Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được duy trì, thực hiện sâu rộng, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, điển hình là cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội tạo ra kênh thông tin tích cực, lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.
Sự đổi mới trong phương thức tuyên truyền, giáo dục của Đoàn đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp nghị quyết của Đảng, của Đoàn đến gần hơn với thanh niên, mà còn khơi dậy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Thông qua các hoạt động giáo dục và phong trào thi đua yêu nước, thế hệ trẻ có cơ hội rèn luyện, trưởng thành, sống có lý tưởng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
Trong bối cảnh đó, ca khúc cách mạng nổi lên như một phương tiện giáo dục truyền thống độc đáo và hiệu quả. Với giai điệu hào hùng, lời ca ý nghĩa, những bài hát này tái hiện một cách chân thực, sinh động trang sử hào hùng của dân tộc, góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn, củng cố niềm tin vào Đảng và con đường đổi mới của đất nước. Vì vậy, Đoàn trường Đại học An Giang đã triển khai chuyên mục "50 ngày - 50 giai điệu", nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chuyên mục "50 ngày - 50 giai điệu" phát sóng vào khung giờ 11 giờ 30 hàng ngày trên Fanpage và TikTok Youth_AGU, mang đến cho sinh viên những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng. Đây là hoạt động tạo ra không gian âm nhạc ý nghĩa, kết nối các thế hệ thông qua giai điệu hào hùng. Mỗi bài hát là một câu chuyện, một hình ảnh sống động về cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do, giúp sinh viên hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, về sự hy sinh to lớn của cha ông để có được hòa bình, độc lập hôm nay.
Để tăng tính tương tác và chiều sâu cho chương trình, Đoàn trường Đại học An Giang dự kiến tổ chức tọa đàm, mời nhân chứng lịch sử, nghệ sĩ tham gia chia sẻ về ý nghĩa của ca khúc cách mạng. Các cuộc thi về kiến thức lịch sử gắn liền với bài hát cũng được lên kế hoạch tổ chức, nhằm khuyến khích sinh viên tìm hiểu sâu hơn về bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử và giá trị nghệ thuật của những tác phẩm âm nhạc này.
Bên cạnh đó, việc ghi lại khoảnh khắc, cảm xúc của sinh viên khi lắng nghe giai điệu cách mạng, chia sẻ trên mạng xã hội sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Thậm chí, chương trình có thể mở rộng ra hình thức biểu diễn văn nghệ, làm video clip, cover lại bài hát để tăng cường sự sáng tạo, tham gia tích cực của sinh viên.
Bí thư Đoàn trường Đại học An Giang Trần Trung Quốc chia sẻ: “Những bài hát cách mạng không chỉ đơn thuần là âm nhạc, mà còn là câu chuyện, hình ảnh sống động về cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Chuyên mục giúp sinh viên nhận thức được giá trị của hòa bình, tự do mà cha ông đã hy sinh để giành lấy, đồng thời khuyến khích các bạn phát huy tinh thần trách nhiệm đối với xã hội”.
Những ca khúc cách mạng vừa là bài học lịch sử bằng âm nhạc, vừa là nguồn động lực to lớn, thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay “hành động” bằng những việc làm thiết thực. Bởi lẽ, hòa bình và tự do là vô giá, là nền tảng để thế hệ trẻ vươn tới những ước mơ và hoài bão cao đẹp. “Cùng tôi viết tiếp câu chuyện hòa bình/ Nhìn quê hương sáng tươi trong bình minh/ Nhìn ánh nắng chiếu rực rỡ quốc kỳ tung bay phấp phới…” - bài hát “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” như lời khẳng định khát khao cống hiến của thế hệ trẻ trong thời kỳ mới.
PHƯƠNG LAN