Tiếp thêm động lực cho bất động sản

Tiếp thêm động lực cho bất động sản
4 giờ trướcBài gốc
Phát triển thị trường bất động sản là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Dũng Minh.
Nhiều “doping” cho thị trường
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, so với thời gian trước, nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng, đang có được nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tăng trưởng trở lại. Trong đó, đáng chú ý là các nghị quyết mới được ban hành.
“Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật nhấn mạnh đột phá về thể chế. Trong đó, có một điều khoản cực kỳ quan trọng là không hình sự hóa hoạt động kinh tế, dân sự, đây là lần đầu tiên điều này được đề cập trong nghị quyết của Đảng. Trong khi đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 lại nhấn mạnh đến câu chuyện đột phá phát triển kinh tế tư nhân, cũng là một động lực quan trọng cho các doanh nghiệp”, ông Lực nhấn mạnh và chia sẻ thêm rằng, một câu chuyện khác là việc thành lập quỹ nhà ở quốc gia sẽ góp phần tạo nguồn cung, dòng tiền, vốn… và về lâu dài phục vụ cho thị trường thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững hơn.
Ông Lực cũng cho biết, từ kỳ họp Quốc hội năm ngoái cũng như trong kỳ họp đang diễn ra, nhiều vướng mắc của thị trường sẽ tiếp tục được giải quyết, tháo gỡ.
Điển hình như việc tìm giải pháp cho các dự án trong quá trình thanh, kiểm tra tại Hà Nội, Khánh Hòa và TP.HCM (Nghị quyết số 170/2024/QH15), hay thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (Nghị quyết số 171/2024/QH15 NQ 171).
“Kỳ họp Quốc hội lần này dự kiến sẽ thông qua 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác. Điều này chưa từng có tiền lệ, cũng cho thấy cơ hội tốt hơn để kinh tế có thể bứt tốc”, ông Lực nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Văn Kế - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Đắk Lắk cho hay, các doanh nghiệp, doanh nhân là đội ngũ tiên phong trong phát triển kinh tế, là đối tượng mà Nghị quyết số 68-NQ/TW đề cập đến.
Theo ông Kế, các doanh nghiệp cần giữ vai trò là người phát triển kinh tế đất nước và để thúc đẩy điều này, chính quyền các địa phương cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, phải có trách nhiệm quản lý tài nguyên và nguồn lực con người để đưa kinh tế phát triển hơn nữa.
Chính sách cần thẩm thấu nhanh
Ghi nhận từ các thành viên thị trường cho thấy, điểm chung là tâm lý hào hứng trước các chuyển biến tích cực về mặt chính sách.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Group cho biết, Nghị quyết số 68-NQ/TW với kinh tế tư nhân là nội dung then chốt, là nền tảng cho các doanh nghiệp bước vào giai đoạn mới. Điều này cho thấy sự thay đổi tư duy để doanh nghiệp phát huy tối đa các sáng kiến. Với bất động sản, tinh thần kiến tạo của Nghị quyết số 68-NQ/TW là vô cùng quan trọng.
Doanh nghiệp bất động sản là một thành phần đặc biệt trong khối kinh tế tư nhân. Ảnh: Dũng Minh.
Tuy vậy, theo ông Lâm, các địa phương đều có dự án lâu không được tháo gỡ vướng mắc và khi sáp nhập địa giới hành chính, nhóm dự án kiểu này sẽ tăng lên và phức tạp hơn, nên cần tính cách giải quyết sớm.
Do đó, ông Lâm cho rằng, cần thành lập lực lượng chuyên trách tháo gỡ các dự án nhóm này cho từng địa phương, tức là cần có bộ máy tại địa phương để xử lý nhanh gọn, bởi trên thực tế, có những dự án ban đầu hiệu quả, nhưng sau khi bị tồn đọng 3-5 năm đã mất dần yếu tố này, dù việc vướng mắc chỉ ở một số mục đơn giản, chưa kể đến các tác động không tốt, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, xã hội, cuộc sống người dân…
Ở góc độ khác, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Vinaconex cho rằng, về mặt chính sách, Chính phủ có nhiều nghị quyết hay, nhưng là tầm vĩ mô, trong khi doanh nghiệp cần là sự cụ thể, chính sách phải đi vào cuộc sống, gắn với quyền lợi của các doanh nghiệp.
Ông Thanh nhấn mạnh rằng, vấn đề hiện nằm ở độ trễ chính sách quá lớn, đường đi chính sách quá dài, nên đòi hỏi bức thiết là cần có giải pháp để con đường này ngắn lại. Ngoài ra, câu chuyện chuyển tiếp chính sách cũng cần được nhìn nhận thấu đáo.
Chẳng hạn, khi Bộ Xây dựng cho rằng dự án không cần lập quy hoạch (Nghị định 35/2023/NĐ-CP và hiện nay không còn quy định không phải lập quy hoạch chi tiết đối với dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) có thể lập dự án đầu tư xây dựng mà không phải lập quy hoạch chi tiết - PV), vậy thì dự án nào không cần cũng phải được làm rõ.
“Thực tế, có những dự án đã giao 4-5 năm, nhưng theo quy định mới thì có cần không, hay vẫn áp dụng theo quy định cũ? Tóm lại, tính chuyển tiếp hiện còn mơ hồ, chính sách chưa rõ ràng đang gây khó khăn cho nhà đầu tư”, ông Thanh nhấn mạnh.
Hay với quy định về lợi nhuận khi làm dự án nhà ở xã hội, ông Thanh băn khoăn, mức 13% lợi nhuận định mức tối đa (Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua.
Theo đó, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân để bán, cho thuê mua, cho thuê được hưởng lợi nhuận định mức tối đa là 13% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội của dự án, mức hiện hành là không quá 10% - PV) thì nhà đầu tư được hưởng từ bao giờ? Các dự án được giao trước đây có được hưởng theo mức này không? Dự án đã giao từ những năm trước, nhưng giờ mới có giấy phép triển khai thì sao?
Không khó để thấy “cú huých” tâm lý mà các chính sách mới đang tạo ra trên thị trường, đây được xem là những động lực tăng trưởng mới để bất động sản sớm phục hồi và phát triển một cách bền vững. Tuy vậy, để chính sách đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả, các doanh nghiệp đang rất mong chờ sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan quản lý.
Bình Minh
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/tiep-them-dong-luc-cho-bat-dong-san-post369464.html