Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã xóa bỏ những định kiến lâu nay về năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của Nghị quyết 68 là trao cho doanh nghiệp tư nhân cơ hội để tham gia thực hiện những dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia (như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giao thông xanh, công nghiệp quốc phòng, an ninh...) thông qua cơ chế đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu.
Việc sẽ có nhiều doanh nghiệp tư nhân đề xuất được tham gia đầu tư một dự án trọng điểm đặt ra vấn đề phải có những tiêu chí lựa chọn phù hợp để triển khai. Ảnh: LH
Ngay sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, một số doanh nghiệp lớn trong nước đã đề nghị được đầu tư công trình đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Hai đề xuất đầu tư của VinSpeed và Thaco về cơ bản cho thấy doanh nghiệp tư nhân tự tin có khả năng hoàn thành được dự án trong khoảng thời gian và mức đầu tư mà Quốc hội đã phê duyệt.
Việc sẽ có nhiều doanh nghiệp tư nhân đề xuất được tham gia đầu tư một dự án quan trọng, trọng điểm nào đó của quốc gia trong thời gian tới đặt ra vấn đề các cơ quan nhà nước phải có những tiêu chí nhằm lựa chọn doanh nghiệp phù hợp để triển khai dự án.
Dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia: đòn bẩy hay gánh nợ cho sự phát triển của đất nước?
Lâu nay chúng ta thường mặc nhiên cho rằng khi một dự án cơ sở hạ tầng (CSHT) lớn của quốc gia được xây dựng thì sẽ tạo ra đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Thực tế không hẳn như vậy. Một dự án lớn, khi được hoàn thành, sẽ trở thành một nốt trong mạng lưới cấu trúc vốn của nền kinh tế. Cấu trúc vốn này được hình thành và điều chỉnh nhịp nhàng bởi tính toán của hàng triệu doanh nhân. Dự án CSHT chỉ thực sự hiệu quả khi nó được các doanh nhân khác bỏ vốn ra đầu tư các dự án khác để kết nối với nó (tức sử dụng sản phẩm, dịch vụ do dự án CSHT đó cung cấp), giúp cho nó được khai thác hết công suất (dự án A trong hình minh họa). Trong trường hợp không được các doanh nhân khác hưởng ứng, nó sẽ thiếu kết nối với các dự án khác trong mạng lưới; công suất của nó sẽ bị dư thừa, gây lãng phí, thậm chí trở thành gánh nặng của nền kinh tế (dự án B trong hình minh họa).
Với định hướng trở thành một nước phát triển có thu nhập cao trong khoảng thời gian 20 năm nữa, Việt Nam sẽ cần phát triển đồng thời rất nhiều dự án CSHT. Nhu cầu này làm nảy sinh hai vấn đề vĩ mô cần phải tháo gỡ.
Thứ nhất, các dự án phát triển CSHT cần rất nhiều vốn. Theo tính toán của Tập đoàn Phát triển hạ tầng tư nhân (PIDG), tổng số tiền phục vụ nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng của Việt Nam từ nay đến năm 2040 là khoảng 570 tỉ đô la Mỹ. Là một nước đang phát triển, tiết kiệm trong nước rất có hạn. Nếu chúng ta sử dụng vốn trong nước quá nhiều để phát triển CSHT trong một khoảng thời gian ngắn sẽ dẫn đến tình trạng vốn dành cho các hoạt động kinh tế khác sẽ bị thiếu hụt. Khi nền kinh tế thiếu vốn, lãi suất trong nước sẽ bị đẩy lên cao, các doanh nghiệp trong nước mong muốn phát triển các dự án đầu tư khác để khai thác những dự án CSHT mới xây dựng sẽ bị dừng lại. Điều này sẽ khiến cho các dự án CSHT này bị lãng phí, giống như dự án B trong hình vẽ minh họa. Trong trường hợp chúng ta lạm dụng chính sách tiền tệ bằng cách mở rộng cung tiền để đáp ứng nhu cầu vốn này, lạm phát sẽ xuất hiện, dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô.
Để tránh nguy cơ sử dụng quá nhiều nguồn vốn trong nước, một yêu cầu cần đặt ra cho doanh nghiệp được lựa chọn là phải huy động được nguồn vốn nước ngoài... Doanh nghiệp được lựa chọn cũng cần phải được yêu cầu tham gia vào việc tạo dòng ngoại tệ chảy vào cho nền kinh tế.
Thứ hai, để đảm bảo tiến độ và chất lượng cho các dự án phát triển CSHT, chúng ta sẽ buộc phải nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu mà trong nước không có. Đây là một yêu cầu khách quan vì năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng đủ và dự án không thể đợi nếu muốn kịp tiến độ theo yêu cầu. Đất nước sẽ cần xuất ra một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu trong một thời gian ngắn. Nguy cơ mất cân đối cán cân thanh toán trong ngắn hạn là rất lớn, dẫn đến tiền đồng bị mất giá, và cũng dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô.
Để các dự án phát triển CSHT trở thành đòn bẩy thay vì là gánh nặng nợ nần cho kỷ nguyên phát triển cao và bền vững của đất nước thì bên cạnh việc hoàn thành dự án đúng tiến độ, chất lượng tốt và chi phí hợp lý, chúng ta cần phải giải quyết được hai vấn đề vĩ mô trên.
Tiêu chí nào để lựa chọn doanh nghiệp tư nhân trong nước thực hiện dự án quan trọng quốc gia?
Lựa chọn doanh nghiệp tư nhân trong nước thực hiện các dự án CSHT quan trọng của quốc gia, không nghi ngờ gì, sẽ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp được lựa chọn trong việc cải thiện năng lực sản xuất, từ đó mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp này tiếp tục lớn mạnh hơn nữa, không chỉ trong nước mà trên phạm vi quốc tế. Không những thế, việc doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm thực hiện các dự án CSHT quan trọng còn góp phần đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia trong phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.
Những tín hiệu gần đây từ những doanh nghiệp đề xuất tham gia đầu tư công trình đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cho thấy lực lượng doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam dường như đã có khả năng đáp ứng được những tiêu chí cơ bản để thực hiện được những dự án quy mô lớn của quốc gia, đó là tiến độ, chất lượng và chi phí hợp lý.
Nhưng một doanh nghiệp tư nhân muốn trở thành người thắng, được lựa chọn thực hiện một trong những dự án CSHT quan trọng này, thì doanh nghiệp ấy cần phải chứng tỏ hơn nữa. Đó là phải chứng tỏ mình còn có khả năng tham gia vào giải quyết các vấn đề vĩ mô, cụ thể là hai vấn đề nêu trên, mà dự án CSHT có thể gây ra cho nền kinh tế.
Để tránh nguy cơ sử dụng quá nhiều nguồn vốn trong nước, một yêu cầu cần đặt ra cho doanh nghiệp được lựa chọn là phải huy động được nguồn vốn nước ngoài. Nguồn vốn đó có thể đến từ sự góp vốn của các đối tác nhà đầu tư nước ngoài hoặc vay dài hạn từ các định chế tài chính nước ngoài. Nếu doanh nghiệp chứng minh được giải pháp huy động khả thi, với tỷ lệ vốn nước ngoài càng nhiều thì càng được điểm cao.
Doanh nghiệp được lựa chọn cũng cần phải được yêu cầu tham gia vào việc tạo dòng ngoại tệ chảy vào cho nền kinh tế. Không chỉ là vấn đề dự án phát triển CSHT đòi hỏi phải tiêu tốn một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu trong thời gian triển khai dự án, mà còn là vấn đề sẽ phải huy động ngoại tệ để chi trả nợ trong tương lai cho các khoản vay bằng ngoại tệ. Bất kể giải pháp nào để tạo ra dòng ngoại tệ chảy vào đất nước đều có ý nghĩa tương đương. Đó có thể là tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hay thu hút khách du lịch nước ngoài. Doanh nghiệp thực hiện dự án phát triển CSHT trọng điểm không nhất thiết phải đồng thời triển khai thực hiện các dự án liên quan khác đến tạo ra dòng vào ngoại tệ. Nhưng doanh nghiệp ấy cần phải chứng tỏ có những doanh nghiệp khác trong cùng hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp liên kết thực hiện nhiệm vụ này.
Những tiêu chí khác liên quan đến đổi mới sáng tạo, liên kết với doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặc dù cũng quan trọng, nhưng không phải là những tiêu chí ưu tiên. Việc doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện đúng hạn dự án với chất lượng tốt và chi phí hợp lý, đặc biệt nếu thúc đẩy được các hoạt động thu hút dòng ngoại tệ chảy vào đất nước, thì đã bao hàm trong đó sự đổi mới sáng tạo và liên kết với các doanh nghiệp trong nước rồi.
Khi dự án được hoàn thành đúng hạn mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến các vấn đề kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp khác trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ tự biết cân nhắc tận dụng cơ hội phát triển để khai thác hạ tầng mà dự án tạo ra. Kết quả là chúng ta sẽ có được một cấu trúc vốn của nền kinh tế năng động, phát triển một cách hợp lý và hiệu quả để mang lại tăng trưởng cao và bền vững cho đất nước.
Đinh Tuấn Minh