''Tiết kiệm xanh'' hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn

''Tiết kiệm xanh'' hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn
11 giờ trướcBài gốc
Các hội viên phân loại rác thải, thu gom rác thải nhựa tại xã Tà Nung, Đà Lạt
NHỮNG TẤM THẺ BẢO HIỂM TỪ TÌNH THƯƠNG
Với nụ cười, chị Đa Cát K’Jan cho chúng tôi xem tấm thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) màu xanh được chị cất kỹ trong người. “Nhờ nó mà gia đình tôi đỡ tốn kém nhiều lắm”, chị nói. Sinh 1987, chị K’Jan, người Tổ 12, Thôn 3, xã Tà Nung, Đà Lạt là một trong những hội viên có hoàn cảnh khó khăn được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ thẻ BHYT khi bản thân mang bệnh. Chị K’Jan cho biết, gia đình chị có 5 người gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con. Vài năm gần đây chị phát hiện mắc bệnh cần được điều trị, 2 tháng chị phải đi khám 1 lần. Không may, chồng chị cũng bị mắc bệnh, bệnh phổi cũng cần đi bệnh viện điều trị lâu dài. Trong khi đó, cả 3 đứa con chị đều còn nhỏ, trong tuổi đi học, thu nhập gia đình làm ra không đủ trang trải. Chi phí khám, chữa bệnh của hai vợ chồng cũng rất tốn kém nên gần đây gia đình phải vay mượn nhiều từ người nhà, người quen.
Biết hoàn cảnh của gia đình chị nên Hội Phụ nữ xã đã chủ động liên hệ để tặng chị một tấm thẻ BHYT. “Lúc trước, đi khám định kỳ và mua thuốc rất tốn kém, phải mất tới trên 1 triệu đồng 1 lần, có lần mất đến gần 2 triệu đồng khi không có thẻ. Nhờ có thẻ mà chi phí được giảm xuống nhiều, giờ chỉ mất chừng vài trăm ngàn đồng thôi”, chị K’Jan cho biết.
Chị Đa Cát K’Jan bảo rằng khi nhận được tấm thẻ BHYT khám, chữa bệnh chị và gia đình rất vui mừng. “Vì mình khó khăn chứ cũng biết cần mua thẻ để khám, chữa bệnh đỡ tiền, nên khi nhận được, gia đình rất vui. Thẻ này tôi biết có sự chung tay của rất nhiều người trong xã nên tôi cảm thấy may mắn vì biết mọi người, biết chị em phụ nữ trong xã quan tâm giúp đỡ mình. Có lẽ nhờ thế mà bệnh tình cũng có giảm”, chị nói.
Một trường hợp khác mà chúng tôi có dịp gặp tại xã là bà Võ Thị Thu - người cũng được Hội Phụ nữ xã Tà Nung hỗ trợ tặng thẻ BHYT vừa qua. Năm nay 63 tuổi, bà Thu người Thôn 4, xã Tà Nung, mang trong mình một căn bệnh hiểm nghèo. Bệnh kéo dài, nên chi phí khám, chữa bệnh từ đó cũng tăng theo, mỗi tháng gia đình phải đưa bà đi khám bệnh 1 lần rất tốn kém, gia đình lâm vào khó khăn, chỉ trông cậy vào nguồn thu nhập chính từ chồng bà nhưng cũng không đủ vào đâu.
Thông qua cấp hội cơ sở, ngay khi Mô hình “Tiết kiệm xanh” được phát động trong xã và gây quỹ được, Hội Phụ nữ xã đã chủ động đến nhà hỗ trợ thẻ BHYT để chia sẻ bớt gánh nặng về bệnh tật cho gia đình bà.
CÙNG CHIA SẺ CHO MỘT MÔI TRƯỜNG XANH
Bà Nguyễn Thị Cẩm Sương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Nung cho biết, hiện Hội có 582 hội viên trong 6 chi hội của xã từ Thôn 1 đến Thôn 6, trong đó chiếm đa số là hội viên người dân tộc thiểu số với 395 người.
Theo bà Sương, Mô hình “Tiết kiệm xanh” đã triển khai tại xã Tà Nung được 3 năm nay. Trước đó, Hội Phụ nữ xã để giúp đỡ những hội viên khó khăn, bệnh tật phải vận động tìm nguồn quỹ từ các nhà hảo tâm tại xã, trong TP Đà Lạt hay trong tỉnh. Trong 3 năm gần đây, khi xây dựng Mô hình “Tiết kiệm xanh” nhờ sự vận động tích cực của các cấp Hội trong xã, các hội viên đã cùng chung tay phân loại rác thải, thu gom rác thải nhựa, bán lấy tiền góp quỹ để mua và tặng thẻ BHYT cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong xã. “Mô hình “Tiết kiệm xanh” này là kết quả của một quá trình tìm hiểu, tham khảo, có tính sáng tạo của phụ nữ trong xã chúng tôi. Hội nhận thấy việc quyên góp hỗ trợ thẻ BHYT cho những hội viên khó khăn là rất cần thiết, thiết thực, thể hiện rõ nét tinh thần “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Việc có một tấm thẻ BHYT cho các gia đình với điều kiện kinh tế bình thường thì có vẻ đơn giản. Tuy nhiên, đối với những người bệnh tật, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thẻ BHYT quý giá hơn bao giờ hết”, bà Sương cho biết.
Hội Phụ nữ xã Tà Nung đã phát động việc thu gom rác thải nhựa trong xã, thời gian quyên góp vào ngày 19/5 hằng năm. Trước khoảng 1 đến 2 tuần, Hội Phụ nữ xã sẽ thông báo mọi người bán gây quỹ mua thẻ BHYT hỗ trợ. Số tiền bán được sẽ được công khai trước toàn thể hội viên. Cuối mỗi năm, Hội cũng sẽ tuyên dương, khen thưởng những hội viên có thành tích đóng góp tốt. Từ khi triển khai cho đến nay, Hội Phụ nữ xã Tà Nung đã trao được 12 thẻ BHYT đến tay các hội viên của mình - những người không có điều kiện mua thẻ vì những lý do khác nhau, trong đó có 11 người là hội viên người dân tộc thiểu số. Việc làm này theo bà Sương, không chỉ giúp những hội viên là người đồng bào tiếp cận được với các dịch vụ khám, chữa bệnh một cách kịp thời, hiệu quả mà còn tạo thêm sự tin tưởng ở Hội.
Để mô hình này vận hành hiệu quả, Hội Phụ nữ xã Tà Nung đã phối hợp tốt với các chi hội ở các thôn, nắm bắt thông tin hoàn cảnh của hội viên để giúp đỡ kịp thời. “Không chỉ tặng thẻ BHYT, chúng tôi còn vận động hội viên trong xã cũng như người dân trong xã cùng đồng lòng chia sẻ, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, lá lành đùm lá rách”, bà Sương nói.
Hiệu quả ở mô hình này như bà Sương cho biết, không chỉ ngừng lại ở việc giúp đỡ những hội viên khó khăn có tấm thẻ BHYT mà còn hướng đến một mục tiêu nữa, đó là hình thành thói quen tiết kiệm, dành dụm cũng như hướng đến việc bảo vệ môi trường thông qua phân loại rác thải tại nguồn trong hội viên phụ nữ và cả cộng đồng dân cư trong xã, thu gom rác thải nhựa để tái chế, giảm thiểu rác thải phát tán ra môi trường. “Chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều tấm thẻ BHYT nữa được trao đến tay của những người khó khăn để họ có thêm niềm hy vọng, thêm nhiều niềm tin yêu vào cuộc sống”, bà Sương cho biết.
VIẾT TRỌNG - KHÁNH NINH
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202412/tiet-kiem-xanh-ho-tro-nguoi-co-hoan-canh-kho-khan-bec257c/