Tiểu Cần: Hiệu quả tín dụng chính sách từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW

Tiểu Cần: Hiệu quả tín dụng chính sách từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW
16 giờ trướcBài gốc
Nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách, ngày 22/11/2014 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40- CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội “. Ngày 14/3/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 401/QĐ-TTg ”Ban hành Kế hạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Để tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức xây dựng kế hoạch, tham mưu nhiều chính sách giảm nghèo.
Những năm qua, mặc dù ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội luôn được Chính phủ quan tâm, bố trí cấp vốn điều lệ, vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động tín dụng chính sách trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; trích nguồn vốn Ngân sách ủy thác qua ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị làm việc; xác nhận đối tượng vay vốn, chỉ đạo củng cố chất lượng tín dụng; bố trí Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tham gia là thành viên Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện và nhất là quan tâm bố trí về địa điểm, thời gian, an ninh, an toàn đối với các buổi làm việc của Ngân hàng Chính sách xã hội tại điểm giao dịch xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh đó, hoạt động của Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH các cấp đã được củng cố, kiện toàn kịp thời, chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện. Điều này góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã, phường, thị trấn đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở.
Ông Lê Chí Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT Phòng giao dịch NHCSXH huyện phát biểu
Ngoài ra, tổ chức chính trị xã hội các cấp cũng đã thực hiện tốt nội dung ủy thác, thường xuyên tham gia giao ban với Ngân hàng CSXH để nắm bắt và tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, tăng cường củng cố hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp lồng ghép chuyển giao khoa học, kỹ thuật cùng với giải ngân nguồn vốn vay giúp bà con biết cách đầu tư, tổ chức kinh doanh phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn. Nhờ vậy, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội tham gia vào hoạt động tín dụng chính sách.
Bà Lê Thị Kim Loan – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Phát biểu thảo luận
Các chương trình tín dụng tại các địa phương đã và đang làm thay đổi cuộc sống cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở… Nguồn vốn chính sách cũng đã trở thành điểm tựa giúp các hộ vay vốn sản xuất, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tiểu Cần là huyện nông nghiệp với diện tích tự nhiên trên 227 km2, có 11 đơn vị hành chính với 9 xã và 2 thị trấn, dân số trên 109 ngàn người, trong đó đồng bào Khmer chiếm trên 31%. Trước khi Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành Tại thời điểm đó huyện Tiểu Cần là huyện khó khăn 9/9 xã và 01 số khóm được xếp vào Chương trình 135 của Chính phủ với tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 15% tương đương 4.204 hộ, công tác tiếp cận tín dụng của các đối tượng là hộ nghèo, các hộ khó khăn trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn, một phần do thiếu kênh tín dụng tiếp cận, một phần chưa có chính sách tín dụng chính sách ưu đãi cho các hộ thuộc các đối tượng yếu thế.
Từ khi Chỉ thị 40 - CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Công văn số 726 ngày 04/6/2015 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được ban hành; Huyện Ủy - UBND huyện Tiểu Cần đã ban hành các văn bản, tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy. Có thể khẳng định rằng, Chỉ thị được ban hành rất phù hợp với thực tiển, nên có tác động mạnh mẽ, tích cực đối với người dân.
UBND huyện luôn quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện cho Phòng giao dịch NHCSXH huyện triển khai đồng bộ các giải pháp để phát huy nguồn vốn vay đến các đối tượng được thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn vay, tạo động lực về vốn để phát triển sản xuất tăng thu nhập góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần cho huyện Tiểu Cần hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; huyện nông thôn mới và huyện nông thôn mới nâng cao và hiện tại 9/9 xã của huyện đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 và huyện Tiểu Cần đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023 tại Quyết định số 548 ngày 20/6/2024.
Với phương thức cho vay ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gắn đã lồng ghép các chương trình cho vay như: Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển của tỉnh đầu tư cho 834 hội viên được tiếp cận vốn với số tiền trên 5 tỷ 509 triệu đồng; Hội Nông dân huyện với mô hình vốn khởi nghiệp đầu tư cho 10 hội viên tiếp cận vốn với số tiền 500 triệu đồng; Hội Cựu chiến binh với mô hình: Quỹ nội bộ giúp nhau phát triển kinh tế với số tiền 2 tỷ 775 triệu đồng; Đoàn Thanh niên mô hình: Quỹ quốc gia về việc làm của Trung ương đoàn đầu tư cho vay 800 triệu đồng hỗ trợ cho vay sản xuất mật hoa dừa Sokfam…
Hoạt động tại các Điểm giao dịch xã của NHCSXH đã được tuyên truyền đến tận các ấp khóm làm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách, dịch vụ ngân hàng rất tiện lợi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, tiết giảm chi phí, thời gian giao dịch, chi phí đi lại của người vay, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” và cách thức “Giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”. Mô hình này đang phát huy hiệu quả và nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, của cấp ủy, chính quyền địa phương.
NHCSXH huyện Tiểu Cần giao dịch tại xã Ngãi Hùng
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW trên địa bàn huyện, tổng nguồn vốn NHCSXH huyện thực hiện quản lý đạt 515,93 tỷ đồng, tăng 322,89 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,7%/năm. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay ưu đãi các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện trên địa bàn huyện đã được đầu tư đến 100% ấp, khóm, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách kịp thời.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 16.189 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần giảm trên 4.041 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho 13.523 lao động (trong đó cho 1.136 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp 1.665 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 7.265 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng 351 căn nhà cho hộ nghèo, giúp cho 9 khách hàng vay vốn để xây, mua nhà ở xã hội ... Chỉ thị số 40-CT/TW có rất nhiều nội dung, nhưng trong đó có một nội dung rất quan trọng, đó là chuyển vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. Từ khi có Chỉ thị (năm 2014) đến nay nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang NHCSXH đạt 12 tỷ 858 triệu đồng để cho vay các Chương trình tín dụng trên địa bàn.
Trần Thanh Tuyền
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/tieu-can-hieu-qua-tin-dung-chinh-sach-tu-khi-thuc-hien-chi-thi-40-cttw-159181.html