Tiết kiệm sử dụng điện để giảm áp lực tăng giá

Tiết kiệm sử dụng điện để giảm áp lực tăng giá
4 giờ trướcBài gốc
Áp lực tiền điện tăng cao
Theo quyết định này, tác động của việc điều chỉnh giá điện đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt - đang thực hiện theo biểu giá bậc thang 6 bậc, và tiêu dùng ở mức bình thường sẽ tăng thêm từ khoảng 4.550 - 65.050 đồng/hộ/tháng.
Theo tính toán, giá điện tăng 4,8% tác động đến CPI cả năm 2025 khoảng 0,09%.
Trong đó, nhóm khách hàng sử dụng từ 101 kWh - 200 kWh (chiếm 32,79% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện tăng khoảng 20.150 đồng/hộ/tháng. Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201 kWh - 300 kWh (chiếm 19,33% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 33.950 đồng/hộ/tháng. Với khách hàng sử dụng điện từ 301- 400 kWh (chiếm khoảng 9,89% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 49.250 đồng/hộ/tháng. Đối với khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh trở lên (chiếm khoảng 13,45% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 65.050 đồng/hộ/tháng. Tuy nhiên, hiện nay đang trong thời gian cao điểm mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện làm mát tăng cao, nhất là các thiết bị điều hòa, tủ lạnh tiêu tốn lượng điện lớn - nếu không sử dụng đúng cách, hóa đơn tiền điện sẽ tăng cao.
Bà Bùi Thị Nhâm (Hà Đông) cho biết, mỗi tháng gia đình bà chi trả cho tiền điện gần 1 triệu đồng, vào mùa hè số tiền điện cũng tăng cao do sử dụng quạt và điều hòa. Với mức tăng này, dự kiến số điện tiêu thụ cũng tăng mạnh vào khoảng trên 400 kWh, theo thông tin của ngành điện thì hộ gia đình bà phải trả thêm là khoảng 65.050 đồng/hộ/tháng. Bà Nhâm cho rằng, điện còn tính theo khung giờ cao điểm, thấp điểm nên số tiền đóng thêm phải tới tháng 6 và tháng 7 trở đi thì mới biết được cụ thể tăng bao nhiêu. “Giá điện tăng vào đúng đầu hè sẽ khiến gia đình tôi phải cân nhắc sử dụng các thiết bị. Thực tế ngành điện nói hộ dùng nhiều tăng cao nhất hơn 65.000 đồng/tháng nhưng người tiêu dùng sẽ phải trả cao hơn con số này, thế nên cần tiết kiệm điện hơn”, bà Nhâm cho hay.
Tương tự, chị Nguyễn Mai (Thanh Xuân) cũng cho biết, giá điện tăng vào thời điểm bắt đầu mùa nắng nóng, các hộ sử dụng điện nhiều hơn, quan trọng là tăng giá điện sinh hoạt cũng đồng thời nhiều chi phí, mặt hàng cũng có xu hướng tăng theo. “Tăng giá điện là tất yếu, người tiêu dùng cũng rất chia sẻ với EVN khi mà có thông tin 3 tháng điều chỉnh giá điện 1 lần, nhưng tới nay là 6 tháng EVN công bố tăng giá 4,8%. Song, ở góc độ người tiêu dùng, tôi chỉ mong có đủ điện để dùng, đảm bảo có điện đầy đủ, chứ nắng nóng mất điện thì người dân sẽ xáo trộn cuộc sống. Cùng với đó, sử dụng điện tiết kiệm và điều chỉnh mức dùng hợp lý từ việc mua, sử dụng thiết bị điện trong nhà”, chị Mai chia sẻ.
Với nhiều hộ gia đình sống ở chung cư, hầu hết các thiết bị đều dùng điện từ nấu ăn, máy giặt, máy sấy, máy rửa bát, tủ lạnh, điều hòa… Trong khi chi phí sinh hoạt tăng, thu nhập giảm, nhiều hộ đã hạn chế sử dụng các thiết bị điện để tiết kiệm điện. Chị Nguyễn Nga (Long Biên) cho biết, bắt đầu nắng nóng, gia đình chị đã bỏ máy rửa bát, dù có con nhỏ nhưng cũng hạn chế dùng máy sấy; các thiết bị điện không cần thiết như bóng đèn cũng hạn chế bật, sử dụng thêm quạt trong phòng điều hòa.
Ở góc độ doanh nghiệp nông nghiệp sử dụng nhiều điện cho sản xuất, ông Lê Trọng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH TM Rau quả Ngọc Linh Sơn La cho biết, người dân làm nông nghiệp ở khu vực Tây Bắc vào mùa khô sử dụng điện hoàn toàn 100% để bơm nước, theo đó 1 năm có tới 8 tháng dùng điện 100% cho tưới tiêu. Hiện, trung bình 1ha phụ thuộc vào điện để tưới tiêu hết khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Giờ giá điện tăng thêm thì mỗi 1ha sản xuất sẽ hết từ 7-8 triệu. “Giá điện tăng, thì chi phí sản xuất cũng tăng theo trong khi sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ, thời tiết. Thời gian này, giá hàng hóa nông sản khá rẻ, người dân hầu như thu không đủ bù chi và làm không có công. Trong bối cảnh hiện nay thì bà con cũng phải tự cố gắng duy trì sản xuất, chủ động khắc phục, giảm thiểu chi phí, điện đầu vào, cố gắng tiết kiệm điện”, ông Dũng nói.
Với vai trò là khách hàng tiêu thụ điện lớn, ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên cũng cho rằng, điều doanh nghiệp mong muốn nhất không phải là được sử dụng điện giá rẻ, mà là được sử dụng nguồn điện ổn định, có mức giá hợp lý, đúng theo cơ chế thị trường và đảm bảo chất lượng. Với doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp nặng, việc được cấp điện liên tục, không bị gián đoạn và đạt chất lượng tốt là yếu tố then chốt, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất. Khi xảy ra sự cố hay gián đoạn nguồn điện, doanh nghiệp không chỉ bị thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh nói chung.
Sử dụng điện tiết kiệm là giải pháp rất quan trọng
Để tiết kiệm điện, ông Nguyễn Văn Đạt cho biết, những năm qua, doanh nghiệp đã mời các đơn vị có năng lực, trình độ cao kiểm toán điện năng, qua đó đánh giá cũng như đưa ra những phương án tiết kiệm điện năng cho đơn vị. Đồng thời, doanh nghiệp ông cũng nâng cấp và cải tạo các dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất cũng như hiệu suất của thiết bị, áp dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật, thay đổi các thiết bị có khả năng tiết kiệm năng lượng tốt hơn để qua đó tăng trưởng kinh tế của doanh nghiệp, nhưng vẫn đồng thời duy trì chất lượng sản phẩm.
Giá điện tăng khiến người dân, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.
Là một trong 7 thành phần đại diện cơ quan bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tham gia kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện nhiều năm qua, ông Bùi Thanh Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định, qua mấy năm tham gia kiểm tra cho thấy, giá thành điện đã được kiểm tra đúng, đủ, khách quan và minh bạch.
Theo ông Thủy, tăng giá điện là chuyện tất yếu trong điều kiện hiện nay, chỉ có điều tăng giá điện phải có lộ trình, có bước đi phù hợp. Bên cạnh đó, phải xem xét từng thời điểm cụ thể để tăng giá. Mặc dù tăng giá điện lần này diễn ra bắt đầu vào mùa mùa nắng nóng, người tiêu dùng có thể cảm nhận áp lực tiền điện tăng cao, nhưng thực tế là từ năm ngoái đến năm nay mới tăng giá điện, mặc dù theo quy định của Chính phủ 3 tháng sẽ điều chỉnh giá điện một lần. Vì vậy, tiêu dùng điện tiết kiệm là vô cùng cần thiết. Mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam là 8% năm nay và các năm tiếp theo có thể là hai con số, thì ngành điện phải tăng đến 12-13%. Vì vậy, “cùng với gánh nặng của ngành điện thì hơn lúc nào hết, người tiêu dùng nên sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, khi mua sắm thiết bị gì về điện cũng cần tính toán. Và Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả sửa đổi, thì người tiêu dùng trước hết phải tiết kiệm, chứ trong điều kiện hiện nay thì không thể không tăng giá điện được”, ông Thủy nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) Đoàn Ngọc Dương cũng cho rằng, tăng cường tiết kiệm điện là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo điện, nhất là trong thời gian cao điểm mùa nắng nóng, nhu cầu điện tăng cao. “Tăng cường tiết kiệm điện. Đây cũng là một trong những giải pháp được đặt ra hết sức quan trọng. Việc chúng ta tiết kiệm điện cũng tương ứng với việc chúng ta sẽ giảm được nhu cầu, đặc biệt là vào những thời điểm cao điểm. Chúng ta cũng đã có một loạt quy định, chế tài yêu cầu đối với việc tăng cường tiết điện trong sản xuất, kinh doanh, trong tiêu dùng và đặc biệt là những thời gian cao điểm”, ông Dương cho hay.
Theo tính toán của Cục Thống kê được EVN công bố, việc tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% sẽ tác động trực tiếp lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2025 khoảng 0,09%. Song, TS Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, điện là năng lượng đầu vào thiết yếu của sản xuất nên sẽ không chỉ tác động trực tiếp lên CPI mà còn tác động gián tiếp/lan tỏa thông qua tăng giá các mặt hàng khác sử dụng điện, do đó, cần kiểm soát biến động giá cả hàng hóa, kiểm soát hiện tượng “té nước theo mưa”, lợi dụng tăng giá hàng hóa theo giá điện.
Lưu Hiệp
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/thi-truong/tiet-kiem-su-dung-dien-de-giam-ap-luc-tang-gia-i767925/