Tiểu cảnh tái hiện lại không gian làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) trước khi bị đô thị hóa.
Trước bối cảnh bức tranh nông thôn Việt Nam còn nhiều gam màu “ảm đạm”, sản xuất manh mún, hạ tầng nông thôn kém phát triển, người dân có mức sống thấp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020 ra đời là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) không nằm ngoài xu thế đó.
Để xây dựng nông thôn mới, người dân đã tích cực hiến đất mở rộng đường làng. Một số công trình, cây cối buộc phải di dời, trong đó có cây đề đối diện trước chùa Triều Khúc. Theo các cụ cao niên kể lại, cây đề này có tuổi đời khoảng 400 năm. Trong ảnh, người dân chỉ vị trí cây đề trước khi rời đi để mở rộng đường.
Cây đề hàng trăm năm tuổi được di chuyển ra vị trí mới, cách đó hơn 30m.
Cây đề nằm trong hệ thống cụm di tích của làng Triều Khúc gồm: Chùa Triều Khúc, đền Tam Thánh, đền Đức Thánh Tổ, đình thờ Sắc, Thủy đình, ao chùa. Đây chính là không gian tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của các thế hệ người dân Triều Khúc từ khi lập làng đến nay.
Chùa Triều Khúc (còn gọi chùa Hương Vân)
Thủy đình (còn gọi Đình sàn).
Đình thờ Sắc.
“Vào khoảng những năm 2010, khi có chủ trương xây dựng Nông thôn mới, cây đề phải di dời theo quy hoạch, không còn ở vị trí cũ. Tôi cũng như nhiều người dân trong làng tuy cũng vui mừng trước sự phát triển của quê nhà, nhưng ẩn sâu trong đó là sự nuối tiếc trước việc di dời này. Bởi vậy, cũng sẵn thú chơi sinh vật cảnh lâu năm, tôi quyết định lưu giữ, tái hiện lại không gian nguyên bản của làng quê thông qua mô hình tiểu cảnh”, nghệ nhân Hồ Minh Hải (57 tuổi, trú tại làng Triều Khúc), tác giả tiểu cảnh “Hồn quê” chia sẻ.
Không gian làng quê Triều Khúc với vị trí trung tâm là cây đề, cùng với các di tích như chùa, đình, đền, ao được nghệ nhân Hải phục dựng thông qua mô hình tiểu cảnh theo tỉ lệ 1/1.000 với tổng kinh phí thời điểm đó là hơn 100 triệu đồng (không tính công sức bỏ ra).
Trong đó, công đoạn khó nhất là làm sao phải tìm một cây để có dáng thế y như cây đề cổ thụ. Cây đề cổ thụ được trồng sát bờ ao, có một cành ngả xuống, sà bóng xuống mặt ao. Theo ngôn ngữ của người chơi sinh vật cảnh đó là “dáng huyền” (giống dấu huyền), nhưng hầu hết cây đề đều có “dáng trực” (thẳng đứng), nên việc tìm cây đúng với ý tưởng của tác giả chẳng khác gì mò kim đáy bể.
Sau gần 1 năm trời lùng sục hàng trăm nhà vườn ở rất nhiều tỉnh thành, nghệ nhân Hải cuối cùng đã tìm được cây đề như ý muốn. “Cây có dáng huyền, kích thước nhỏ nhưng gốc cây xù xì, bộ rễ phát triển đồ sộ, gân guốc, màu xám xịt y như một cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm”, nghệ nhân Hải nói.
Chất liệu tạo nên tác phẩm hoàn toàn bằng đất nung. Nghệ nhân Hải phải sang tận làng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) để chọn mua đất. Sau đó, chở về làng Triều Khúc để nặn thủ công, rồi đem trở lại làng gốm để thực hiện công đoạn nung.
Theo nghệ nhân Hải, khác với việc thiết kế những công trình lớn, quá trình sáng tạo tiểu cảnh đòi hỏi người làm phải tập trung cao độ và tỉ mỉ gấp nhiều lần. Bởi các chi tiết tiểu cảnh rất nhỏ, việc hoàn thiện cần nhiều thời gian, công sức và cả tâm huyết.
Để cho ra đời một mô hình tiểu cảnh hoàn thiện, nghệ nhân Hải phải trải qua nhiều công đoạn như: Làm đế chậu, sân gạch, tường bao, cổng tam quan, nhà, mái ngói, các họa tiết phức tạp (như rồng, phượng, hoa văn), hoành phi, câu đối,...
Với tâm huyết và tình yêu quê hương tha thiết, sau hàng tháng trời tạo tác, nghệ nhân Hải đã hoàn thiện mô hình tiểu cảnh “Hồn quê” vào đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tiểu cảnh đã tái hiện một cách chi tiết, tỉ mỉ “trái tim” của làng Triều Khúc gồm: Chùa Triều Khúc, đền Tam Thánh, đền Đức Thánh Tổ, đình thờ Sắc, Thủy đình, ao chùa.
“Tiểu cảnh này đã tái hiện một cách chân thực, chính xác, đầy đủ trung tâm văn hóa tâm linh của làng Triều Khúc. Người dân nơi đây theo đạo Phật, có phần ảnh hưởng bởi tín ngưỡng Trung Hoa (tại đền Tam Thánh có thờ Ngọc Hoàng, Tam cung Tứ Đế, Quan Công)”, tiến sĩ Nguyễn Duy Huệ (73 tuổi), người làng Triều Khúc đánh giá.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Huệ chia sẻ thêm, người dân nơi đây còn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các tín ngưỡng trong nước như đạo Mẫu, thờ những người có công với nước với làng (Đức Thánh Trần, Tổ nghề Vũ Đức Úy), tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng (Đức thánh Phùng Hưng, tức Bố Cái Đại Vương, người đã có công lãnh đạo Nhân dân khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đường và giành thắng lợi).
Đối với những người làng Triều Khúc lập nghiệp xa quê, tiểu cảnh đã và đang góp phần lưu giữ hồn quê. Thông qua đây, họ có cơ hội hồi ức về một làng quê xưa, nhớ lại những kỷ niệm bên gia đình, ông bà, cha mẹ, bè bạn.
“Hồi nhỏ, tôi hay trèo lên cành huyền của cây đề và nhảy xuống ao tập bơi. Tại đây, tôi đã dạy và hướng dẫn nhiều bạn cùng làng biết bơi. Thế hệ chúng tôi giờ cũng đều ở độ tuổi thất thập rồi, mỗi khi nhìn lại tác phẩm này, biết bao nhiêu ký ức tuổi thơ lại ùa về!”, ông Dương Xuân Hùng (72 tuổi), người làng Triều Khúc chia sẻ.
Còn đối với du khách, tiểu cảnh đã giúp họ hiểu thêm về truyền thống của làng Triều Khúc. “Nhờ tiểu cảnh, chúng tôi đã hiểu hơn về đời sống văn hóa, tín ngưỡng nơi đây. Cũng qua tiểu cảnh, chúng tôi có một cách nhìn tổng quan, nhưng cũng rất cụ thê về những di tích lịch sử, những dấu tích quan trọng của ngôi làng cổ này”, anh Hoàng Văn Mạnh (47 tuổi, trú tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ.
“Hơn hết, tiểu cảnh còn là minh chứng cho sự đổi thay, vươn mình, bứt phá của một ngôi làng cổ trong hành trình bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc VN. Nhưng trong hành trình đó, các giá trị văn hóa truyền thống luôn được chúng tôi trân trọng, bảo lưu, kế thừa và phát huy rực rỡ”, anh Hồ Minh Hải giải thích.
Trường Hùng