Trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh An Giang (mới) có ý kiến gửi Bộ Y tế, tiếp tục đề nghị thông tuyến khám chữa bệnh từ cấp xã đến trung ương, đặc biệt là đối với người tham gia BHYT, mà không cần làm thủ tục xin giấy chuyển viện.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết phân tuyến khám, chữa bệnh BHYT được thiết lập nhằm đảm bảo người bệnh được điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe, trong đó các trường hợp vượt quá khả năng điều trị của tuyến cơ sở sẽ được chuyển lên tuyến trên.
Phân tuyến góp phần giảm tình trạng quá tải tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên, hạn chế việc nằm ghép và nâng cao hiệu quả điều trị.
Chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT được triển khai từ năm 2016, cho phép người dân tộc thiểu số và người sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được thông tuyến trực tiếp từ cấp xã lên các bệnh viện trung ương khi khám, chữa bệnh nội trú.
Từ ngày 1-1-2025, Bộ Y tế đã ban hành danh mục 62 bệnh hiểm nghèo và bệnh hiếm, cho phép người tham gia BHYT mắc các bệnh này được thông tuyến trực tiếp lên các bệnh viện trung ương mà không cần thủ tục cấp giấy chuyển tuyến.
Cử tri tiếp tục đề nghị thông tuyến khám chữa bệnh từ cấp xã đến trung ương. Ảnh minh họa: TT
Cũng liên quan đến vấn đề thông tuyến khám chữa bệnh, cử tri tỉnh Tây Ninh (mới) kiến nghị có chính sách ưu tiên hỗ trợ cựu chiến binh thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ (nay đã tuổi cao sức yếu) được bỏ thủ tục chuyển viện khi đi khám chữa bệnh.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định tại Điều 9 Thông tư 01/2025 của Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, người có thẻ BHYT có nhu cầu khám, chữa bệnh tại cơ sở tuyến trên phải thực hiện đúng thủ tục chuyển tuyến theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, trừ một số trường hợp được quy định cụ thể.
"Đối với kiến nghị mở rộng thêm quyền lợi miễn thủ tục chuyển tuyến cho toàn bộ cựu chiến binh chống Pháp, Mỹ, Bộ Y tế xin tiếp thu với tinh thần trân trọng và nhân văn", văn bản trả lời cử tri của Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc sửa đổi chính sách liên quan đến tuyến điều trị và quyền lợi BHYT cần được xem xét một cách tổng thể, có sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam, để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và cân đối quỹ BHYT.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, tổng hợp ý kiến để xem xét, đề xuất trong quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về BHYT.
THANH THANH