Vẫn còn 3 điểm nghẽn lớn
Công văn nêu rõ, thời gian qua, các hội/hiệp hội đã tích cực tham gia trao đổi và nhiều lần có văn bản góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Thủ tục công bố hợp quy đang gây khó cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu dự thảo thứ 9, ngày 14/4/2025 của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa trình Quốc hội, các hiệp hội cho rằng, một số quy định trong dự thảo chưa hoàn toàn theo đúng tinh thần cải cách, có rất nhiều điểm nghẽn cho sản xuất, kinh doanh, không phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế…
Theo đó, cơ quan soạn thảo vẫn chưa tiếp thu các kiến nghị trọng yếu mà cộng đồng doanh nghiệp đã nhiều lần nhấn mạnh - 3 điểm nghẽn lớn đang trực tiếp kìm hãm sản xuất, kinh doanh
Thứ nhất, thủ tục công bố hợp quy nhiêu khê và tốn kém, không có hiệu quả, không phù hợp với quốc tế. Trong đó, riêng thủ tục về hợp quy đã gồm 3 bước: Doanh nghiệp công bố quy chuẩn áp dụng, xin chứng nhận hợp quy, đăng ký chứng nhận hợp quy, trong khi thiếu quy định hậu kiểm. Quốc tế chỉ có 2 bước: Doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn áp dụng - cơ quan quản lý hậu kiểm là chính.
Thứ hai, việc phân loại hàng hóa nhóm 1 và 2 (hàng hóa không có rủi ro và có rủi ro) thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với thông lệ quốc tế: Tiêu chuẩn ISO 9001 chia ra rủi ro thấp, trung bình và cao, không có loại “không có rủi ro”.
Thứ ba, chưa có quy định loại trừ cho hàng xuất khẩu, hàng hóa là nguyên vật liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ khi nhập khẩu để sử dụng cho sản xuất, gia công hàng xuất khẩu (là những hàng hóa không lưu thông trên thị trường Việt Nam) nên khi thực thi bị hiểu là các hàng hóa này phải đáp ứng yêu cầu của cả nước nhập khẩu và Việt Nam, gây gánh nặng lớn bất hợp lý cho nhà sản xuất.
Nhiều yêu cầu mới làm tăng thủ tục hành chính từ 100 - 900%
Theo các hội, hiệp hội, các quy định mới phát sinh nhiều điểm nghẽn, cản trở sản xuất, kinh doanh, đi ngược lại với các chỉ đạo cải cách của Tổng bí thư, Quốc hội và Chính phủ.
Thứ nhất, nhiều yêu cầu mới tăng điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính từ 100-900%. Cụ thể, Điều 28, khoản 1, điểm b: “sử dụng nhãn điện tử, hộ chiếu số của sản phẩm, thể hiện các thông tin về mã số, mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm”: Đây là một loạt các điều kiện kinh doanh bắt buộc, trong khi quốc tế chỉ khuyến khích áp dụng, và quá chi tiết, không đúng với tình thần xây dựng Luật mà Tổng Bí thư và Quốc hội đã chỉ đạo “Luật chỉ quy định khung”.
Điều 34, khoản 4 “Tổ chức, cá nhân phải thực hiện báo cáo định kỳ về chất lượng hàng hóa nhập khẩu”:Tăng điều kiện kinh doanh 100% vì doanh nghiệp đã phải kê khai các thông tin chi tiết với Hải quan khi nhập khẩu. Hoặc Điều 46, khoản 1 quy định tất cả “thực phẩm, dược phẩm, hóa chất, thiết bị y tế, sản phẩm dành cho trẻ em” đều là hàng hóa rủi ro cao (hàng hóa nhóm 2). Riêng với thực phẩm, quy định này đã tăng 900% thủ tục hành chính so với hiện tại (theo quy định hiện hành, chỉ 10% thực phẩm có rủi ro cao phải đăng ký).
Thứ hai, các quy định đưa ra nặng về tiền kiểm, đi ngược lại chỉ đạo “chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm”.Cụ thể, Điều 5, khoản 6 quy định “duy trì tiền kiểm với hàng hóa rủi ro cao”; Điều 45, khoản 5 “Việc kiểm tra chất lượng có thể thực hiện bằng hình thức kiểm tra điện tử”: Quy định này là không có hiệu quả, vì kiểm tra hồ sơ giấy thì không thể xác định được sản phẩm chất lượng tốt hay xấu, do các sản phẩm giả thường có hồ sơ đẹp.
Thứ ba, quy định chưa rõ cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chất lượng hàng hóa.
3 kiến nghị được gửi đến Chính phủ, Quốc hội
Trước những tồn tại nêu trên, các hội và hiệp hội kiến nghị:
Thứ nhất, gộp Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật vào thành 1 chương trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Thứ hai, tháo gỡ 3 điểm nghẽn lớn hiện tại cho sản xuất, kinh doanh. Theo đó, bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy, thay vào đó là doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn của hàng hóa, ngoại trừ một số sản phẩm cần quản lý đặc biệt phải đăng ký lưu hành theo quy định của Luật chuyên ngành. Cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm theo quản lý rủi ro.
Bãi bỏ phân loại hàng hóa nhóm 1 và 2, thay vào đó là quy định về quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế. Cụ thể, phân loại rủi ro theo bản chất hàng hóa với 3 mức độ rủi ro của ISO: thấp, trung bình và cao. Kiểm tra chất lượng hàng hóa theo quản lý rủi ro với 3 chỉ tiêu sau: Mức độ rủi ro theo bản chất hàng hóa. Tổ chức/cá nhân có áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến hay không và lịch sử tuân thủ có tốt không. Có dấu hiệu vi phạm hay cảnh báo quốc tế hay không. Với hàng hóa có nguy cơ thấp và trung bình cơ quan quản lý miễn tiền kiểm hoặc tiền kiểm tần suất thấp, chủ yếu hậu kiểm. Với hàng hóa có nguy cơ cao, cơ quan quản lý tiến hành tiền kiểm tần suất cao cộng với hậu kiểm.
Quy định hàng hóa xuất khẩu, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu không phải áp dụng các quy định đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam để tháo gỡ các rào cản cho xuất khẩu và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ ba, bãi bỏ các quy định mới gây điểm nghẽn cho sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, khuyến khích chứ không bắt buộc áp dụng mã số, mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc, hộ chiếu số, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các công nghệ khác để phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật chỉ quy định khung: “người sản xuất phải bảo đảm truy xuất nguồn gốc hàng hóa”.
Đồng thời, bãi bỏ các quy định tăng thủ tục hành chính/điều kiện kinh doanh bất hợp lý hoặc làm tăng tiền kiểm như đã nêu. Quy định rõ các Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý an toàn, chất lượng hàng hóa. Bãi bỏ các quy định mới bất hợp lý khác.
Thời gian qua, các hội, hiệp hội đã tích cực tham gia trao đổi và nhiều lần có văn bản góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, vì đây là 2 “luật gốc” rất quan trọng, chi phối toàn bộ hàng hóa, sản phẩm sản xuất - nhập khẩu - xuất khẩu tại Việt Nam.
Nguyễn Hạnh