Các đại biểu đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Nguyên Dung/ TTXVN
Đắk Lắk: Tri ân những người con đã hy sinh vì Tổ quốc
Sáng 28/4, tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tổ chức trọng thể Lễ viếng các anh hùng liệt sĩ.
Trong không khí trang nghiêm và thành kính, các đại biểu đặt vòng hoa, dâng hương, kính cẩn nghiêng mình dành phút mặc niệm tri ân, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn tới các anh hùng liệt sĩ, những người con yêu dấu trên mọi miền Tổ quốc anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại, bước ngoặt trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đã để lại cho chúng ta hôm nay những thành quả vĩ đại cùng những giá trị lịch sử trường tồn: Đó là chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; xây dựng và thực hiện đường lối đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ; tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc...
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thắp nhang tại các phần mộ liệt sĩ. Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN
Sau 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, đất nước Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ. Từ những đổ nát của chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Tổ quốc và nhân dân ta vô cùng tự hào và biết ơn vô hạn các thế cha anh và lớp lớp các chiến sĩ Cách mạng, các liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với nước đã hy sinh tính mạng, của cải để giành và giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng bằng những tình cảm và trách nhiệm cao nhất. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Trước đó, các đại biểu dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.
Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk hiện quy tập hơn 2.346 phần mộ liệt sĩ, là nơi yên nghỉ của những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trưng bày hình ảnh, tư liệu lịch sử của tỉnh Kiên Giang
Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang phối hợp với huyện Vĩnh Thuận tổ chức trưng bày "Lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Kiên Giang qua hình ảnh, tài liệu lưu trữ", tại Khu Chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ Anh hùng liệt sĩ, người có công tại huyện Vĩnh Thuận.
Nghi thức cắt băng trưng bày hình ảnh, tư liệu lịch sử của tỉnh Kiên Giang Ảnh: Lê Sen/TTXVN
Trưng bày gồm 300 hình ảnh, tài liệu tiêu biểu, có giá trị phản ánh các sự kiện tiêu biểu, quan trọng trong lịch sử đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Kiên Giang và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.
Bố cục trưng bày gồm 3 phần chính. Phần đầu: Trấn Hà Tiên xưa (dưới thời Triều Nguyễn trước năm 1900), giới thiệu hình ảnh, tài liệu tiêu biểu về vùng đất Hà Tiên từ khi mở cõi đến trước khi bị thực dân Pháp đô hộ. Tiếp theo, nội dung về Mảnh đất anh hùng vùng đất phương Nam (từ năm 1900 - 1975), giới thiệu hình ảnh, tư liệu tỉnh Hà Tiên, tỉnh Rạch Giá dưới thời Pháp thuộc và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Còn phần 3 là Kiên Giang trong 50 năm non sông thống nhất (từ năm 1975 đến nay) với sự kiện chiến thắng 30/4/1975, thành tựu kinh tế - xã hội từ năm 1975 đến nay, thay đổi mang tính đột phá của tỉnh Kiên Giang. Ban tổ chức còn dành một phần để trưng bày hình ảnh, tài liệu tiêu biểu của huyện Vĩnh Thuận qua 60 năm thành lập và phát triển.
Các đại biểu xem trưng bày hình ảnh, tư liệu lịch sử của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Sen/TTXVN
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang Huỳnh Xuân Luật, trưng bày đã tái hiện quá trình hình thành và phát triển của Kiên Giang; thể hiện giá trị lịch sử to lớn, góp phần tuyên truyền sâu sắc, nâng cao nhận thức của cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh. Thông qua các tài liệu, hiện vật được trưng bày, công chúng có dịp tìm hiểu, khai thác các khía cạnh của lịch sử; từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; tạo động lực mạnh mẽ để toàn dân tiếp tục nỗ lực, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Trưng bày còn nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đây còn là dịp để bổ sung nguồn hình ảnh, tài liệu có giá trị lịch sử vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Kiên Giang, phục vụ công tác khai thác, sử dụng, nghiên cứu, học tập từ hình ảnh, tài liệu lưu trữ.
Hoạt động càng ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại Khu di tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ, người có công của huyện Vĩnh Thuận - một trong 31 điểm di tích thuộc quần thể di tích lịch sử Quốc gia căn cứ U Minh Thượng.
Triển lãm góp phần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Trưng bày diễn ra đến ngày 4/5.
Nguyên Dung - Lê Sen (TTXVN)