TIết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thay đổi hành vi dùng điện

TIết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thay đổi hành vi dùng điện
4 giờ trướcBài gốc
Có thể tiết kiệm hơn 3.200 tỷ đồng tiền điện nhờ thay đổi hành vi
Chia sẻ tại Hội nghị tập huấn truyền thông trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí khu vực miền Bắc ngày 18/7, ông Đặng Hải Dũng, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện là những giải pháp cấp thiết, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giúp giảm áp lực cung ứng năng lượng, bảo vệ môi trường và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung năng lượng toàn cầu tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Theo ông Dũng, năm 2025 đánh dấu mốc quan trọng khi Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3) đi qua nửa chặng đường. Đây là chương trình được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, với mục tiêu rất rõ ràng: Tiết kiệm ít nhất 7–10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc đến năm 2030, qua đó góp phần giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
“Việt Nam đã tái khẳng định cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 và tái khẳng định tại COP 27 và COP 28. Cam kết đó không chỉ là trách nhiệm quốc tế mà còn là động lực để chúng ta đổi mới căn bản phương thức phát triển, hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn, ít phát thải carbon. Trong hành trình đó, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện là giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, để giảm áp lực cung ứng năng lượng, giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân và bảo vệ môi trường”, ông Dũng cho hay.
Ông Đặng Hải Dũng - Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương, phát biểu khai mạc hội nghị
Theo khảo sát của chương trình VNEEP 3, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam còn rất lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Đây là lĩnh vực chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia với tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt 20 - 30%.
“Hiện cả nước có trên 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với tổng mức tiêu thụ điện trên 80 tỷ kWh/năm. Nếu các doanh nghiệp này cùng thực hiện tiết kiệm ít nhất 2% lượng điện tiêu thụ/năm, trung bình chúng ta sẽ tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh/năm, tương đương tiết kiệm hơn 3.200 tỷ đồng chi phí tiền điện. Nếu tất cả hơn 30 triệu khách hàng sử dụng điện cùng thực hành tiết kiệm điện thì hiệu quả đem lại là cực kỳ to lớn”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, ngày 18/6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện chính sách, thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp tiết kiệm, quản lý nhu cầu điện, phát triển công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng.
Trong quá trình triển khai các chủ trương lớn ấy, công tác truyền thông giữ vai trò hết sức quan trọng. Những thông tin chính xác, kịp thời, gần gũi và có chiều sâu về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả chính là “chìa khóa” để lan tỏa nhận thức, khơi dậy trách nhiệm cộng đồng và thúc đẩy thay đổi hành vi trong toàn xã hội.
Bà Lê Thị Thúy Lan, Trưởng ban Môi trường và Phát triển bền vững - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Tiết kiệm điện là mệnh lệnh của thời đại
Bà Lê Thị Thúy Lan, Trưởng ban Môi trường và Phát triển bền vững - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN coi tiết kiệm điện là mệnh lệnh của thời đại. Sau 2 năm triển khai Chỉ thị 20, EVN rút ra một điều cốt lõi: Muốn thay đổi hành vi xã hội, phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức – và muốn thay đổi nhận thức, không thể thiếu vai trò của báo chí.
Theo bà Lan, sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, nhưng hệ thống điện quốc gia phải đối diện với những thách thức chưa từng có: phụ tải tăng cao, khí hậu cực đoan, nguồn nước thấp, nguyên liệu khan hiếm, nguy cơ mất cân đối cung cầu.
Tầm nhìn của Nhà nước đã được thể hiện một cách nhất quán và xuyên suốt: Chỉ thị 20 và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là kim chỉ nam cho một chiến lược dài hạn, bài bản và có chiều sâu nhằm xây dựng một xã hội tiêu dùng năng lượng văn minh, hiện đại và bền vững.
Theo đại diện EVN, công tác tiết kiệm điện từ năm 2023 đến năm 2025 đã có nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2023, cả nước tiết kiệm được 5,29 tỷ kWh, tương đương 2,1% sản lượng điện thương phẩm. Trong các thời điểm cao điểm, hơn 38.000 lượt khách hàng đã tự nguyện tham gia chương trình Điều chỉnh phụ tải (DR), giúp giảm gần 500 MW công suất, góp phần giảm áp lực cung cầu và hạn chế tình trạngthiếu điện trên hệ thống quốc gia. Năm 2024, con số này tăng lên 6.506 triệu kWh – tương đương 2,46% điện thương phẩm.
Đến nay, đã có hơn 9,9 triệu lượt người dân được tư vấn trực tiếp và gián tiếp về cách sử dụng điện an toàn và tiết kiệm. EVN cũng có các chương trình truyền thông về tiết kiệm điện tiêu biểu như “Gia đình Tiết kiệm điện”, “Tiết kiệm điện học đường”, “Tiết kiệm điện công sở”… thu hút hàng trăm nghìn gia đình, học sinh và công chức tham gia, góp phần lan tỏa ý thức sử dụng năng lượng hiệu quả trong cộng đồng.
“Người dân ngày càng hiểu rằng tiết kiệm điện là quyền lợi thiết thực, là trách nhiệm công dân và là hành động yêu nước thầm lặng. Mỗi kWh tiết kiệm hôm nay là góp phần bảo vệ nguồn lực quốc gia, giữ gìn hành tinh xanh và khẳng định cam kết phát triển bền vững”, bà Lan nói.
Các đại biểu chia sẻ mô hình, giải pháp tiết kiệm điện của EVN
Mở hành lang thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch Hội KHCN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cho biết, sau hơn 13 năm triển khai thi hành Luật số 50/2010/QH12 về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập phát sinh trong thực tiễn hoạt động sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm công nghiệp.
Nhiều nội dung quy định trong Luật còn mang tính khuyến khích, cơ chế thực thi, chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh. Việc phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan thực thi pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hạn chế, chưa phân định trách nhiệm cụ thể. Cùng đó, luật cũng thiếu cơ chế ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính về thuế, lãi vay, cơ chế bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp đầu tư các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hoạt động kiểm toán năng lượng có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng kiểm toán năng lượng còn thấp…
Ông Hiệp cũng cho biết, đến nay, Việt Nam đã tạo lập được hành lang pháp lý, tháo gỡ rào cản, cụ thể hóa các quy định về biện pháp quản lý, kỹ thuật và chính sách thúc đẩy Sử dụng năng lượngtiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng dân dụng, chiếu sáng và sinh hoạt của cộng đồng.
Việc ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã thể chế hóa chủ trương, đường lối quan điểm nhất quán của Đảng, và Nhà nước, xác định Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chính sách được ưu tiên hàng đầu, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế gắn với an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
TS. Dương Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, sử dụng năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả không phải là chi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư mà quan trọng là cách thức quản lý, vận hành, thay đổi hành vi sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả. Nếu hành vi thay đổi một chút là tiết kiệm được rất nhiều tiền.
"Một thiết bị đã cũ quá rồi thì dù quản lý thế nào cũng rất hạn chế trong việc tiết kiệm điện. Nhiệt điện Ninh Bình đầu tư từ những năm 1970 giờ đòi hỏi phải hiệu quả như các nhà máy mới đầu tư năm 2020 thì không thể thực hiện được. Hiện chúng ta có ISO về quản lý hệ thống năng lượng, nếu thực hiện đúng theo quy trình này, việc sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ được nâng lên tốt hơn", ông Kiên chia sẻ.
Hội nghị Tập huấn truyền thông trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho hơn 50 phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí khu vực miền Bắc là sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019–2030 (VNEEP 3).
Phạm Tuyên
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/tiet-kiem-hang-nghin-ty-dong-moi-nam-tu-thay-doi-hanh-vi-dung-dien-post1761383.tpo