Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội
7 giờ trướcBài gốc
Cần làm rõ ai chịu trách nhiệm kiểm soát, kiểm tra chất lượng công trình
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: LÂM HIỂN
Theo đó, nghị quyết này thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của Luật Nhà ở trên phạm vi toàn quốc, gồm: Quỹ Nhà ở quốc gia; giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không sử dụng vốn đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội; điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội…
Qua thảo luận, các ý kiến đánh giá cao tinh thần khẩn trương, nỗ lực của các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu tiếp thu, giải trình nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: LÂM HIỂN
Phát biểu cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua việc chậm triển khai các dự án nhà ở xã hội có nguyên nhân do vấn đề thủ tục kéo dài. Do vậy, dự thảo nghị quyết lần này phải tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc về thủ tục, để quá trình cấp phép, triển khai dự án được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý về chất lượng công trình, theo đó cần làm rõ giải pháp kiểm soát, đảm bảo chất lượng nhà ở xã hội, bổ sung về cơ chế kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng công trình sau khi hoàn thành. “Cần làm rõ ai chịu trách nhiệm kiểm soát, kiểm tra chất lượng công trình, Bộ Xây dựng hay UBND các tỉnh, thành phố. Tránh tình trạng đổ thừa là luật quy định chưa rõ, rồi không ai chịu trách nhiệm. Tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng hiện nay là một bài học về việc buông lỏng quản lý và không thấy đơn vị nào chịu trách nhiệm chính”-Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng và đưa ra cảnh báo.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đặc biệt quan tâm tiếp thu, giải trình thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội, tạo sự đồng thuận cao trong Quốc hội. Đặc biệt, những vấn đề ách tắc trong thực tiễn cần phải tháo gỡ ngay trong nghị quyết này, phải hoàn thiện kỹ lưỡng trước khi Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung phiên họp.
Cắt giảm thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ với dự thảo nghị quyết đã được chỉnh lý.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phương án tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết theo hướng không quy định về việc Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất mà thay thế bằng quy định cho phép chủ đầu tư được tính vào chi phí đầu tư dự án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí hoàn thiện các nội dung nhằm cắt giảm thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; tăng cường hỗ trợ chính sách nhà ở cho người dân, nhất là đối tượng chịu sự tác động của việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính. Cùng với đó thống nhất về mô hình hoạt động, nguồn vốn, nhiệm vụ của Quỹ Nhà ở quốc gia theo hướng đây là Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương với nhiệm vụ chính là tập trung hình thành quỹ nhà để cho thuê.
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: LÂM HIỂN
Lưu ý thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xác định rõ loại hình dự án, loại hình nhà ở được áp dụng cơ chế giao chủ đầu tư chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu không thông qua đấu thầu; làm rõ tiêu chí ưu tiên giao chủ đầu tư chỉ áp dụng trong trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư. Đồng thời, lưu ý bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc quy định về phòng ngừa sơ hở, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi, chính sách bảo đảm chất lượng công trình; bố trí cân đối nguồn vốn và hướng dẫn các địa phương bố trí vốn để phát triển nhà xã hội theo quy định của nghị quyết. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Quốc hội, nếu Quốc hội không họp thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu bổ sung quy định về chuyển tiếp giao cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương và đề xuất của chủ đầu tư, quyết định phương án xử lý quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư hoặc có văn bản pháp lý tương đương để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn; cắt giảm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhà ở cho địa phương; bảo đảm việc tổ chức thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.
Để các cơ chế, chính sách của nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút gọn thời gian xử lý các công việc, các thủ tục liên quan; bố trí nguồn lực; lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện, vừa bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội cho người dân vừa bảo đảm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi chính sách.
Dự kiến nghị quyết này sẽ được trình Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 29-5.
VŨ DUNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tiep-tuc-hoan-thien-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-nha-o-xa-hoi-830206