Người thầy hiện đại vừa cô đơn vừa quá nhiều áp lực

Người thầy hiện đại vừa cô đơn vừa quá nhiều áp lực
2 giờ trướcBài gốc
Tiếng ồn ào náo động cả một con ngõ. Vị phụ huynh mặt đỏ tía tai buông những lời nặng nề với thầy giáo của con mình, ngay trước thềm nhà ông. Phụ huynh bức xúc với lý do con đã học thêm nhà thầy vậy mà bài kiểm tra điểm vẫn chỉ được điểm 7. Mặc dù có người can ngăn nhưng vị phụ huynh vẫn không dừng lại, xông vào hành hung người thầy. Hôm đó, nếu không có sự can thiệp kịp thời của người xung quanh, thầy Q. - giáo viên trong câu chuyện trên, khó thoát được "kiếp nạn".
Đó là câu chuyện xảy ra với giáo viên của trường tôi nhiều năm về trước. Những trường hợp thầy cô nặng lời, mạnh tay xử lý lỗi của học sinh, cho điểm thấp... bị phụ huynh lên trường lớn tiếng chất vấn không hiếm. Thậm chí, đã có hiệu trưởng, giáo viên bị ép quỳ gối xin lỗi.
Học sinh “cậy” ba mẹ, đến trường ỷ vào smartphone, nhất cử nhất động của thầy cô - nếu làm trò phật ý - đều bị ghi âm, ghi hình rồi đăng lên mạng xã hội. Chỉ ít phút, cộng đồng mạng “khai đao”, thầy cô khó lòng giải vây.
Trong hoàn cảnh đó, giáo viên phân trần mấy cũng không xoay chuyển nổi tình thế. Họ buồn tủi và cam chịu. Vết dầu loang cảm xúc tiêu cực này khiến không ít giáo viên e dè, lo sợ, họ quan niệm "chỉ cần dạy cho hết tiết, xong bài". Tất nhiên, nguyên nhân có thể xuất phát từ thiếu vững vàng nghiệp vụ chuyên môn, do cảm xúc bất chợt nhưng thử hỏi, họ có đáng nhận án phạt nặng nề vậy không?
Giáo viên chủ nhiệm cũng nhiều lúc khốn đốn với việc xếp loại hạnh kiểm cho học sinh. Trường tôi, đã có phụ huynh xém "tác động vật lý" vào một giáo viên khi con họ có hạnh kiểm khá. Dịp đầu năm học, khi phân công giáo viên, tôi từng phải giải quyết đề nghị khẩn thiết: “Thầy phân em dạy bao nhiêu tiết em cũng đồng ý, hãy 'tha' cho em công tác chủ nhiệm”.
Giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng - tất cả cùng chịu áp lực, dẫn đến đối phó vụng về, công tác giáo dục kém hiệu quả. Thiếu thấu cảm, môi trường làm việc nhiều áp lực, rủi ro, ít cơ hội thăng tiến, sự cao quý của nghề giáo bị thách thức. Nhà giáo cô đơn khi chịu sức ép từ nhiều phía, không chỉ công tác chuyên môn mà các vấn đề thuộc về học sinh, phụ huynh, xã hội hay do quản trị trường học. Con đường đến trường phải chăng chúng ta vô tình bỏ lại giáo viên phía sau?
Học sinh tiểu học ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Phạm Hải
Trước ngày 20/11 năm nay, kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện trong tháng 9 và 10 về đời sống giáo viên mầm non và phổ thông khu vực Nam Bộ tại ba tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang đã gây nhiều chú ý.
Theo đó, hơn 70% trong khoảng 12.500 giáo viên nói áp lực lớn nhất từ phụ huynh và gần một nửa từng có ý định bỏ nghề vì cho rằng bị bạo lực tinh thần. Nhiều nhà giáo đối mặt nguy cơ bị đe dọa hay bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội. Những điều này khiến họ không chỉ thấy căng thẳng, mất tự chủ và cảm hứng trong công việc, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng giáo dục, tạo nên hình ảnh xấu trong mắt học sinh về mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình.
Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi chập chững vào nghề giáo, còn luống cuống trên bục giảng, thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh giao tiếp, ứng xử với tất cả sự nồng ấm, trân trọng.
Công bằng mà nói, lúc đó, cũng có chuyện này chuyện kia nhưng nhà trường “kín cổng cao tường”, cái uy của giáo viên đủ cứng nên dù có lùm xùm, râm ran thì chuyện lớn thành nhỏ, chuyện nhỏ bỏ qua, năng lượng tích cực (của giáo dục) được bảo toàn.
Theo thời gian, nhà trường thay đổi, thị trường xâm nhập vào học đường với tốc độ nhanh, những lùm xùm về lạm thu, dạy thêm, học thêm, thành tích... gây ra giằng co giữa cống hiến và dịch vụ, giữa cao thượng với thực dụng...
Nghề nào cũng có khó khăn, vất vả nhưng dạy người, trong quan hệ bắc cầu, thế khó nghề giáo cũng là một đặc thù. Vì vậy, nghề đã đòi hỏi ở nhà giáo sự toàn tâm, toàn ý mới có được những bài giảng chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Có giáo án hay chưa đủ, nhà giáo - lúc lên lớp - cần tâm thế lạc quan, tự tin, thoải mái để dẫn dắt học trò khám phá kiến thức mới. “Nguồn lực dạy học quan trọng nhất, không phải công nghệ, hoạt động chương trình mà luôn luôn là người thầy” - Tom Lound, School Founder and Director.
Chiều 15/11, tại buổi gặp gỡ 60 giáo viên tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính trải lòng: “Muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy giỏi, người thầy tốt. Học sinh được tiếp nhận kiến thức hiệu quả nhất nếu có sự dìu dắt và chỉ bảo của giáo viên có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và phương pháp truyền dạy hợp lý”. Trách nhiệm nhà giáo thật cao cả, nhưng nặng nề. Hơn lúc nào hết, giáo viên phải thay đổi!
Lúc này đây, cần lắm xã hội chung tay với giáo dục, trên hết là sự cảm thông, thấu hiểu với nhà giáo, đặt niềm tin vào nền giáo dục đang chuyển mình mạnh mẽ. Nền tảng phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội là sự quý trọng, tin tưởng vào đội ngũ giáo giới. Vậy, làm sao tạo được điều đó?
Thứ nhất, chúng ta cần phát triển môi trường giáo dục nhẹ nhàng, linh hoạt, năng động, tự chủ. Giáo viên, để dạy tốt, cần sự tác động (bên cạnh nỗ lực bản thân) theo hướng khai phóng. Họ cần được thực quyền truyền giảng, kiểm tra, đánh giá. Cải tiến quản trị trường học, đổi mới quản lý giáo dục là bức thiết. Trong bất kỳ trường hợp nào, “tiên học lễ, hậu học văn” phải là cơ sở cho suy xét, ứng xử, giáo dục trong nhà trường, ở gia đình, ngoài xã hội.
Thứ hai, giáo viên, nhân viên trường học có mức lương tương xứng, đảm bảo tốt cho cuộc sống của bản thân, gia đình.
Thứ ba, ngành giáo dục cần giảm tải chương trình, giảm căng thẳng, áp lực từ các kỳ kiểm tra, thi cử, nhanh chóng chuyển đổi số. Dạy, học ít mà tinh, có thời gian tích hợp, trải nghiệm, rèn luyện thân thể, tinh thần, học - hành kỹ năng sống để học đường mạnh, vui, lành, thiện, từ đó có những công dân tử tế, xây đất nước mạnh giàu.
Thứ tư, vấn đề lạm thu, chèn ép học sinh phải học thêm, bạo lực học đường... đang là gánh nặng, nỗi bức xúc, trăn trở của gia đình người học, cần chấn chỉnh. Khi học sinh, phụ huynh quẳng gánh lo đi, mới có chỗ cho cảm xúc tích cực, cho tin yêu gửi vào lớp học, giảng đường.
Thứ năm, cốt lõi của giáo dục toàn diện là học tập suốt đời, không thể xoay trong vòng xoáy điểm số, thi đua, khoa cử, hay vì công việc kiếm sống. Giáo dục là sự nghiệp trăm năm, đòi hỏi tầm nhìn ưu việt. Người thầy, không ai khác, góp phần quan trọng đào tạo con người với nội hàm chuẩn xác nhất.
Lại thêm một mùa 20/11, mùa của sự tri ân, mỗi nơi trên dải đất hình chữ S rộn ràng bông hồng tặng thầy cô cùng tiếng lòng thiết tha “khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào vương trên tóc thầy…”, cho chúng ta một hy vọng mới, niềm tin mới vào ngày mai xán lạn của giáo dục.
Nguyễn Hoàng Chương
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/nguoi-thay-hien-dai-vua-co-don-vua-chiu-qua-nhieu-ap-luc-2343250.html