Tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
4 giờ trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung cao độ, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025
Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 7 Bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương thuộc diện đôn đốc, kiểm tra của Tổ công tác số 3.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 Thủ tướng Chính phủ giao cho 13 Bộ, cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác số 3 là hơn 165.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng kế hoạch đầu tư vốn của cả nước. Trong đó, tính đến thời điểm báo cáo, còn 1 địa phương (TP. Hồ Chí Minh) chưa phân bổ hết kế hoạch vốn.
Ước giải ngân tính đến ngày 31/3/2025 của Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 3 đạt 4,69% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình của cả nước. Chỉ có Bộ Tư pháp, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình.
Lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh, đối với các dự án đã phân bổ vốn thì phải nhập ngay dự toán trên hệ thống, không chờ đến khi dự án ra giải ngân mới nhập dự toán. Ngay sau khi hợp đồng được ký, cần phối hợp ngay với nhà thầu để triển khai các thủ tục tạm ứng theo quy định để nhà thầu có vốn chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết để thi công.
Lý giải sự chậm trễ trong công tác giải ngân, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, nguyên nhân chưa phân bổ hết vốn là do các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, nên chưa đủ điều kiện bố trí vốn. Tuy nhiên, đến nay, đã hoàn thiện các thủ tục và phân bổ xong số vốn. Bên cạnh đó, do được giao bổ sung vốn trung hạn nên có độ trễ phân bổ vốn vào thời điểm đầu năm.
"Thành phố đã nhận diện các tồn đọng trong giải ngân. Đến hết tháng 5, sẽ rà soát, khắc phục để bảo đảm lấy lại tiến độ với mức bằng hoặc cao hơn trung bình cả nước", ông Cường nói và cam kết hết quý II sẽ đạt tỷ lệ giải ngân 30%. Hiện UBND TP. Hồ Chí Minh đã phân công 1 đầu mối duy nhất chỉ đạo chung công tác giải ngân.
Tại Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà cho biết, 2 tuần/lần, tỉnh giao ban về giải ngân, trực tuyến đến cấp xã. Lãnh đạo tỉnh xuống khen thưởng trực tiếp tại công trường đối với đơn vị thi công vượt tiến độ. Tỉnh đã giải quyết cơ bản vấn đề về bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án, phấn đấu đến năm 2025, bảo đảm tỷ lệ giải ngân đạt 100%.
Với Bình Dương, ông Bùi Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xác định có một "điểm nghẽn" trong giải ngân là xây dựng đơn giá bồi thường. Tính đến cuối tháng 4, tỉnh sẽ cố gắng hoàn thành việc này để tháng 5 tiến hành giải ngân.
Việc sắp xếp bộ máy có ảnh hưởng phần nào, nhưng sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính, "vấn đề này sẽ ổn". Bình Dương cũng cam kết đến cuối tháng 6, tỷ lệ giải ngân đạt 40-45%.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ công tác số 3, ghi nhận cố gắng của các bộ, cơ quan, địa phương trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; từ phân bổ, giao chỉ tiêu đến tổ chức thực hiện… có bước tiến.
Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, tình hình giải ngân của các Bộ, cơ quan, địa phương thuộc diện kiểm tra của Tổ công tác số 3 là chưa tốt. Với số vốn được giao chiếm tỷ lệ lớn trong tổng vốn đầu tư của cả nước, nếu làm không tốt, ảnh hưởng chung đến cả nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, số liệu, số vốn được giao cho các bộ, cơ quan, địa phương trong Tổ số 3 là 165.000 tỷ đồng, chiếm 20% của cả nước; đến nay, giải ngân trung bình mới đạt 4,69%, thấp hơn tỷ lệ trung bình cả nước. Trong đó, Bộ Y tế đạt 1,64%, TP. HCM đạt 3,38%.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung cao độ, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 10/4/2025 và Công điện 32/CĐ-TTg ngày 5/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tư pháp "trong trường hợp các bộ, cơ quan địa phương cần thì các đồng chí trực tiếp làm việc, đi vào từng dự án cụ thể để hướng dẫn nếu có khó khăn, vướng mắc". Các địa phương nghiên cứu kỹ công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính để thực hiện các dự án trong giai đoạn chuyển tiếp khi không tổ chức cấp quận, huyện.
"Nếu có khó khăn, vướng mắc thì hỏi ngay Bộ Tài chính để có hướng dẫn kịp thời" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.
Minh Đức
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/tiep-tuc-thao-go-kho-khan-vuong-mac-day-manh-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html