Nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Xe điện Pega LTT
Bảo hiểm xã hội Khu vực 1 vừa công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tại nạn lao động – bệnh nghề nghiệp từ 2 tháng trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng 6/2025.
Trong danh sách này có Công ty Cổ phần Xe điện Pega LTT (mã số thuế: 0108554772). Cụ thể, Xe điện Pega LTT chậm đóng hơn 2,7 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác, thời gian chậm đóng là 26 tháng.
Xe điện Pega tiền thân là hàng Hkbike, tháng 12/2012, hãng này gia nhập thị trường với chỉ 1 showroom nhỏ có diện tích 50m2 tại Hà Nội. Đến năm 2014, Pega xây dựng phòng nghiên cứu, thiết kế và xưởng lắp ráp tại Bắc Giang, đồng thời, mở rộng chuỗi showroom ra 63 tỉnh thành (cũ) lên con số 100.
Năm 2015, đơn vị ra mắt thị trường sản phẩm xe điện đầu tiên được PEGA thiết kế và làm khuôn mẫu, chuỗi showroom phát triển lên đến 150 showroom. Đầu năm 2017, Pega cho ra mắt những sản phẩm đầu tiên được nội địa hóa tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa tính theo giá trị sản phẩm lên đến 85%. Chuỗi showroom lên tới 250 trên cả nước và hơn 500 cửa hàng cấp 2 bán sản phẩm và xây dựng nhà máy lắp ráp rộng 15.000m2 với công suất thiết kế đạt 40.000 xe/tháng.
Quay trở lại với việc nợ bảo hiểm, việc doanh nghiệp nợ, chậm đóng các loại bảo hiểm cho người lao động khiến quá trình tích lũy thời gian đóng bảo hiểm, ảnh hưởng đến khả năng khám chữa bệnh, nhận trợ cấp thất nghiệp, thai sản, và cả chế độ hưu trí sau này…
Theo khoản 2 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bị pháp luật đặc biệt nghiêm cấm. Đơn vị đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chậm quá thời hạn theo quy định từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền bảo hiểm chưa đóng
Bên cạnh việc phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng doanh nghiệp còn có thể bị phạt tài chính nếu chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.
Còn nếu người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt gấp đôi từ 24% - 30% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 150 triệu đồng.
Linh Phong