Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống vào chiều nay (11/2), đại diện UBND huyện Ninh Giang (Hải Dương) cho biết: "Đơn vị vừa có công văn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương về việc đề nghị xử lý tài khoản TikTok cá nhân đăng bài có nội dung thông tin không chính xác về di tích trên địa bàn huyện".
Theo đó, qua nắm bắt trên các trang mạng xã hội), tài khoản TikTok có tên @DucHai Duong đăng tải video ngày 13/12/2024, với nội dung "ACE Ninh Giang ơi! Đức đến đây! con lạy con quan lớn đệ ngũ Tuần Tranh".
Công văn của UBND huyện Ninh Giang gửi cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương về việc đề nghị xử lý tài khoản TikTok cá nhân đăng bài có nội dung thông tin không chính xác về di tích trên địa bàn huyện. Ảnh: Đ/Tùy
Qua theo dõi video trên, UBND huyện Ninh Giang nhận thấy, thông tin và hình ảnh trong clip là không chính xác, không đúng với di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia đối với di tích lịch sử - văn hóa đền Tranh trên địa bàn huyện Ninh Giang.
Cơ sở thờ tự trong nội dung clip do TikToker đăng tải không phải là di tích đền Tranh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia Ảnh được cắt từ clip.
Cụ thể, hình ảnh về cơ sở thờ tự được nêu trong đoạn video mà tài khoản TikTok @DucHai Duong đã đăng là công trình do tư nhân xây dựng trái phép, vi phạm hành lang bảo vệ đê sông Luộc, không có giá trị về mặt di tích, không được UBND tỉnh Hải Dương đưa vào danh mục bảo vệ di tích trên địa bàn và cũng không được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
"Cơ sở thờ tự này không phải là di tích đền Tranh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia như trong clip đã nêu" - văn bản nêu rõ.
Cũng theo nội dung văn bản: Trên địa bàn huyện Ninh Giang chỉ duy nhất một di tích mang tên đền Tranh thờ Quan lớn Tuần Tranh, thuộc thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm cũ (nay là khu dân cư Tranh Xuyên, thị trấn Ninh Giang).
Đền Tranh (xã Đồng Tâm cũ-nay là thị trấn Ninh Giang) được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 2009. Ảnh: Đ.Tùy
Trước những thông tin không chính xác trên, UBND huyện Ninh Giang đề nghị Công an tỉnh Hải Dương, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương tiến hành kiểm tra, xử lý những cá nhân đăng tin không chính xác về di tích đền Tranh, để tránh gây hiểu nhầm về thông tin các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Ninh Giang.
khu vực thờ tự do Tiktoker đăng tải là Đền bờ sông (hay còn gọi là Đền Đoan, khu 2, thị trấn Ninh Giang). Khu vực đền này đang vi phạm về đê điều và xuất hiện tình trạng ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ đầu năm. Ảnh: Đ.Tùy
Theo tìm hiểu của PV, khu vực thờ tự mà Tiktoker đăng tải clip là Đền bờ sông (hay còn gọi là Đền Đoan, có địa chỉ tại khu 2, thị trấn Ninh Giang). Khu vực đền này đang vi phạm đến đê điều và đã được Báo Sức khỏe và Đời sống đăng bài phản ảnh Ăn xin bủa vây Đền bờ sông, dịch vụ đổi tiền lẻ nở rộ ngày 5/2 vừa qua.
Đền Tranh còn gọi là đền Quan lớn Tuần Tranh (có địa chỉ tại thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm cũ - nay thuộc thị trấn Ninh Giang), là một trong những ngôi đền cổ của Việt Nam. Đền Tranh thờ vị Thủy thần Quan lớn Tuần Tranh (con trai thứ 5 của Vua Cha Bát Hải Động Đình) và được sắc phong Công hầu.
Đền Tranh được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 2009. Năm 2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định Lễ hội truyền thống Lễ hội đền Tranh được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến năm 2023, UBND tỉnh Hải Dương công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh là điểm du lịch.
Ngoài lễ hội truyền thống vào tháng 2 âm lịch, ngôi đền này còn có lễ hội ngày 25/5 âm lịch (ngày Tiệc quan).
Bài, ảnh, clip: Đức Tùy