Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại trại tị nạn al-Shati, Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 6/7, các chi tiết mới về đề xuất ngừng bắn tại Gaza đã được tiết lộ, trong bối cảnh Israel cử phái đoàn đàm phán tới Qatar, chỉ vài ngày trước chuyến thăm của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tới Nhà Trắng. Diễn biến này làm dấy lên hy vọng về khả năng đạt được thỏa thuận giữa Israel và Hamas, giữa lúc xung đột leo thang tại vùng đất bị phong tỏa.
Cùng ngày, Bộ Y tế Gaza cho biết một cuộc không kích nhằm vào một bệnh viện đã khiến ít nhất 38 người Palestine thiệt mạng.
Theo hãng tin AP dẫn nguồn tin tham gia đàm phán, bản đề xuất mới nhất trình lên Hamas đề cập đến một lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày, trong đó Hamas sẽ trả 10 con tin còn sống và 18 thi thể. Đổi lại, quân đội Israel sẽ rút về vùng đệm dọc biên giới với Gaza và Ai Cập, đồng thời cho phép viện trợ nhân đạo quy mô lớn vào khu vực.
Viện trợ sẽ được phân phối bởi các cơ quan của Liên hợp quốc và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine. Tuy nhiên, đề xuất không nêu rõ vai trò của Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) - tổ chức được Mỹ hỗ trợ và từng gây tranh cãi vì mô hình hoạt động.
Giống như các thỏa thuận ngừng bắn trước đây, một số tù nhân Palestine sẽ được thả để đổi lấy con tin, song con số cụ thể vẫn chưa được thống nhất.
Đề xuất không cam kết chấm dứt chiến tranh - một yêu cầu then chốt từ phía Hamas - nhưng cho biết các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn sẽ được tiến hành trong thời gian 60 ngày này. Trong tài liệu, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ bảo đảm Israel tuân thủ ngừng bắn và đích thân công bố thỏa thuận.
Lời đảm bảo của ông Trump được coi là một nỗ lực nhằm trấn an Hamas, sau khi Israel từng đơn phương nối lại chiến sự hồi tháng 3 dù chưa kết thúc đàm phán gia hạn ngừng bắn.
Tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố Israel đã chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 60 ngày, song chưa rõ đây có phải là đề xuất vừa được tiết lộ hay không. Hamas hiện yêu cầu sửa đổi một số điều khoản nhưng chưa công bố cụ thể.
Trong lúc đàm phán diễn ra, xung đột tại Gaza tiếp tục căng thẳng. Ngày 5/7, một quan chức Israel xác nhận nội các an ninh đã phê duyệt việc nối lại viện trợ tới miền Bắc Gaza - nơi đang chịu cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng. Khu vực này chỉ nhận được viện trợ rất hạn chế kể từ khi lệnh ngừng bắn hồi tháng 3 sụp đổ.
Trong những ngày gần đây, các đợt không kích của Israel gia tăng cường độ. Ông Mohammed Abu Selmia - Giám đốc Bệnh viện Shifa - cho biết hai ngôi nhà ở Thành phố Gaza bị trúng bom, khiến 20 người thiệt mạng và 25 người bị thương. Phía quân đội Israel nói họ nhắm vào các chiến binh Hamas tại hai địa điểm trong khu vực.
Tại miền Nam, ít nhất 18 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích ở khu vực Muwasi – nơi hàng nghìn người sơ tán đang trú ẩn. Truyền thông địa phương cho biết trong 24 giờ qua, Israel đã tấn công khoảng 130 mục tiêu tại Gaza. Quân đội Israel hiện chưa đưa ra bình luận, chỉ tuyên bố các cuộc không kích nhằm vào cơ sở chỉ huy, bệ phóng và kho vũ khí của Hamas.
Trước vòng đàm phán mới tại Qatar, Văn phòng Thủ tướng Netanyahu tuyên bố Hamas đang đưa ra “những điều chỉnh không thể chấp nhận được”. Trong khi đó, phía Hamas đánh giá phản hồi của họ là “tích cực”, với điều kiện lệnh ngừng bắn phải dẫn đến chấm dứt hoàn toàn chiến tranh và rút quân Israel khỏi Gaza.
Tuy nhiên, đây vẫn là điểm bế tắc cốt lõi. Hamas muốn có cam kết chắc chắn về việc chấm dứt chiến sự, trong khi ông Netanyahu nhiều lần tuyên bố Israel sẽ không ngừng chiến đấu cho đến khi “xóa sổ Hamas”.
Chiến sự bùng phát từ ngày 7/10/2023 khi Hamas tấn công Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 251 người bị bắt làm con tin. Đáp lại, Israel phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn trên bộ vào Gaza.
Theo Cơ quan y tế Gaza, chiến dịch của Israel đã khiến hơn 57.000 người Palestine thiệt mạng, hơn một nửa trong số đó là phụ nữ và trẻ em.
Bảo Hà/Báo Tin tức và Dân tộc