Anh Nguyễn Đăng Tiến, giáo viên trung tâm dạy nghề và đào tạo sát hạch lái xe, trường Đại học PCCC Bộ công an có 18 năm gắn bó với nghề dạy lái. Anh đến với nghề xuất phát từ đam mê lái xe rồi dần yêu nghề sau những trải nghiệm của bản thân.
Anh Nguyễn Đăng Tiến (áo đỏ), giáo viên trung tâm dạy nghề và đào tạo sát hạch lái xe, trường đại học PCCC Bộ công an
Bi hài chuyện nghề dạy lái ô tô
Mỗi tháng anh Tiến đào tạo trung bình từ 20 - 25 học viên. Mặc dù với nhiều năm kinh nghiệm và luôn tự tin với phản xạ nhanh nhạy, khả năng phán đoán tình huống nhưng anh Tiến từng không ít lần phải đối diện với những tình huống bi hài.
“Tôi nhớ nhất có hai chị học viên. 1 chị gần 50 tuổi đi học với cô em cùng cơ quan tầm 30 tuổi. Cô chị thường xuyên “đùn đẩy” cho cô em lái trước, còn mình thì ngồi sau hỏi đi hỏi lại những kiến thức tôi đã dạy, nào là đoạn này đánh lái thế nào, chỗ kia vào chuồng ra sao. Cô em đang lái xe cũng phải bực mình vì bị chị làm mất tập trung. Nhưng đến khi người chị đó lên ghế lái thì quát em không cho nói câu nào. Liên tục nhờ tôi phải theo dõi chị ấy lái vì sợ” – anh Tiến kể.
Anh Tiến cho biết, người chị này bị tâm lý đến mức cứ chạm vào vô lăng là run, thấy có xe vượt lên là giật mình tưởng như xe đó sắp đâm vào mình nên những lần thi thử trên sa hình hầu như chị đều trượt.
“Nhưng lạ lắm, đến ngày thi thật chị đó lại đỗ luôn. Lúc thi xong còn phải nhờ người cấu mình xem là thật hay mơ” – anh Tiến nói.
Theo anh, nhiều học viên nữ lái xe hay sợ nọ sợ kia, các thầy cũng phải lựa tâm lý từng người để động viên, khích lệ, để họ cảm thấy không có gì quá khó. Người thầy không được cáu mà phải nhẹ nhàng vì càng cáu người lái càng hoảng.
Thậm chí trong 18 năm đi dạy anh Tiến từng chứng kiến 1 vài trường hợp học được 1 – 2 buổi rồi sợ đến mức nhiều năm sau vẫn không dám đi thi.
Tiếng oan thầy dạy lái
Nhắc đến học lái xe nhiều người vẫn hay đùa nhau phụ nữ phải “đề phòng” các thầy. Thực tế đã có những trường hợp thầy dạy lái có hành động không đẹp với học viên nữ.
“Trên mạng có đăng thông tin nhiều thầy trong lúc hướng dẫn, bảo trợ tay lái đã có những đụng chạm để học viên phản ánh. Đúng là nghề dạy lái có những đặc thù nên đôi khi bảo trợ tay lái phải cầm vô lăng cùng học viên, thậm chí, cầm tay học viên để hướng dẫn xoay trả lái. Tuy nhiên không phải thầy nào cứ va chạm như thế là sẽ đi quá giới hạn mà còn phụ thuộc vào đạo đức của từng người. Người thầy cần phải giữ sự tử tế trong mọi tình huống”, anh Tiến bày tỏ.
Với kinh nghiệm của mình, để đề phòng những chuyện không hay, trong quá trình dạy lái anh Tiến thường xuyên nhắc nhở học viên phải ăn mặc gọn gàng, thoải mái, không mặc váy quá ngắn, quá lòe xòe.
Anh cho rằng: “Bản thân mình luôn chu đáo, gọn gàng, lịch sự trong cách ăn mặc thì tự học viên sẽ biết cách chỉnh chu”.
Không chỉ những va chạm trong cabin, nhiều người còn truyền tai nhau chuyện "trà nước" cho thầy để tránh chuyện bị làm khó. Là một người từng nhiều năm dạy lái anh Tiến tỏ ra không đồng tình và cho rằng, thật ra bản thân các thầy chưa bao giờ bắt ép các học viên phải làm vậy.
Anh từng dạy nhiều học viên từ mọi thế hệ, lứa tuổi, công việc nhưng chỉ có các học viên thanh niên thỉnh thoảng rủ thầy đi uống bia liên hoan cuối giờ. Những lúc như thế anh luôn động viên học viên học tử tế, đỗ rồi thầy trò mới liên hoan ăn mừng.
“Mình là thầy phải làm gương cho học viên, chấp hành đúng luật an toàn giao thông. Mình có thể giữ được mình nhưng nhỡ đâu học viên uống vào rồi đi đường loạng choạng xảy ra việc gì. Nói chung mình tránh đi nhậu với học viên. Lái xe liên quan đến tính mạng con người nên cần phải học thật, thi thật, kết quả thật. ” – anh Tiến chia sẻ.
Cũng là nghề giáo nhưng giáo viên dạy thực hành lái xe phải đối mặt với rất nhiều phức tạp và nguy hiểm. Không ai dám vỗ ngực khẳng định mình là người lái xe giỏi khi trên đường luôn xảy ra rất nhiều tình huống bất ngờ.
Anh Tiến kể lại, trước đây ở công ty cũ của anh từng có một người được giấy khen lái xe giỏi Hà Nội do chưa từng có bất kỳ sơ suất nào trong quá trình lái. Tuy nhiên chỉ 1 tuần sau người này gây tai nạn giao thông do mất tập trung và đâm thẳng vào chiếc xe lu đang di chuyển.
Vì thế, theo anh Tiến khi dạy lái xe, cái “tâm” của người nhà giáo là yếu tố rất quan trọng. Ngoài lượng kiến thức trong chương trình của Bộ Giao thông vận tải, người thầy cần truyền đạt kinh nghiệm, cách ứng phó với các tình huống... giúp học viên có thể lái xe an toàn.
“Đặc biệt thầy dạy lái phải bình tĩnh, kiên nhẫn trong mọi tình huống, thoải mái nhẹ nhàng với học viên nhưng vẫn giữ nguyên tắc kỷ luật trong nghề” – anh Tiến cho hay.
Học viên vượt qua được nỗi sợ, sẵn sàng và tự tin cầm lái là người thầy đã thành công. Với tâm niệm như vậy bao năm qua anh Tiến đã hướng dẫn nhiều người trở thành những lái xe chắc tay, an toàn khi ra đường. Nhìn thấy những điều đó với công việc của một người thầy, anh cảm thấy mãn nguyện và gắn bó hơn.
Thùy Linh