Tiếp xúc cử tri là cán bộ công đoàn, công nhân lao động

Tiếp xúc cử tri là cán bộ công đoàn, công nhân lao động
2 giờ trướcBài gốc
ĐBQH Cầm Hà Chung phát biểu tại hội nghị.
Tại buổi tiếp xúc, ĐBQH đã thông tin tới cử tri về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ Tám - Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024; một số hoạt động của ĐBQH trong thời gian qua; thông báo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Đoàn ĐBQH tỉnh tại các kỳ họp trước.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đều khẳng định thời gian qua, Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong tổ chức các kỳ họp; nghiên cứu, ban hành nhiều luật phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân cũng như người lao động. Đồng thời, bày tỏ ý kiến, góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi).
Quang cảnh hội nghị.
Góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), cử tri cho rằng việc đưa quy định về quyền chủ động giám sát của Công đoàn vào dự thảo Luật lần này là rất cần thiết, giúp cho công đoàn thuận lợi hơn khi thực hiện hoạt động giám sát, phát hiện sớm vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động; thực hiện tốt vai trò của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Cử tri đề nghị Quốc hội có quy định cụ thể, rõ ràng đối với các đơn vị, doanh nghiệp có từ 2.000 lao động trở lên bắt buộc phải bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác công đoàn; quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo các điều kiện cho công đoàn hoạt động và có chế tài đủ mạnh khi doanh nghiệp cố tình vi phạm, không thực hiện... Đồng thời, bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với quy định về nguyên tắc, nội dung chi, việc phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn và mong muốn đoàn viên, người lao động được thuê, mua nhà ở xã hội do công đoàn đầu tư xây dựng, tạo điều kiện ổn định cuộc sống và yên tâm lao động.
Đại diện Công đoàn các KCN tỉnh phát biểu, đóng góp ý kiến.
Đối với dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), cử tri kiến nghị Quốc hội cần quan tâm, tạo điều kiện, có quy định cụ thể cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, người lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn, đặc biệt là những trường hợp bị thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh... làm ảnh hưởng đến sản xuất, mất việc làm.
Cần quy định rõ ràng, chặt chẽ về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi nhận được nguồn hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; quy định giám sát, kiểm tra để đảm bảo nguồn hỗ trợ được sử dụng hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục đích.
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu có quy định để đảm bảo quyền lợi cho người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do bị công ty sa thải; điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động khi không có việc làm. Bổ sung thêm chế độ, quyền lợi đối với người lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng khi họ bị mất việc làm hoặc giảm, miễn tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động này.
Sau khi lắng nghe ý kiến của cử tri, ĐBQH và lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh đã trực tiếp giải đáp một số vấn đề thuộc thẩm quyền. Những nội dung còn lại sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp trình Quốc hội và chuyển đến các bộ, ngành chức năng xem xét giải quyết.
ĐBQH Cầm Hà Chung - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn.
Nhân dịp này, Liên đoàn Lao động tỉnh đã trao 20 suất quà (mỗi suất trị giá 1,3 triệu đồng) cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn của thành phố Việt Trì.
Mai Hoa
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/tiep-xuc-cu-tri-la-can-bo-cong-doan-cong-nhan-lao-dong-220780.htm