Tiếp tục tháo nút thắt, hỗ trợ kinh tế

Tiếp tục tháo nút thắt, hỗ trợ kinh tế
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 4-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến kế hoạch năm 2025.
Lần đầu đạt chỉ tiêu năng suất lao động
Kết quả đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm nay, theo báo cáo của Chính phủ, là chỉ tiêu tăng năng suất lao động lần đầu vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt. Đánh giá đây là kết quả đáng ghi nhận song đại biểu (ĐB) Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng nhìn chung năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chưa thực sự là động lực và đột phá để phát triển, chưa đáp ứng yêu cầu dẫn dắt nền kinh tế.
"Năng suất lao động là yếu tố gắn liền với tốc độ tăng trưởng và quy mô của một nền kinh tế. Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng năng suất lao động. Để tăng năng suất lao động, cần nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao và phù hợp. Chính phủ cần quan tâm hơn trong việc phát triển kỹ năng nghề cho người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu hợp lý" - ĐB Mai kiến nghị.
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) và Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: LÂM HIỂN
Theo ĐB Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), năm 2024 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%-7% và thu ngân sách ước tăng trên 10%, là "vượt mong đợi" trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) băn khoăn với kết quả giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch khi cả nước mới giải ngân được 47,29%. Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp (DN) vẫn đối mặt nhiều khó khăn, với 163.800 DN rút khỏi thị trường và tỉ lệ DN rút lui trên số DN tham gia mới cao nhất kể từ năm 2019 đến nay...
"Tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp dù mặt bằng lãi suất đã giảm, trong khi giá vàng liên tục tăng. Điều này cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế còn hạn chế, hoạt động sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn" - ông Thi chỉ rõ.
Cũng nhận thấy những hạn chế của nền kinh tế, ĐB Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhất là về thủ tục hành chính, lãi suất cho vay.
Trao đổi với báo chí bên lề QH, Trần Thị Quỳnh (đoàn ĐB Nam Định), nhìn nhận Việt Nam đã đạt bước tiến quan trọng trong hồi phục kinh tế và tương đối thành công trong kiểm soát lạm phát song cần tiếp tục nới lỏng chính sách tài khóa một cách thực chất; duy trì giảm thuế GTGT; hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, DN bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai; tiếp tục tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Song song đó là nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế bởi lạm phát đã tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng.
Về chính sách tiền tệ, ĐB Quỳnh cũng kiến nghị tiếp tục nới lỏng thực chất thông qua các gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ DN ở một số ngành cần đẩy mạnh như nông nghiệp, thủy sản, du lịch, chế biến, xuất khẩu. "Tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ hơn để triển khai nhanh chóng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội. Tăng cường khả năng cho vay của ngân hàng thương mại, giữ ổn định đồng USD nhằm hạn chế tình trạng găm giữ" - ĐB Quỳnh gợi ý.
Cần ngăn chặn lãng phí một cách hiệu quả
Với vấn đề lãng phí đang nổi cộm, dẫn Nghị quyết 78/2022 của QH đã nêu danh mục 13 dự án trọng điểm chậm trễ, 19 dự án để hoang hóa và 880 dự án chậm đưa đất đai vào sử dụng, ĐB Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đề nghị xử lý những dự án trong danh mục này. "Điều này vừa có tác dụng cảnh tỉnh, làm gương vừa cắt đi phần lãng phí đang tồn tại với những số liệu khiến chúng ta rất đau lòng" - ông An quả quyết.
Nhắc đến lãng phí trong bộ máy công quyền - thực trạng được đề cập trong bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây, ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn ĐB Nam Định) cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Đặc biệt là chưa coi lãng phí là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội; chỉ quan niệm lãng phí xảy ra trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước mà không nhận thức được lãng phí về cơ hội và thời gian.
Kết quả thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 và chỉ tiêu đề ra cho năm 2025. Đồ họa: ANH THANH
"Một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ, ngành trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động nhưng cách làm chủ quan, không tuân thủ đầy đủ quy trình dẫn đến một số dự án không đem lại hiệu quả mong muốn" - ĐB đoàn Nam Định chỉ ra.
Về giải pháp, ĐB Mai Thị Phương Hoa cho rằng bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rất rõ, đó là cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội. "Nếu chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới" - nữ ĐB nói thêm.
ĐB Đào Hồng Vận (đoàn ĐB Hưng Yên) đề nghị cùng tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, không chỉ với dự án công mà cả trong lĩnh vực tư.
ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn ĐB Bình Thuận) cho rằng hiện không chỉ có sự lãng phí về mặt tài chính với con số "chắc không dưới hàng trăm ngàn tỉ đồng", mà còn tồn tại lãng phí không thể đo đếm hết - gồm lãng phí về cơ hội phát triển của DN, đất nước và lãng phí niềm tin của nhân dân. Ví dụ nhiều dự án điện tái tạo đã xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành, hay hàng trăm ngàn căn hộ xây dựng rồi bỏ trống..., ĐB Thông nhấn mạnh QH, Chính phủ cần xem xét, đưa ra cơ chế, chính sách tháo gỡ nhằm đồng hành, kiến tạo để đất nước phát triển, "không phải là hợp thức hóa sai phạm".
Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính
ĐB Nguyễn Thành Nam (đoàn ĐB Phú Thọ) đã dẫn câu thơ "Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh" trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du để nói về tâm tư của các nhà đầu tư khi đi làm thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư hiện nay.
Theo ĐB Nam, việc giải quyết các thủ tục hành chính ở một số cơ quan vẫn còn tình trạng kéo dài, đối chiếu giữa quy định về thời hạn giải quyết và thực tế còn khoảng cách rất xa; thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, phối hợp, trao đổi. Đơn cử, đối với 2 dự án trọng điểm về xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN huyện Hạ Hòa và huyện Tam Nông (Phú Thọ), nhà đầu tư nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 3-2021 và hoàn thiện bổ sung hồ sơ vào tháng 8-2022.
Trong quá trình xử lý, hồ sơ, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành 51 văn bản xin ý kiến, báo cáo, giải trình gửi các bộ, ngành. Đáng nói, việc trả lời của các bộ, ngành rất chậm, không theo quy trình một cửa, chưa thực sự coi người dân và DN là trung tâm để phục vụ.
Từ thực tiễn, ĐB Nam đề nghị QH, Chính phủ tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên đề về giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ; tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về đổi mới, cải cách từ trung ương đến địa phương.
ĐB Đặng Bích Ngọc (đoàn ĐB Hòa Bình) lưu ý những hạn chế trong thể chế, cơ chế đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và nền kinh tế của đất nước, trong đó có tác động không nhỏ của tình trạng lãng phí diễn ra khá phổ biến thời gian qua. Bà Ngọc kiến nghị QH, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN; có giải pháp khắc phục điểm nghẽn ở thể chế đã được chỉ ra và thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách đã ban hành để kịp thời điều chỉnh.
"Cần có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế cuộc sống, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội" - ĐB đoàn Hòa Bình góp ý.
Cần "cách mạng hóa" tinh giản biên chế
ĐBQH Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng cần "cách mạng hóa" liên quan tinh giản biên chế, bộ máy từ trung ương đến địa phương và các bộ, ngành. "Xin phản ánh chính xác 100%, là có bộ trưởng nói với tôi: "Nếu bộ tôi giảm 30%-40% biên chế thì chẳng hề hấn gì". Giảm biên chế có tác dụngtăng được lương để cán bộ mẫn cán, chuyên nghiệp hơn, làm việc hiệu quả hơn" - ông Vũ Trọng Kim nói.
ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nêu thực trạng nhiều nhân lực khu vực công chuyển sang khu vực tư, trong đó phần lớn là nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc thu hút nhân tài vào khu vực công vẫn còn gặp khó khăn nhất định.
"Liên quan cải cách tiền lương, không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay. Cho dù như vậy, một cán bộ, công chức mới được tuyển dụng, dù xuất sắc đến đâu thì lương cũng mới chỉ đủ tiền thuê nhà ở mức bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện, chưa nói đến những nhu cầu chính đáng khác" - ĐB phản ánh và đề xuất Chính phủ có giải pháp đột phá về nhân lực mới gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước.
Công bố mức sống tối thiểu để tính mức lương tối thiểu
ĐB Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP HCM) nêu quan điểm cần có sự đột phá về tư duy và sử dụng con người. Theo ông, chúng ta đạt nhiều thành tựu về xóa đói, giảm nghèo, nhưng cần tiến tới bảo đảm cuộc sống no đủ tối thiểu cho người dân, phù hợp với tình hình đất nước. "Nói cách khác, cần xác định và công bố mức sống thối tiểu để làm căn cứ tính mức lương tối thiểu theo từng giai đoạn" - ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
VĂN DUẨN - MINH CHIẾN
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/tiep-tuc-thao-nut-that-ho-tro-kinh-te-19624110421435135.htm