Tiêu chảy cấp ở trẻ sơ sinh cần chú ý những điều sau

Tiêu chảy cấp ở trẻ sơ sinh cần chú ý những điều sau
3 giờ trướcBài gốc
Nhận biết tiêu chảy cấp ở trẻ sơ sinh
Tiêu chảy là tình trạng tiêu phân lỏng bất thường (toàn nước) ≥ 3 lần/24 giờ.
Bệnh tiêu chảy có 3 thể lâm sàng chính:
Tiêu chảy cấp: tiêu chảy < 14 ngày.
Hội chứng lỵ: tiêu phân lỏng kèm máu trong phân.
Tiêu chảy kéo dài: tiêu chảy ≥ 14 ngày (≥ 30 ngày: tiêu chảy mạn tính).
Khi bị tiêu chảy, trẻ thường mệt mỏi, bỏ bú, đi ngoài nhiều lần, đi ngoài phân lỏng có màu vàng hoặc xanh, có thể có máu. Mất nước là biểu hiện đáng lo nhất của tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Biểu hiện cảnh báo theo từng mức độ như sau:
Khi trẻ bị tiêu chảy các bậc cha mẹ cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị đúng cách.
Mất nước mức độ nhẹ
Khô miệng, khô mắt, khóc ít chảy nước. mắt hoặc không chảy nước mắt.
Đi tiểu ít hơn bình thường.
Bé mệt mỏi, hay quấy khóc.
Mất nước mức độ vừa
Da khô.
Xuất hiện hiện tượng trũng mắt.
Bé lờ đờ hoặc li bì.
Mất nước mức độ nặng
Thóp trũng, da bé mất khả năng đàn hồi.
Trẻ không đi tiểu trong vòng 6 giờ.
Rất lờ đờ, li bì có khi hôn mê, bất tỉnh.
Mạch đập nhanh, tụt huyết áp.
Ngoài ra, nếu trẻ tiêu chảy có dấu hiệu sau cần đến bệnh viện ngay lập tức:
Trẻ đi ngoài phân có nhầy, máu.
Tình trạng tiêu chảy ngày càng trở nặng.
Trẻ bú kém hoặc nôn ói nhiều.
Sốt.
Trẻ bứt rứt, hoặc li bì khó đánh thức.
Tình trạng này vô cùng nguy hiểm, với các triệu chứng chính là tiêu chảy, nôn, mất nước, rối loạn điện giải, nếu không được điều trị kịp thời trẻ có thể dẫn đến tử vong.
Cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy?
Khi trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy thì các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị đúng cách.
Đối với trẻ trên 1 tháng tuổi, bệnh tiêu chảy ở thể nhẹ có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, cần theo dõi sát sao và chăm sóc đúng. Tránh biến chứng nguy hiểm nhất là mất nước, nếu không bù nước kịp thời, mất nước có thể làm trẻ suy kiệt gây trụy mạch, suy thận cấp và tử vong.
Tại cơ sở y tế, nếu tình trạng tiêu chảy ở trẻ không quá nguy hiểm bác sĩ có thể cho mẹ tự theo dõi bé tại nhà mà không cần nhập viện. Tại nhà, cha mẹ cho trẻ dùng thuốc đúng theo chỉ định của các bác sĩ.
Chú ý bù nước cho trẻ đúng cách: Việc đầu tiên cha mẹ cần làm khi phát hiện con mình bị tiêu chảy là bổ sung nước cho trẻ. Trong giai đoạn sơ sinh, tốt nhất dùng sữa mẹ (hoặc sữa bột) để bổ sung nước theo nguồn thức ăn của trẻ. Hãy cho bé bú nhiều hơn và có thể chia nhỏ các cữ bú để giúp hệ tiêu hóa của trẻ có thể dễ dàng tiêu hóa, tránh mất nước và dinh dưỡng.
Đối với mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn bởi trẻ sơ sinh vẫn đang bú mẹ hoàn toàn, do vậy chế độ dinh dưỡng của mẹ cũng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ. Trong giai đoạn bé bị tiêu chảy mẹ nên ăn các thực phẩm dễ tiêu như thịt nạc, chuối, sữa chua… Hạn chế các món chiên rán nhiều dầu mỡ, tránh tuyệt đối các thực phẩm sống, tái… để tránh làm tình trạng tiêu chảy của bé thêm trầm trọng.
Cha mẹ cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé như thay tã thường xuyên, rửa tay sau khi thay tã cho bé, rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và khi cho bé bú…
Cha mẹ nên rửa tay sau khi thay tã cho bé, rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và khi cho bé bú…
Lời khuyên của bác sĩ
Tiêu chảy là vấn đề hay gặp, vì vậy việc phòng tránh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh có ý nghĩa rất quan trọng. Việc đầu tiên mẹ cần làm là đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho trẻ nhất là đôi bàn tay khi chăm sóc trẻ, vệ sinh vú mẹ trước khi cho trẻ bú.
Vệ sinh nhà ở, phòng ngủ khi trẻ ở sạch sẽ, tránh vi khuẩn cũng như các hóa chất vô hình khác có thể theo đó xâm nhập vào đường ruột.
Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời nếu có thể. Nếu trẻ bú sữa công thức cần đảm bảo loại sữa đó an toàn phù hợp với cơ địa của bé. Ngoài ra mẹ cũng cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của ngành y tế.
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận điều trị thành công cho một trường hợp trẻ sơ sinh có triệu chứng tiêu chảy cấp, mất nước nặng.
Theo thông tin từ gia đình, trẻ 11 ngày tuổi, là con thứ 2, trẻ bú bình và ăn sữa công thức hoàn toàn. Cách vào viện 2 ngày, trẻ có biểu hiện đi ngoài phân lỏng tràn bỉm khoảng 20 lần/ngày, nhưng gia đình chưa đưa trẻ đi khám ngay. Đến khi trẻ kích thích, quấy khóc liên tục, bỏ bú, nôn… mới được đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Qua thăm khám các bác sĩ thấy trẻ tím toàn thân, mắt trũng, môi khô, nếp véo da mất rất chậm, chồng khớp sọ, đi ngoài phân bạc màu, nhiều nước, rối loạn nhịp thở… Trẻ được chẩn đoán tiêu chảy cấp, mất nước nặng.
Ngay khi được tiếp nhận, trẻ nhanh chóng được điều trị thở máy, dùng thuốc kháng sinh, bù dịch bằng đường tĩnh mạch số lượng lớn, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm. Sau 3 ngày, trẻ được cai thở máy. Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe trẻ ổn định hơn và đã được xuất viện: trẻ tỉnh táo, ăn được, không quấy khóc, không nôn, da hồng hào, đi ngoài 2 lần/ngày.
BS Nguyễn Phương Thu
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/tieu-chay-cap-o-tre-so-sinh-can-chu-y-nhung-dieu-sau-169241026194601929.htm