Trang trại chăn nuôi lợn sinh sản của Công ty Cổ phần AVAC. Ảnh: CK.
Ngày 3/4/2025 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới. PGS.TS Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và thú y cho biết trong năm 2024, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi tăng 5,4% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt 533,6 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2023.
NHU CẦU TIÊU DÙNG THỊT LỢN TĂNG NHANH
Theo ông Đăng, chăn nuôi lợn tại Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự tham gia của các thành phần kinh tế, xã hội; với sự đầu tư ngày càng lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp về quy mô chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ kỹ, các công nghệ quản lý hiện đại. Chăn nuôi nông hộ đang có xu hướng giảm mạnh và chuyển dịch dần sang chăn nuôi chuyên nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và quản lý tốtmôi trường.
Dẫn số liệu của Cục Thống kê, ông Đăng cho hay thời điểm cuối năm 2024, tổng đàn lợn đạt 32,02 triệu con, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023. Kết thúc quý 1 của năm 2025, tổng đàn lợn đạt 31,8 triệu con (giảm hơn 200 ngàn con so với thời điểm 1/1/2025 (giảm 0,63%), nhưng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: CK.
Trong năm 2024 sản lượng thịt hơi các loại đạt 8,1 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2023; trong đó thịt lợn hơi 5,18 triệu tấn, tăng 6,6%. Trong cơ cấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2024, thịt lợn chiếm tỷ trọng cao nhất đạt 62,6%, thịt gia cầm là 29,4%,còn lại là thịt trâu, bò, dê, cừu (chiếm 8%). Như vậy tỷ trong thịt lợn trong cơ cấu tổng sản lượng thịt của nước ta cao hơn so với tỷ trong thịt lợn trên toàn thế giới (khoảng 40%).
Tốc độ tăng trưởng đàn lợn và sản lượng thịt lợn. Nguồn Cục Chăn nuôi và thú y.
"Luật Chăn nuôi đã quy định kể từ ngày 1/1/2025, tất cả cơ sở chăn nuôi đang hoạt động trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư sẽ buộc phải di dời hoặc ngừng hoạt động. Vì vậy, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đã không còn phù hợp, nhất là trong điều kiện ngày càng có nhiều dịch bệnh và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường ngày càng đòi hỏi cao hơn".
PGS.TS. Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và thú y
Theo ông Đăng, giá lợn hơi năm nay có diễn biến trái quy luật. Trong năm 2024, trung bình giá thịt lợn hơi xuất chuồng trong cả nước dao động trung bình 52-63 nghìn đồng/kg, thời điểm cao nhất là 67,7 nghìn đồng/kg. Từ tháng 1/2025, giá lợn thịt hơi xuất chuồng bắt đầu tăng mạnh và tăng cao nhất trong tháng 3/2025 trung bình đạt 76,5 nghìn đồng/kg, có những thời điểm giá thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 80 nghìn đồng/kg. Những ngày cuối tháng 3/2025, giá lợn đang trên đà giảm xuống còn 74-76 nghìn đồng/kg. Như vậy, chênh lệch giá giữa thời điểm giá cao nhất của quý 1 năm 2025 so với thời điểm giá cao nhất năm 2024 là gần 10.000 đồng/kg.
Diễn biến giá lợn hơi xuất chuồng và giá lợn con. Nguồn Cục Chăn nuôi và thú y.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cho hay năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 292.000 tấn thịt lợn, trị giá 460 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2025, nước ta nhập khẩu 25.500 tấn thịt lợn, trị giá 49,9 triệu USD, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước. Nga đang là đối tác cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam, chiếm hơn 22% tổng lượng nhập khẩu, tiếp theo là các quốc gia như Brazil, Đức, Hà Lan và Ba Lan. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là các phần thịt đông lạnh như thịt vai, thịt mỡ, sườn và các sản phẩm phụ phẩm.
Đề cập về thị trường thịt lợn trong nước, ông Hòa cho hay giá lợn hơi tại Việt Nam trong tháng 3/2025 cao hơn nhiều so với giá lợn hơi tại Trung Quốc (tương đương 63.000 đồng/kg) và Thái Lan (tương đương 56.000 đồng/kg), nhưng vẫn thấp hơn giá lợn hơi tại Philippines (tương đương 115.000 đồng/kg).
Ông Phạm Kim Đăng: "Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn đã tăng 2 bậc và Việt Nam xếp thứ 4 thế giới về tiêu thụ thịt lợn". Ảnh: CK.
Lý giải nguyên nhân khiến giá lợn thịt tăng, ông Đăng cho rằng cùng với nguyên nhân do nguồn cung tạm thời thấp hơn so với nhu cầu, còn là vì tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây. Cụ thể: năm 2021 khoảng 30 kg/người/năm, năm 2022 khoảng 32 kg/người/năm, năm 2023 khoảng 33,8 kg/người/năm, năm 2024 ước đạt 37,04 kg/người/năm (tính theo kg thịt xẻ/người/năm). Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 6 thế giới về tiêu thụ thịt lợn thì năm 2024 nhu cầu tiêu thụ thịt lợn đã tăng 2 bậc và Việt Nam xếp thứ 4 thế giới về tiêu thụ thịt lợn.
ĐIỀU TIẾT CHĂN NUÔI PHẢI XUYÊN SUỐT
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện nay tổng đàn lợn của Đồng Nai chỉ còn khoảng 1,9 triệu con, giảm 5,23% so với cùng kỳ năm trước. Năm vừa qua, Đồng Nai gặp nhiều dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Riêng với đàn lợn, đã phải tiêu hủy 1.300 con. Cùng với đó, Đồng Nai đã thực hiện việc di dời các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư được 80%, dẫn đến số lượng sụt đầu lợn sụt giảm.
Để quản lý chặt chẽ ngành chăn nuôi, nắm chắc số liệu để điều tiết sản xuất không rơi vào tình trạng cung thiếu hoặc cung vượt cầu, ông Sinh cho rằng cần thiết phải quy định và triển khai mã định danh đối với các cơ sở chăn nuôi. Ông Sinh kiến nghị cần quy định cụ thể về việc khai báo tổng đàn trong các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời bổ sung hình thức khai báo trực tuyến.
“Đây không chỉ là hình thức khuyến khích mà cần được quy định bắt buộc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát dịch bệnh. Cùng với đó, cần xây dựng và triển khai một phần mềm quản lý chuẩn và cần thực hiện nội dung này một cách thống nhất trong toàn quốc để quy tập dữ liệu, thông tin”, ông Trần Lâm Sinh đề xuất.
Biến động đàn lợn sinh sản và số lượng lợn con. Nguồn Cục Chăn nuôi và thú y
Ông Đặng Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, thông tin hiện nay tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là 1,3 triệu con. Địa phương có 588 trang trại chăn nuôi và hơn 88.070 hộ chăn nuôi, sản lượng thịt hơi hàng năm khoảng 185.000 tấn.
Ước tính 3 tháng đầu năm 2025, ngành chăn nuôi lợn của tỉnh Thanh Hóa đã xuất bán khoảng 480.000 con, giá trị trung bình ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 720 tỷ đồng. Dự tính cả năm 2025, tổng giá trị sản xuất của chăn nuôi lợn Thanh Hóa tính theo giá thị trường khoảng 12.000 tỷ đồng.
Để hướng tới phát triển ngành chăn nuôi lợi trong tình hình mới, Thanh Hóa kiến nghị cần áp dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong chăn nuôi để tự động hóa các khâu trong sản xuất. Trong bối cảnh cả nước đang xây dựng chính quyền hai cấp và sẽ triển khai vào 1/7/2025, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tỉnh trong công tác quản lý trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, khi không còn hệ thống thú y cấp huyện thì phải triển khai thú y cấp xã như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận định: Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao, tuy nhiên đang dần có sự chuyển dịch sang các sản phẩm thịt khác như thịt gia cầm và thủy sản. Để ngành chăn nuôi lợn trong nước phát triển theo hướng bền vững, ông Dương đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước về chăn nuôi và thú y cần tiến hành đánh giá toàn diện hoạt động chăn nuôi trên nhiều góc độ.
“Việc tổ chức lại chuỗi sản xuất là cần thiết, không cần thiết phải duy trì nhiều chuỗi, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ được toàn bộ chuỗi mới tạo được sự đồng bộ. Cùng với đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nâng cao năng suất, giảm thiểu rủi ro và tối ưu quản lý. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của Nhà nước và toàn xã hội vào công tác kiểm soát dịch bệnh, phải xem phòng chống dịch bệnh là chìa khóa then chốt để chăn nuôi lợn phát triển”, ông Dương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: "Cần nắm rõ tình hình số lượng lợn để có thể điều tiết trên cơ sở vai trò nhà nước". Ảnh: CK.
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết thời gian qua, giá lợn có thời điểm tăng mạnh. Vì vậy, trong thời gian tới, cần nắm rõ tình hình số lượng lợn để có thể điều tiết trên cơ sở vai trò nhà nước.
Thứ trưởng yêu cầu công việc điều hành, điều tiết chăn nuôi phải xuyên suốt, không được bỏ trống địa bàn, nhiệm vụ. Cần có nhiều sáng kiến, giải pháp toàn diện để kiểm soát chặt chẽ những vấn đề lớn của ngành như con giống, thức ăn, môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, giết mổ… để ngành đạt được các mục tiêu đề ra.
Chu Khôi