Tiếp tục nâng cao vị thế nhà giáo

Tiếp tục nâng cao vị thế nhà giáo
3 giờ trướcBài gốc
Nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11-2024), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với giáo viên cũng như dự thảo Luật Nhà giáo.
Phóng viên: Dự thảo Luật Nhà giáo chính thức được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 và nhận được rất nhiều kỳ vọng từ đội ngũ giáo viên. Bộ trưởng có thể cho biết về những điểm đáng chú ý của dự thảo luật này?
- Bộ trưởng NGUYỄN KIM SƠN: Thực tế đã chứng minh sự phát triển của nền giáo dục phụ thuộc vào sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc nhiều vào chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn
Chất lượng nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân mỗi thầy cô thì môi trường làm việc, chính sách đối với nhà giáo (tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh, bảo vệ, phát triển...) đóng vai trò quan trọng.
Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm mới, lần đầu tiên các quyền và nghĩa vụ của giáo viên được quy định rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống. Trong đó, chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên.
Cụ thể, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng, theo quy định của pháp luật. Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII.
Nhà giáo cấp học mầm non, nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, nhà giáo trường chuyên biệt, nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập, nhà giáo là người dân tộc thiểu số, nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù... được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp...
Thu nhập là vấn đề được giáo viên đặc biệt quan tâm. Dự án Luật Nhà giáo tiếp tục đề xuất "lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp". Liệu điều này có thể thực hiện được không, thưa bộ trưởng?
- Đảng và Nhà nước ta luôn xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là ưu tiên chiến lược. Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã xác định rõ về chính sách tiền lương cho nhà giáo, Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị năm 2024 cũng nhắc lại. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện quan điểm thực thi chính sách để phát triển đội ngũ nhà giáo. Điều này giúp giáo viên rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với giáo dục nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng.
Nhà giáo cần được chăm lo tốt hơn để có thêm điều kiện phục vụ sự nghiệp giáo dục. Ảnh: TẤN THẠNH
Suốt thời gian qua, dù đã có những thay đổi nhưng cơ bản, chúng ta chưa thực hiện được nhiều về mặt chính sách tiền lương cho nhà giáo, bởi thực sự vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhà giáo chiếm số lượng đông đảo, với trên 1 triệu người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Cho nên, dẫu thực sự quan tâm nhưng để hiện thực hóa sự quan tâm này, còn phải cân đối nguồn ngân sách nhà nước có thể chi trả.
Khi đưa đề xuất về chính sách tiền lương vào dự thảo Luật Nhà giáo, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh lại, đây là việc cần thiết và cần tính toán. Ở góc độ nào đó cũng cần nhìn nhận thời gian qua, dù chưa thực hiện được nhiều, song với 2 đợt điều chỉnh mức lương cơ sở, đời sống của đội ngũ nhà giáo cũng đã được cải thiện một bước, đem lại cho họ nhiều sự động viên.
Theo bộ trưởng, cần có giải pháp gì để có thể tiếp tục nâng cao vị thế của nhà giáo trong bối cảnh hiện nay?
- Phải khẳng định lực lượng nhà giáo luôn rất yêu nghề và rất mong muốn được xã hội chia sẻ, ghi nhận, để họ thể hiện bản thân tốt nhất, cống hiến cho nghề nghiệp và có cơ hội để thể hiện trách nhiệm nghề nghiệp của mình.
Thời gian qua, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đã tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng để quản trị ngành, đổi mới trong lĩnh vực GD-ĐT. Tuy nhiên, với tính chất là một lực lượng viên chức, người lao động rất đặc biệt, cũng cần thêm những cơ sở pháp lý để sự ghi nhận, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của nhà giáo được thể chế hóa.
Với dự thảo Luật Nhà giáo đang được trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 này, chúng tôi mong rằng khi được thông qua, thực thi trong thực tế, các chính sách được đề cập sẽ là công cụ quan trọng để phát triển lực lượng nhà giáo.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, bộ trưởng gửi gắm điều gì tới đội ngũ giáo viên cũng như cán bộ quản lý giáo dục cả nước?
- Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT và với tư cách cá nhân, tôi xin gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến toàn thể cô giáo, thầy giáo, các nhà quản lý, những người đã và đang làm việc trong ngành giáo dục.
Tôi muốn bày tỏ niềm tự hào về những nỗ lực, cống hiến của các thầy cô. Các thầy cô rất giỏi chuyên môn, rất tận tụy với nghề, đã làm việc với tất cả sức lực, trí tuệ, chuyên môn và tình cảm của mình dành cho người học.
Kết quả tích cực của ngành GD-ĐT trong những năm qua có sự đóng góp to lớn của các thầy cô. Tôi muốn bày tỏ lòng cảm ơn, niềm tự hào và xin ghi nhận công sức của tất cả nhà giáo. Tôi cũng mong rằng thầy cô sẽ tiếp tục thể hiện sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm để thể hiện mình nhiều hơn nữa, nhân lên nhiều hơn nữa những điều tốt đẹp, và như vậy xã hội sẽ ghi nhận chúng ta nhiều hơn. Chúc tất cả nhà giáo thật vui tươi, hạnh phúc và vững vàng trong thời gian tới.
Lan tỏa những giá trị tốt đẹp
Ngày 17-11 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã chủ trì, phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND), Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) lần thứ 16 và tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Trong đợt này, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu NGND cho 21 người và NGƯT cho 1.167 người.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định giáo dục là một việc khó; giáo dục chân chính, giáo dục cho đúng đạo lý, hướng tới chất lượng cao, cuốn hút người học, lan tỏa được tinh thần sáng tạo và cảm hứng học tập bất tận cho người học lại càng khó. Để đạt được danh hiệu NGND, NGƯT, nhà giáo tiêu biểu, các thầy cô đã rất tận tụy và yêu nghề, có rất nhiều đóng góp, vượt qua những khó khăn, thử thách để thể hiện bản thân và lan tỏa các giá trị tốt đẹp.
"Mong các thầy cô tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng của mình, lan tỏa tới đồng nghiệp, tới học trò, tới xã hội tinh thần làm thế nào mà mình trở nên ưu tú, góp phần làm cho những người ưu tú ngày càng nhiều và sự ưu tú càng gia tăng, đặc biệt hơn là sẽ lan tỏa mãi" - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ.
Theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, thời gian tới sẽ còn nhiều thách thức mà ngành giáo dục phải đối mặt để vượt qua và thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn. Để thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn của ngành, cần sự quyết tâm và hội đủ nhiều điều kiện cần thiết. Trong đó, yếu tố con người, mà tiêu biểu là các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, có vai trò đặc biệt quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kỳ vọng các NGND, NGƯT, nhà giáo tiêu biểu sẽ là những hạt nhân phát huy tốt nhất kinh nghiệm, trí tuệ, quyết tâm và sự sáng tạo của bản thân; đồng thời chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, nhân rộng những điều tốt đẹp tới cộng đồng giáo viên. Các danh hiệu là sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của thầy cô, đồng thời cũng là sự kỳ vọng, trông đợi thầy cô tiếp tục tỏa sáng, tham gia góp sức vào sự nghiệp phát triển giáo dục.
YẾN ANH thực hiện
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/tiep-tuc-nang-cao-vi-the-nha-giao-19624111721025693.htm