành tích trong học tập và rèn luyện, đặc biệt là qua các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp. Các em khi trưởng thành từ mái trường này đã phát triển rất tốt ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ở khắp mọi nơi. Cô Bẩy vui vì đến nay ngôi trường này dù thay đổi nhiều nhưng thầy, cô giáo và học sinh vẫn phát huy tốt truyền thống của nhà trường, vẫn vẹn nguyên giá trị của “Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín”, là nơi mà học sinh và phụ huynh đặt niềm tin về chất lượng giáo dục.
Rời xa công tác giáo dục nhưng nỗi trăn trở với nghề, với thế hệ nối tiếp của Nhà giáo Ưu tú Ðoàn Thị Bẩy vẫn cứ đau đáu.
Từng là quản lý của ngành giáo dục tỉnh nhà, Nhà giáo Ưu tú Ðoàn Thị Bẩy vui và tự hào về sự đổi thay, phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh về mọi mặt. Theo cô, đó là sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở vật chất, về quy mô trường lớp, về số lượng, chất lượng đội ngũ quản lý, giáo viên, về chất lượng giáo dục... Hiện nay, ngành giáo dục đổi mới căn bản và toàn diện, mục tiêu giáo dục có những thay đổi phù hợp với thời đại, từ đó dẫn đến nội dung chương trình, phương pháp dạy học... cũng phải thay đổi. Trước kia, mục tiêu giáo dục là đào tạo những con người có kỹ năng, tri thức, đạo đức, sức khỏe, thẩm mỹ, có tình yêu đất nước, dân tộc, đồng thời đáp ứng được công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, vẫn trên tinh thần đó, nhưng mỗi cá nhân người học phải phát huy khả năng sáng tạo cao độ để đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển hội nhập quốc tế. Ðiều đó đặt ra cho mỗi nhà trường, mỗi giáo viên trách nhiệm nặng nề hơn.
Cô Bẩy chia sẻ: “Trách nhiệm của những người làm giáo dục mỗi thời đều phải đáp ứng một mục tiêu, yêu cầu của ngành giáo dục và xã hội đề ra. Ngày nay, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thầy cô giáo phải đối mặt với những khó khăn và thách thức lớn. Nhiều vấn đề xã hội tác động đến học sinh, đến giáo dục; cũng có những yêu cầu, sự hợp tác của phụ huynh, của học sinh đối với nhà trường, với thầy cô giáo có lúc, có nơi cũng còn bất cập. Nhưng dù khó khăn đến đâu thì vẫn phải vượt lên. Nhìn các thầy cô giáo hằng ngày vẫn không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, về phẩm chất, năng lực; họ mang đến cho học sinh nguồn cảm hứng học tập bằng trái tim yêu thương, chắt chiu từng sự cố gắng của học sinh... cô rất cảm động”.
Tuy đã nghỉ hưu nhưng nỗi trăn trở với nghề, với thế hệ nối tiếp ở cô Ðoàn Thị Bẩy vẫn cứ đau đáu. Cô bảo mình nghĩ nhiều, đọc nhiều và quan sát nhiều, từ cách dạy học đến những thay đổi trong giáo dục tại địa phương. Ðiều cô mong mỏi nhất là mỗi nhà trường phải làm sao để mỗi học sinh đặt chân đến trường cảm thấy vui, hào hứng, coi mái trường là ngôi nhà yêu thương của chính mình. Cô bảo: “Phải xây dựng một môi trường đúng nghĩa là trường học hạnh phúc. Vì nếu học sinh đến trường mà cảm giác bị ép buộc, không thoải mái về một điều gì đó, chắc chắn các em không thể học tập được tốt. Tất nhiên, để xây dựng được môi trường như vậy thì mỗi thầy cô phải là tấm gương sáng cho học trò; đồng thời, rất cần sự vào cuộc, chung tay góp sức của tất cả mọi người, mọi nhà, của nhà trường, của gia đình và xã hội”.
Nỗi trăn trở từ "thầy của những người thầy" như tiếng vọng cho những người đã và đang thực hiện công việc gieo mầm tri thức phải nỗ lực hơn, tu dưỡng bản thân và trau dồi nhiều hơn nữa chuyên môn, nghiệp vụ. Ðặc biệt, cái tâm phải sáng mới vững tay chèo cho những chuyến đò tri thức vượt sóng, vượt thác, thành công cập bến bờ./.
Lam Khánh
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/tieng-long-tu-thay-cua-nhung-nguoi-thay-a35683.html